Messi 'bất ngờ' xuất hiện trong MV của Jack: Có vi phạm bản quyền?
Hải Đăng - Hường Hoàng
Thứ năm, 07/09/2023 - 12:24
Mới đây, việc nam ca sĩ Jack sử dụng hình ảnh của ngôi sao bóng đá người Argentina trong MV mới đã khiến cho cộng đồng mạng xôn xao. Bởi để có thể mời được một ngôi sao nổi tiếng thế giới xuất hiện trong một tác phẩm phim, ca nhạc, show diễn… là một việc vô cùng tốn kém cả về công sức lẫn tiền bạc.
Ngày 31/8 vừa rồi, Jack cho ra mắt MV “Từ nơi tôi sinh ra”, với sự xuất hiện của Lionel Messi. Sau khi sản phẩm âm nhạc này ra mắt, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin, cho rằng Jack chi 60 tỷ đồng cho chuyến gặp gỡ Messi.
Tuy vậy, ông Phạm Ngọc Quốc Cường – doanh nhân kết nối Jack gặp Messi – cho biết: “Không bao giờ có chuyện Messi đồng ý xuất hiện trong MV. Việc khai thác hình ảnh của Messi không thể là 60 tỉ đồng bởi đây là con số quá nhỏ. Vừa rồi khi bên Ả Rập mời Messi và gia đình sang quay một quảng cáo tầm 30 giây đã phải trả đến 20 triệu USD”.
Ngoài ra, theo ông Cường, không có một thỏa thuận hay hợp đồng gì để Messi xuất hiện trong MV của Jack.
Trong trường hợp không có hợp đồng thỏa thuận, việc Jack sử dụng hình ảnh Messi trong MV của mình có thể đã vi phạm một số quy định, và có thể sẽ phải đền bù thiệt hại theo pháp luật Việt Nam và của quốc gia mà nam cầu thủ hiện đang sinh sống.
Jack vi phạm “bản quyền” hình ảnh cá nhân của Messi?
Với tình tiết kể trên, nhiều người cho rằng Jack đã vi phạm bản quyền hình ảnh cá nhân của Messi. Tuy nhiên, đây không phải lỗi mà nam ca sĩ Jack mắc phải!
Cần phải khẳng định rằng, trong quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, không có khái niệm "bản quyền hình ảnh cá nhân". Thay vào đó, khái niệm “bản quyền” hay theo đúng thuật ngữ pháp lý là “quyền tác giả” là một phạm trù thuộc quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), được định nghĩa tại Điều 4 Luật SHTT:
“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.
Và “tác phẩm” ở đây cũng được định nghĩa là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Còn đối với hình ảnh của một cá nhân, thuật ngữ pháp lý chính xác phải là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015:
"Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."
Có thể thấy, nếu như bản quyền/quyền tác giả là quyền gắn với một tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học nhất định, thì quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền gắn với nhân thân của một cá nhân.
Mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân nhưng cũng theo quy định tại điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có 02 trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, bao gồm:
- Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Nói một cách dễ hiểu, nếu chiếu theo quy định pháp luật Việt Nam và dựa trên những thông tin đã được bộc lộ trên các phương tiện thông tin những ngày vừa qua, hành vi của Jack không thuộc 02 trường hợp ngoại lệ nêu trên và do đó, có thể bị xem là hành vi xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh cá nhân của Messi chứ không phải “bản quyền” của bức ảnh hay đoạn clip ghi lại cảnh gặp gỡ của anh chàng với Messi.
Nhận biết được một hành động sai rất quan trọng, nhưng cũng cần biết chính xác là sai như thế nào để tránh lỗi sai tương tự!
Án lệ nước ngoài mạnh tay
Vụ việc nêu trên chỉ là một trong rất nhiều hình thức xâm phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân, vốn rất đa dạng và phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi như hiện nay. Vậy những hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại các quốc gia trên thế giới, điển hình là những quốc gia có nền luật pháp sở hữu trí tuệ và tài sản lâu đời như Anh quốc và Mỹ, đã ghi nhận nhiều trường hợp xử phạt những tổ chức, cá nhân sử dụng hình ảnh của người khác, đặc biệt là của người nổi tiếng.
Điển hình, năm 2002, tay đua công thức 1 Eddie Irvine đã thắng 25.000 đô la khi kiện đài phát thanh Talksport sau khi nhà đài đã sử dụng hình ảnh của anh trong một quảng cáo của mình (Irvine v Talksport Ltd [2002] 2 All ER 414).
