Luật bảo vệ người tiêu dùng: 'Cây đũa thần' bao giờ mới hóa phép?

Quỳnh Như - 14:38, 13/10/2018

TheLEADERDù vô tình hay cố ý thì hiện tại rất nhiều doanh nghiệp đang vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên hầu hết người tiêu dùng Việt lại không có hiểu biết đầy đủ hoặc không mấy quan tâm đến quyền bảo vệ này.

Luật bảo vệ người tiêu dùng: 'Cây đũa thần' bao giờ mới hóa phép?
Người tiêu dùng đang tự mình bỏ qua quyền được bảo vệ từ chính trong Luật bảo vệ người tiêu dùng

Theo một tài liệu nghiên cứu về các hành vi vi phạm trong giao dịch tiêu dùng: vi phạm về chất lượng hàng hoá không đảm bảo chiếm tỷ lệ cao nhất 25%, gian lận về đo lường chiếm 16%, xuất xứ chiếm 12%, hạn sử dụng chiếm 10%, hóa đơn và chứng từ chiếm 8%...

Chia sẻ tại hội thảo Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2018 do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phối hợp cùng Quỹ chống hàng giả tổ chức ngày 11/10, ông Hồ Tùng Bách, Phó phòng bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương cho biết, trong các đợt đi kiểm tra, ông cùng các đồng sự thường xuyên gặp doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Bách cho biết, hiện có 4 hạng mục mà nhiều doanh nghiệp hay vi phạm là bảo vệ thông tin người tiêu dùng, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bảo hành, kiểm soát hợp đồng theo mẫu – điều kiện giao dịch chung.

Về bảo vệ thông tin người dùng, với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin như hiện nay, thông tin người tiêu dùng đang có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết với nhiều doanh nghiệp, tình trạng rò rỉ thông tin cũng đang diễn ra ở mức báo động.

Tại Việt Nam, với những người có chút địa vị, mỗi ngày họ nhận không dưới 10 cuộc điện thoại mời chào mua đủ loại hàng hóa, từ nhà cửa cho đến bảo hiểm, toàn từ những số lạ. Nhiều chuyên gia nói rằng, thông tin người dùng tại Việt Nam đã bị lộ từ lâu và được mang ra bán qua lại rất nhiều lần. 

Việc để lộ thông tin người dùng trong nhiều trường hợp rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng, ví dụ kẻ trộm có thể lẻn vào nhà bạn ăn trộm nếu thông tin về chuyến bay của bạn bị rò rỉ ra ngoài; mức độ nhẹ hơn sẽ gây phiền toái cho cuộc sống của người dùng khi hàng ngày phải nhận quá nhiều cuộc điện thoại vô bổ.

Ở các nước phương Tây, doanh nghiệp vi phạm hạng mục này sẽ phải trả giá rất đắt. Cách đây chưa lâu, việc Facebook để lộ thông tin của 50 triệu người dùng, chủ yếu ở Mỹ, trong đó có 4 triệu tài khoản ở Việt Nam, đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho doanh nghiệp này: chỉ số cổ phiếu của Facebook giảm 17% trong 2 tuần, tương đương với 40 tỷ USD còn ông chủ Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, trong ‘ghi nhãn’, tên hàng hóa phải được ghi với kích cỡ lớn nhất, nhưng khi đi kiểm tra, ông Bách phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm điều này, trong nhiều siêu thị tên hàng hóa luôn bị lọt thỏm giữa những thành phần khác trên nhãn.

Nhiều doanh nghiệp cũng vi phạm chỗ "ngày tháng và hạn sử dụng", nguyên nhân bởi cách thể hiện ngày tháng ở nước ngoài khác Việt Nam, nhiều doanh nghiệp không Việt hoá cách viết mà vẫn để nguyên trạng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Bài học về sự sụp đổ của ‘đế chế’ Khải Silk sau vài chục năm xây dựng do một người tiêu dùng phát hiện việc "cắt mác, thay tem" trên chiếc khăn lụa mua về cho thấy, công việc nhỏ như gắn nhãn mác cũng có thể khiến doanh nghiệp thất bại.

