Maritime Bank cho vay cổ đông và công ty bất động sản liên quan đến Chủ tịch ngân hàng

Minh An - 09:05, 12/06/2018

TheLEADERNăm 2017, cổ đông của Maritime Bank là công ty Việt Hân nhiều lần thế chấp các căn hộ thuộc dự án TNR Goldmark City làm tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ trả nợ tại chính ngân hàng này.

Mới đây Maritime Bank đã thông báo giải tỏa hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu để các cổ đông của ngân hàng giao dịch cổ phiếu thuận lợi. Đây là động thái chuẩn bị đưa cổ phiếu này lên sàn chứng khoán TP.HCM vào quý I năm sau của Ban lãnh đạo ngân hàng.

Sau giai đoạn dài tái cấu trúc, năm ngoái tổng tài sản của ngân hàng đã tăng mạnh gần 20%, đạt 112 nghìn tỷ đồng. Quy mô của ngân hàng tăng trưởng nhờ vào tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác, tăng thêm khoảng 19.000 tỷ đồng và phát hành giấy tờ có giá, tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, huy động tiền gửi khách hàng của Maritime Bank bất ngờ sụt giảm khoảng 1%.

Sang quý I năm nay, báo cáo của Maritime Bank cho biết, dù tổng tài sản tiếp tục tăng nhẹ nhưng tổng giá trị cho vay khách hàng của ngân hàng này giảm 3%, từ 36.212 tỷ đồng xuống còn 35.101 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu khá lạ lùng trong bối cảnh điều kiện tín dụng của cả ngành ngân hàng nói chung đang tăng trưởng rất mạnh. Đi sâu vào hoạt động cấp vốn của Maritime Bank, có thể thấy ngân hàng này đã giảm cho vay trong lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực thương mại công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng và lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Ngược lại, lĩnh vực cho vay kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng bất thường lên 10.053 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tín dụng của ngân hàng tính đến cuối tháng 3. So sánh với các ngân hàng khác, Maritime Bank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ trọng cho vay cao nhất trong lĩnh vực này.

Đại hội cổ đông của ngân hàng mới đây tiếp tục bầu ông Trần Anh Tuấn vào HĐQT và giữ chức Chủ tịch ngân hàng. Ông Trần Anh Tuấn là chồng của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cả hai đều những doanh nhân từng học tập và làm ăn tại Nga sau đó trở về Việt Nam kinh doanh từ giữa những năm 90.

Hoạt động kinh doanh của vợ chồng doanh nhân này hiện nay gắn liền với TNG Holdings, một tập đoàn đa ngành nhưng nổi bật trong lĩnh vực bất động sản thương mại và khu công nghiệp.

Tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp từ sớm, đến nay, VID Group, tiền thân của TNG Holdings, đang sở hữu nhiều khu công nghiệp ở phía Bắc với tổng diện tích khoảng 2.000 ha. Khách hàng thuê đất khu công nghiệp của tập đoàn này có hơn 300 doanh nghiệp từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, HongKong.

Trong lĩnh vực bất động sản thương mại, các dự án của tập đoàn này được phát triển dưới thương hiệu TNR Holdings bao gồm các khu căn hộ chung cư, khu dân cư và tòa nhà văn phòng.

Vấn đề ở chỗ, nhiều dự án bất động sản được phát triển dưới các thương hiệu của TNR Holdings là khách hàng của Maritime Bank. Điển hình là dự án TNR Goldmark City do công ty Việt Hân làm chủ đầu tư.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Hân đã nhiều lần giao dịch tài sản bảo đảm với Martitime Bank. Gần đây nhất, ngày 27/4, công ty sử dụng 551 căn hộ chưa bán thuộc dự án để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng này. Trước đó, đầu năm 2016, Việt Hân từng sử dụng 2.000 căn hộ cũng thuộc dự án TNR Goldmark City để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng này.

Maritime Bank cho vay cổ đông và công ty liên quan đến Chủ tịch ngân hàng
Một giao dịch bảo đảm của Công ty Việt Hân với Maritime Bank

Không chỉ mang các căn hộ thuộc dự án đi cầm cố tại Maritime Bank, một nguồn tin cho biết, Việt Hân cũng chính là một cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của Maritime Bank (MSB) trong năm 2017, công ty này cũng nhiều lần sử dụng số cổ phiếu MSB làm tài sản bảo đảm tại một ngân hàng khác.

Maritime Bank không chỉ nhận cầm cố một dự án do TNR Holdings phát triển. Được biết, các chủ đầu tư của những dự án Gold View, Gold Season và Gold Silk cũng có lịch sử giao dịch tài sản bảo đảm dày đặc với ngân hàng này.

Một giao dịch này 3/1/2018 của CTCP Bất động sản Hano VID cho biết 6 căn nhà liền kề tại dự án Gold Silk được sử dụng làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank. Trước đó, cuối tháng 12/2017, CTCP Bất động sản Mỹ đã sử dụng 398 căn hộ chưa bán thuộc dự án Gold Season làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng.

Tương tự, trong tháng 12 năm ngoái, CTCP May Diêm Sài Gòn cũng sử dụng các căn hộ sẽ bán trong tương lai của khu cao ốc Hòa Bình (Gold View) làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank.

Ngoài các căn hộ, nhiều tài sản khác của các dự án này như tầng hầm, bãi đỗ xe, trung tâm thương mại cũng được chủ đầu tư sử dụng vào mục đích là tài sản bảo đảm.

Giao dịch bảo đảm diễn ra khi bên nhận bảo đảm (thường là các ngân hàng) yêu cầu bên bảo đảm (thông thường là các doanh nghiệp) phải đăng ký tài sản để làm nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng trong các hợp đồng tín dụng hoặc trái phiếu.