Lợi nhuận vượt trội của Vietcombank

Trần Anh - 13:11, 22/10/2019

TheLEADERLà ngân hàng dẫn đầu trong ngành, Vietcombank đang thể hiện sự vượt trội về nhiều mặt so với các ngân hàng khác từ tốc độ tăng trưởng, quy mô và hiệu quả sử dụng tài sản.

Lợi nhuận vượt trội của Vietcombank
Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất trong ngành.

Vietcombank vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với mức lợi nhuận sau thuế hơn 5.051 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với quý 3 năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt hơn 14.127 tỷ đồng, dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.

Theo báo cáo của ngân hàng, trong quý vừa qua, các hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, góp phần tạo ra lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng thêm gần 1.400 tỷ đồng, thu nhập dịch vụ tăng thêm 547 tỷ đồng, thu nhập kinh doanh ngoại hối tăng 338 tỷ đồng, thu nhập lãi đầu tư tăng 568 tỷ đồng...

Thu nhập dịch vụ của Vietcombank tăng trưởng trong năm 2019 nhờ việc tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ như nâng cấp hẹ thống CNTT hỗ trợ dịch vụ, phát triển các sản phẩm mới và mở rộng tính năng sản phẩm, thu hút thêm khách hàng và tăng giao dịch...

Trong khi các nguồn thu nhập đều tăng hai con số, chi phí hoạt động của Vietcombank chỉ tăng chưa đến 5% trong quý 3. Còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm, cho vay khách hàng của Vietcombank tăng trưởng 12,2%, đạt 708 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu khoảng 1%. Tuy vậy, nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng đã tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn.

Trong số các ngân hàng đã công bố, Vietcombank là số ít còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm. So với mức trần của toàn ngành là 14%, nhiều ngân hàng khác đã tăng trưởng vượt xa con số này. 

Báo cáo của ngân hàng cũng cho thấy, kênh cho vay thông qua trái phiếu doanh nghiệp chưa được khai thác. Hiện tổng giá trị chứng khoán nợ do các TCKT trong nước phát hành của ngân hàng chỉ đạt chưa đến 7.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Điều này có vẻ đi ngược với cơn sốt đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng từ đầu năm đến nay.

Tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng tăng thêm hơn 100 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, là động lực chính giúp quy mô tổng tài sản của ngân hàng tăng thêm 7,7%, đạt mức 1.157 tỷ đồng.

Vietcombank gần như chưa sử dụng kênh huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu như các ngân hàng khác đẩy mạnh trong thời gian qua. Tiền gửi khách hàng vào Vietcombank tăng từ đầu năm chủ yếu nằm ở khoản mục tiền gửi có kỳ hạn bằng VND.

Sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm ngoái, năm nay, Vietcombank tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng gần 10%, lợi nhuận trước thuế khoảng 20 nghìn tỷ. Kết quả 9 tháng đầu năm, ngân hàng chỉ còn cách con số này chưa đầy 2.500 tỷ đồng.

Triển vọng của ngân hàng trong ngắn hạn còn được đánh giá tích cực hơn với thương vụ ký thỏa thuận bancassurance trị giá 400 triệu USD với FWD, theo hãng tin Bloomberg. Đây là số tiền công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng để được độc quyền bán sản phẩm thông qua hệ thống của Vietcombank.

FWD là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trực thuộc Tập đoàn Pacific Century của Richard Li, tỷ phú đứng thứ 413 thế giới với giá trị tài sản ròng 4,6 tỷ USD. Richard Li, cũng chính là con trai út của tỷ phú Hong Kong Ly Ka Shing, đang đặt cược lớn vào Đông Nam Á khi FWD chi 3 tỷ USD mua một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ở Thái Lan vào tháng 7 năm nay.

Ngoài ra, Vietcombank đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6,5% thông qua phát hành riêng lẻ để nâng quy mô vốn lên trên 55 nghìn tỷ đồng. Đây là tỷ lệ room còn lại mà nhà đầu tư nước ngoài còn được phép sở hữu tại Vietcombank (tối đa là 30%). 

Nguồn vốn sẽ được sử dụng vào đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới, đầu tư vào công nghệ và các tài sản cố định. Đồng thời mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

Hồi đầu năm nay, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã chi ra khoảng 220 triệu USD để mua 2,55% cổ phần của Vietcombank. Cùng với việc bán thêm 16,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông Nhật Bản (Mizuho Bank), Vietcombank thu về hơn 6.106 tỷ đồng trong giao dịch trên.