Nhiều doanh nghiệp Việt chưa quan tâm thích đáng đến luật bảo vệ người tiêu dùng
Ông Hồ Tùng Bách chia sẻ kinh nghiệm trong hội thảo

Về bảo hành, tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp không làm tốt công tác bảo hành cho người tiêu dùng, họ thường dùng nhiều cách khác nhau khất lần việc hoàn tất bảo hành sản phẩm cho khách, để ép khách hàng mua lại cái mới hoặc chán nản ‘bỏ của chạy lấy người’; hoặc ‘bới lông tìm vết’ cố đổ lỗi cho khách hàng không chịu bảo hành dù sản phẩm còn đang trong thời gian bảo hành.

Trước thực trạng đó, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm, tạo điều kiện - chỉ đạo sát sườn nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam; tuy nhiên, nếu chỉ có sự tham gia của mỗi cơ quan Nhà nước thì không thể thực hiện được mục tiêu nói trên mà phải có sự tham gia chủ động – tích cực của các doanh nghiệp và hiệp hội.

“Với xu thế hội nhập, cục còn hợp tác với nhiều tổ chức bảo vệ người tiêu dùng quốc tế, để bảo vệ người tiêu dùng Việt kể cả khi họ giao dịch với bên ngoài biên giới. Chúng tôi vừa tham gia vào diễn đàn của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng với mạng lưới gần 100 quốc gia. Như vậy, sắp tới, khi có một sản phẩm ở 99 quốc gia khác giống một sản phẩm tại Việt Nam, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại đó thu hồi sản phẩm.

Trước đây, có một khách hàng Việt Nam mua hàng iPhone tại Singapore rồi bị ‘lừa’ cộng thêm tiền ở giấy bảo hành mà không thể trả lại được, sau khi chúng tôi tiếp nhận thông tin đã làm việc với hội bảo vệ người tiêu dùng Singapore và họ đã giải quyết ngay vấn đề, không những bắt người bán phải trả lại tiền và còn khép người đó vào tội hình sự”, ông Tuấn kể.

Còn theo bà Châu Thị LệTrưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương Long An, người tiêu dùng Việt Nam cũng nên tích cực hơn nữa trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình, không nên phó mặc cho cơ quan quản lý hay doanh nghiệp.

Bà Lệ cho rằng, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen sử dụng quyền được khiếu nại, chỉ có rất ít khiếu nại trực tiếp đến người bán hàng, người cung cấp dịch hoặc tìm đến các cơ quan nhà nước. Mỗi khi chịu thiệt thòi, phần lớn người tiêu dùng Việt thường bỏ qua hoặc không làm tới cùng.

Tuy nhiên, để có thể bảo vệ mình tốt nhất, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình nhằm sử dụng chúng hợp lý và hiệu quả nhất.

Đề cập đến những giải pháp trong việc quản lý vi phạm sản xuất kinh doanh hàng hóa, ông Phạm Linh, Trưởng ban Xúc tiến thương mại nội địa (Hiệp hội doanh nhân trẻ TP. HCM) đề xuất, ngoài các biện pháp mạnh tay xóa xổ các cơ sở sản xuất hàng kém chất lượng hay không rõ nguồn gốc, Nhà nước cũng như các hiệp hội cũng nên tài trợ kinh phí, khuyến khích - ủng hộ các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó giúp những doanh nghiệp chân chính tiếp cận tốt hơn với khách hàng cùng những thông tin sản phẩm rõ ràng, minh bạch.

Giải pháp thứ hai của ông Linh là các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ thiết lập những khu chợ ảo có quầy kệ - sản phẩm sử dụng công nghệ bảo mật hay blockchain, để chính các doanh nghiệp có thể bày bán sản phẩm của mình, giảm bớt khâu trung gian mua bán, giảm rủi ro bị trà trộn hàng giả, hàng nhái từ bên thứ ba.

“Vai trò của cơ quan báo chí cũng rất quan trọng trong công cuộc chống hàng gian – hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng. Vì thế, các cơ quan thông tấn nên duy trì thường xuyên góc tư vấn cho người đọc về cách thức tránh mua hàng giả hay kém chất lượng cũng như phản ánh những vụ việc tiêu cực giúp người tiêu dùng nâng cao cảnh giác”, ông Linh nhấn mạnh.