Lợi nhuận công ty gỗ An Cường tiếp tục suy giảm

Trần Anh - 13:44, 26/10/2020

TheLEADERLũy kế 9 tháng, Công ty gỗ An Cường ghi nhận doanh thu gần 2.574 tỉ đồng, giảm 13,6% và lợi nhuận sau thuế 341 tỉ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Chế biến Gỗ An Cường (Gỗ An Cường) công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu đạt 942,4 tỉ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu giảm khiến lợi nhuận gộp của Gỗ An Cường giảm tương ứng. Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp quý 3 đạt 262 tỷ đồng, giảm 6% so với quý 3/2019.

Để bù đắp cho hoạt động kinh doanh suy yếu, trong kì Gỗ An Cường đã tiến hành cắt giảm nhiều chi phí. Chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp đều giảm, lần lượt là 9,2% và 7,2%. Từ đầu năm đến nay, Gỗ An Cường đã cắt giảm rất mạnh tay, báo cáo bán niên trước đó cho thấy, nửa đầu năm nay số lượng nhân viên đã giảm 18% từ 3.642 người xuống 2.974 người.

Hoạt động cắt giảm cùng với việc doanh thu hoạt động tài chính đạt 29 tỉ đồng, tăng 34,3% so với quí 3 năm ngoái đã góp phần kéo lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ, đạt 152 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lũy kế 9 tháng, kết quả kinh doanh của Gỗ An Cường vẫn suy giảm. Công ty ghi nhận doanh thu gần 2.574 tỉ đồng, giảm 13,6%, lợi nhuận sau thuế đạt 341 tỉ đồng, giảm 13,3% so với cùng kì năm trước.

Gỗ An Cường thu hẹp hoạt động thể hiện ở việc giảm hàng tồn kho các khoản phải thu và tăng lượng tiền gửi ngân hàng. 9 tháng đầu năm, giá trị hàng tồn kho của công ty đạt hơn 1.200 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Trong khi đó, tiền và cá khoản tương đương tiền của công ty tăng rất mạnh, đạt xấp xỉ 1.700 tỷ đồng, tăng gần 70%.

Thành lập năm 2006, Gỗ An Cường hiện là công ty lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp với khoảng 50% thị phần trong nước của ván ép MFC và 70% thị phần của ván Laminate. Sản phẩm gỗ của An Cường được dùng trong nhiều dự án lớn trong nước từ chung cư (Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền,…), khách sạn (Marriot, Novotel), cho tới cao ốc văn phòng, ngân hàng,… Công ty cũng là nhà phân phối cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Formica, Dollken, Schattdecor, Hettich.

Gỗ An Cường có kế hoạch niêm yết sau nhiều đợt phát hành và chia cổ tức. Mặc dù vậy, kế hoạch này đang bị chững lại khi hoạt động của công ty không thuận lợi. Trong năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19 và thị trường bất động sản đình trệ, kết quả kinh doanh của An Cường có chiều hướng đi xuống. 

Công ty hiện có vốn điều lệ gần 880 tỷ đồng và được nắm giữ hơn 50% bởi doanh nghiệp của nhà sáng lập Lê Đức Nghĩa, khoảng 40% cổ phần do các cổ đông nước ngoài sở hữu gồm Sumitomo Forestry và Whitlam Holdings và hơn 10% còn lại do cổ đông khác nắm giữ.