3 phương án phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch

Phạm Sơn - 09:36, 31/08/2020

TheLEADERThế giới chưa thể chắc chắn về những gì sẽ xảy đến với nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19, đòi hỏi những bước đi thận trọng từ phía chính phủ để quá trình phục hồi diễn ra hiệu quả và bền vững.

3 phương án phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch
Nền kinh tế toàn cầu chứng kiến sự suy thoái chưa từng có, với mức tụt giảm lên tới 6%.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm diễn biến dịch bệnh, thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cũng như hiệu quả của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, sẽ mất khoảng 2 năm để có thể phục hồi trở lại tới mức trước khi đại dịch bùng phát.

Nền kinh tế toàn cầu chứng kiến sự suy thoái chưa từng có, với mức tụt giảm lên tới 6%. Dự kiến, mức suy giảm sẽ còn nặng nề hơn nữa nếu làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu tiêu dùng tụt giảm đang là những thách thức lớn nhất mà đại dịch đặt ra đối với kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức chuỗi thảo luận với chủ đề Sự tái lập vĩ đại (Great Reset) với mục tiêu đưa ra những sáng kiến nhằm hạn chế tác động của đại dịch, bên cạnh việc xây dựng phương án phục hồi bền vững và hiệu quả.

Tại chuỗi thảo luận, ông Angel Gurria, Tổng thư ký OECD đã đưa ra một số lời khuyên về chính sách vĩ mô mà các quốc gia có thể cân nhắc.

Đầu tiên, duy trì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm hỗ trợ về tiền lương cho khu vực tư nhân cho tới những chính sách tài khóa có hiệu quả lan tỏa.

Ông Gurria nhấn mạnh, chính phủ không nên rút các gói kích thích kinh tế quá sớm nếu không muốn dư địa của cuộc khủng hoảng tiếp tục nhấn chím nền kinh tế, như sai lầm mà nhiều chính phủ đã gặp phải trong đợt suy thái năm 2008, 2009.

Bên cạnh đó, các chính sách nhằm kiểm soát diễn biến của đại dịch cần được duy trì để tránh những hậu quả còn nặng nề hơn có khả năng sẽ xảy ra.

Thứ hai, nâng cao năng lực của người lao động, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp trong các lĩnh vực dể bị tổn thương. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động đang làm tăng những sức ép lên chính sách tài khóa của các quốc gia do tác động của những lệnh giãn cách xã hội.

Trong tình hình trên, việc đào tạo nâng cao kỹ năng là giải pháp tối ưu giúp nhóm lao động bị mất việc có thể kết nối lại với thị trường việc làm trong trạng thái bình thường mới.

Đây được xem là phương án lâu dài không chỉ để giải quyết tình trạng thất nghiệp mà còn giúp kích thích tiêu dùng, đồng thời tránh khỏi những hệ lụy như bất ổn xã hội và sự mất niềm tin vào nhà nước.

3 phương án phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch
Ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Cuối cùng, xem xét lại chính sách về chuỗi giá trị. Thương mại toàn cầu đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi sự gián đoạn và sụp đổ của những chuỗi cung ứng dài và phức tạp. Tuy nhiên, tổng thư ký OECD cho rằng các chính sách thu gọn chuỗi cung ứng trong giai đoạn này sẽ làm cản trở tới tiến trình phục hồi.

Thay vào đó, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ là biện pháp vẹn toàn hơn để tránh thương mại tiếp tục bị tụt giảm sau khi đại dịch kết thúc. Theo đó, các doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà máy hoặc tìm kiếm nguồn cung thay thế ở trong nước hoặc nước thứ ba bên cạnh việc duy trì dây chuyền cung ứng cũ.

Cũng trong khuôn khổ chuỗi thảo luận, ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Cao cấp Singapore nhận xét, khó khăn trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu có thể gặp cản trở bởi mâu thuẫn đối với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, tiến trình phục hồi đặt ra những yêu cầu cao hơn, không chỉ nằm ở những chỉ số đo lường kinh tế mà cần phải đảm bảo cả yếu tố phát triển bền vững, cũng như nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước những điều khó lường tương tự như Covid-19 có thể xảy đến.

Từ quan điểm trên, ông Shanmugaratnam kết luận, việc thúc đẩy nền kinh tế xanh, với các chính sách đầu tư công hướng vào phát triển bền vững, đồng thời khuyến khích những mô hình, ý tưởng kinh doanh thân thiện với môi trường sẽ đảm bảo quá trình phục hồi kiên cường và hiệu quả.