Lượng CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong vòng 800.000 năm

Minh Hoàng - 11:18, 31/10/2017

TheLEADERTổ chức Khí tượng học thế giới (WMO) cho biết, lượng CO2 trong khí quyển đã đạt mức cao nhất trong 800.000 năm.

Lượng CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong vòng 800.000 năm
Ảnh: Lukas Schulze/Getty Images

Theo báo cáo của Dự án về khí thải nhà kính của WMO, lượng CO2 gia tăng với tốc độ kỷ lục vào năm ngoái, với nồng độ CO2 bình quân trên toàn cầu đạt 403,3 phần triệu (ppm) trong năm 2016 so với 400 ppm vào năm 2015.

Nguyên nhân của vấn đề này là sự kết hợp của các hoạt động của con người và hiện tượng El Nino mạnh mẽ, báo cáo cho hay.

WMO cho biết các phép đo trực tiếp từ 800.000 năm qua đã được thực hiện bằng cách sử dụng hai lõi băng Nam Cực và các thiết bị hiện đại.

Sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển bắt đầu diễn ra vào thời đại công nghiệp, từ năm 1750. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố bao gồm tăng trưởng dân số, công nghiệp hóa và việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

"Nếu không cắt giảm khí CO2 và các khí thải nhà kính khác, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của hiệp định Paris về biến đổi khí hậu", ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO, cho biết. "Các thế hệ tương lai sẽ phải kế thừa một hành tinh khắc nghiệt hơn".

Theo Hiệp định Paris, vào cuối năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đảm bảo rằng sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ chỉ đến 1,5 độ C.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, Tổng thống Donald Trump đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris và hiện đang bắt đầu các cuộc đàm phán để tái gia nhập hoặc thương lượng một hiệp định mới.

Ông Taalas nói rằng, khí CO2 vẫn tồn tại trong khí quyển hàng trăm năm nay và thậm chí còn hiện diện trong các đại dương từ trước đó. "Các quy luật vật lý có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với một khí hậu nóng hơn và khắc nghiệt hơn trong tương lai. Hiện tại không có 'cây đũa thần' nào có thể loại bỏ khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển".

Erik Solheim, người đứng đầu Bộ phận môi trường của Liên hợp quốc (UN Environment), cho biết trong vài năm gần đây lĩnh vực năng lượng tái tạo đã được hoan nghênh, song cần phải tăng gấp đôi nỗ lực để phát triển các công nghệ mới này. Các giải pháp đã sẵn sàng để giải quyết thách thức này. "Những gì chúng ta cần bây giờ là ý chí chính trị toàn cầu và nhận ra được mức độ cấp bách của việc giải quyết vấn đề", ông cho biết.