Vào năm 2012, nhà bán lẻ quần áo Topshop đã bán một chiếc áo phông có in hình Rihanna trên đó. Hình ảnh này là một bức ảnh được chụp bởi một nhiếp ảnh gia độc lập trong quá trình quay video ca nhạc.
Trong khi Topshop có giấy phép sử dụng bức ảnh này từ nhiếp ảnh gia đã chụp nó thì Topshop lại không có giấy phép từ chính Rihanna để sử dụng nó trên áo phông. Rhianna đã kiện thành công Topshop với lý do sử dụng hình ảnh của cô mà không có sự chấp thuận của cô là hành vi lừa đảo và đã được bồi thường 2,6 triệu đô la.
Năm 2019, nữ ca sĩ nổi tiếng thời chiến Vera Lynn đã phản đối thành công đơn đăng ký nhãn hiệu tại Vương quốc Anh đối với công ty Harwood International với cụm từ “VERA LYNN” liên quan đến đồ uống có cồn và rượu mạnh (O-766-19, Halewood International Brands Limited v Dame Vera Lynn, ngày 12/12/2019).
Bà cho rằng việc sử dụng tên VERA LYNN cho những mặt hàng như vậy sẽ khiến khách hàng hiểu nhầm rằng đây là sản phẩm liên quan đến và thậm chí gây tổn hại đến uy tín, danh tiếng của mình. Lynn sau đó đã đăng ký tên của mình làm nhãn hiệu, nhằm có thêm cơ sở để phản đối bất kỳ đơn đăng ký nào do bên thứ ba nộp trong tương lai.
Việt Nam - Có quy định nhưng dĩ hòa vi quý
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực quảng cáo, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người có hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh của cá nhân mà chưa được người đó cho phép trừ trường hợp được pháp luật cho phép sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.
Tiếp theo, trong lĩnh vực xuất bản, điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định 119/2020/NĐ-CP cũng có quy định về trường hợp sử dụng hình ảnh của trẻ em. Cụ thể hành vi sử dụng hình ảnh trẻ em dưới 07 tuổi để minh hoạ trên xuất bản phẩm mà cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ không đồng ý hoặc với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên mà không được chính trẻ, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đồng ý sẽ phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một hành vi xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh cá nhân rất phổ biến hiện nay là “chế ảnh” người khác nhằm bôi nhọ, xúc phạm người đó trên mạng xã hội. Theo đó, 10 - 20 triệu đồng sẽ là mức phạt tiền đối với các hành vi:
Thứ nhất, cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP);
Thứ hai, thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật (quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Trên thực tế, tại Việt Nam, những người nổi tiếng thường giữ thái độ dĩ hòa vi quý khi bị tùy tiện sử dụng hình ảnh khi những hoạt động này không ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ, vì vậy có rất ít trường hợp xử phạt liên quan đến việc xâm phạm hình ảnh cá nhân.
Tuy vậy, với sự phát triển của truyền thông xã hội, việc lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng trở đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn bao giờ hết.
Trong trường hợp hình ảnh cá nhân bị sử dụng một cách không hợp lý, người nổi tiếng có thể bị thiệt hại về danh tiếng, giảm doanh thu cấp phép bản quyền, đặc biệt là khi hình ảnh của những cá nhân đó bị gắn với những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc không phù hợp.
Hình ảnh cá nhân là nội dung quyền nhân thân gắn với cá nhân, nó cũng được coi là một trong những thông tin cá nhân của một người. Do đó, bất cứ hành vi nào sử dụng, phát tán hình ảnh cá nhân của người khác đều phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng để tránh xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác và phải chịu những chế tài xử phạt của pháp luật.
Sự việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông tin tới báo chí rằng đã gửi văn bản kiến nghị Sở Văn hóa du lịch Hà Nội rút giấy phép biểu diễn của concert Born Pink đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong công chúng.
Theo báo cáo của Media Partners Asia, cho đến năm 2027, 4.870 việc làm mới sẽ bị tước đoạt nếu Việt Nam không kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền.
Tại Việt Nam, chúng ta thường nhìn thấy những chiếc áo phông in hình các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như chuột Mickey, vịt Donald... từ những chợ cóc vỉa hè cho đến trên những hãng quần áo local brand (hãng quần áo trong nước). Vậy, sẽ thế nào khi các nhân vật hoạt hình của Việt Nam được in trên áo quần, làm thú bông, làm game… và được bán ở nước ngoài?
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.