Mặt tích cực của các mạng xã hội

Việt Hưng - 18:00, 03/03/2020

TheLEADER10 năm trước, người Việt mới chỉ biết tới Facebook, Youtube, Yahoo!, thì tới nay, con số này lên đến 455 mạng xã hội, theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính riêng mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 ứng dụng, website được cấp phép, kéo theo hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt.

Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trong năm qua trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương với một phần tư ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị.

Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Có thể thấy, mạng xã hội đang dần trở thành một bộ phận không thể tách rời với người Việt Nam.

10 năm trước, người Việt mới chỉ biết tới Facebook, Youtube, Yahoo!, thì tới nay, con số này lên đến 455 mạng xã hội, theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính riêng mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 ứng dụng, website được cấp phép, kéo theo hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt.

Theo báo cáo của Adsota, 76% người được khảo sát cho biết họ sử dụng các mạng xã hội để theo dõi và tương tác với bạn bè, người thân. Tiếp đến là các hoạt động cập nhật tin tức về các sự kiện đang diễn ra, hoặc các tin tức giải trí, lần lượt chiếm 48% và 39% các hoạt động trực tuyến của người dùng Việt.

Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành ở Việt Nam, vai trò và hình ảnh của các mạng xã hội lại càng một rõ nét hơn. Ông Hà Trung Kiên - CEO mạng xã hội Gapo cho hay, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, số người dùng mạng xã hội Gapo tăng hơn 25% phần lớn đến từ nhóm học sinh - sinh viên.

Thời gian người dùng online và tương tác cũng tăng mạnh. Đặc biệt, các chủ đề liên quan tới phòng chống dịch Covid-19 nhận được sự quan tâm rất lớn. Mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, cũng như cách phòng, chống bệnh hiệu quả.

Mặt tích cực của các mạng xã hội
Mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, cũng như cách phòng, chống bệnh hiệu quả

"Gapo đang làm việc chặt chẽ với Bộ Y Tế nhằm đưa ra những thông báo nhanh và chính xác nhất tới người dùng", ông Kiên cho hay.

Bên cạnh các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, hướng tới cộng đồng, xã hội, các sản phẩm như Gapo còn được xem là "cầu nối" không thể thiếu giữa người bán hàng online và người tiêu dùng.

Khảo sát của Sapo.vn gần đây chỉ ra, mạng xã hội hiện là kênh bán hàng phổ biến và hiệu quả nhất trên không gian mạng. So với các cửa hàng truyền thống, các đơn vị có sử dụng các kênh mạng xã hội bán hàng đem về doanh thu cao hơn, từ 25-50%.

Hiện tại, ngoài Facebook, các kênh như Instagram, TiktokZalo được dự báo là sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong năm 2020.

Đi cùng với xu hướng mua sắm, bán hàng online thông qua các mạng xã hội, sẽ dễ hiểu khi chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến cũng tăng mạnh.

Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD.

Công ty này dự đoán, năm 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng, nhưng rất ít và ngày càng lép vế so với hai ông lớn này.

Chẳng hạn năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước đạt khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.