Mở nút thắt cho chuỗi khí điện 15 tỷ USD

Nguyễn Cảnh - 17:40, 28/06/2023

TheLEADERViệc PVN nhận chuyển giao làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3 và 4 từ EVN đang mở ra cơ hội để tiếp tục triển khai chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn đã tắc từ nhiều năm nay.

Mở nút thắt cho chuỗi khí điện 15 tỷ USD
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, TP. Cần Thơ (ảnh: thanhuycantho.vn)

Chuỗi khí điện Lô B – Ô Môn là một trong hai dự án khí lớn nhất tại Việt Nam, sản lượng khai thác khí hàng năm của dự án đạt khoảng 5 tỷ m3, tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ USD (thượng nguồn và trung nguồn khoảng 10,8 tỷ USD và các nhà máy điện khoảng 4 tỷ USD). Đây là dự án trọng điểm quốc gia mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước lớn với tổng thu ở khâu thượng nguồn và trung nguồn ước tính lên tới 22 tỷ USD.

Trong đó, dự án hạ nguồn gồm 4 nhà máy điện: Ô Môn 1 (660MW, chủ đầu tư EVNGENCO2), Ô Môn 2 (1.050MW, Marubeni/Vietracimex), Ô Môn 3 và 4 (mỗi nhà máy công suất 1.050MW, chủ đầu tư EVN).

Hai nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 do EVN làm chủ đầu tư đã chậm triển khai kéo dài nhiều năm qua do gặp nhiều khó khăn về thủ tục và tài chính. 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết đang cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực triển khai công tác chuyển giao các nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4, đảm bảo đúng quy định pháp luật về thủ tục, trình tự cũng như góp phần thúc đẩy quá trình triển khai, hoàn thành chuỗi khí điện lô B – Ô Môn.

Hai tập đoàn cũng đã thống nhất tổ chức ký bàn giao hồ sơ dự án các nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 từ EVN sang PVN vào 29/6 tới.

Việc chuyển giao này là thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng (tại văn bản ngày 24/6 vừa qua) và hướng dẫn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban), các bộ ngành trung ương về việc chuyển chủ đầu tư 2 nhà máy nhiệt điện nói trên. 

Sự kiện chuyển giao chính thức này được đánh giá là góp phần tháo gỡ một trong những nút thắt cơ bản của chuỗi khí điện lô B – Ô Môn trước khi bước vào các giai đoạn tiếp theo. 

Trao đổi với TheLEADER, một đại diện ban truyền thông của PVN cho biết, việc ký bàn giao hồ sơ 2 dự án chỉ là vấn đề thủ tục, còn chủ trương chuyển chủ đầu tư cho PVN đã được Chính phủ phê duyệt. 

“Dự án này có quy mô khá lớn, EVN hiện đã hết vốn nên báo cáo Thủ tướng xin chuyển sang cho PVN làm”, vị này chia sẻ. Tuy nhiên, việc hồ sơ pháp lý dự án đã chính thức chuyển chủ đầu tư sang PVN hay chưa thì vẫn chưa được vị này thông tin. 

Tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình triển khai chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn, lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, EVN, PVN đã báo cáo, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hai dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3 và 4.

Trong đó, đáng chú ý, EVN đang gặp khó khăn rất lớn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho dự án Ô Môn 3, khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4, khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của chuỗi dự án.

Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất cao và kiến nghị Thủ tướng, theo thẩm quyền, đồng ý chủ trương chuyển giao hai dự án này cho PVN làm chủ đầu tư. Theo phân tích, PVN đang có điều kiện thuận lợi về huy động nguồn vốn, năng lực thực hiện, cũng như có thể quản lý thống nhất, vận hành đồng bộ hạ tầng dùng chung của chuỗi dự án.

Phó thủ tướng giao EVN phối hợp với PVN khẩn trương chuyển giao toàn bộ kết quả những công việc đã được triển khai, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư liên quan đến hai dự án nhiệt điện khí.

Trong khi đó, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương được giao phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, kỹ thuật trong quá trình chuyển giao hai dự án; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của EVN và PVN; và báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chủ trì cuộc họp về xem xét, đề xuất chuyển giao chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 từ EVN sang PVN.

Tại đó, ông Hoàng Anh kết luận, báo cáo của EVN, PVN cho thấy, mặc dù hai tập đoàn đã rất nỗ lực trong triển khai các dự án thuộc chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, việc thu xếp vốn của EVN cho hai dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 làm cho chuỗi dự án có nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ.

Về chủ đầu tư dự án này, Ủy ban đã tổ chức nhiều cuộc họp, yêu cầu Hội đồng thành viên của EVN và PVN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó thủ tướng. Tuy nhiên, báo cáo của EVN chưa đề xuất cụ thể về việc chuyển giao chủ đầu tư dự án về kiểm điểm tình hình thực hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm về dầu khí.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của EVN, PVN tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu: Thống nhất việc chuyển giao chủ đầu tư các dự án Ô Môn 3 và 4 từ EVN sang PVN theo đúng trình tự, thủ tục của các quy định pháp luật. Đề nghị các bộ, ngành, UBND thành phố Cần Thơ hướng dẫn trình tự, thủ tục và tạo điều kiện để việc chuyển giao chủ đầu tư các dự án được thực hiện trong thời gian nhanh nhất.

Có thể thấy, với bước tiến triển mới (về mặt thủ tục) ở 2 nhà máy Ô Môn 3 và 4, chuỗi khí điện lô B – Ô Môn đang dần được tháo gỡ khó khăn tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, một trong những nút thắt còn lại của chuỗi dự án, là khâu trung nguồn (đường ống), vẫn đang chờ xử lý.

Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (PVN – người điều hành và các bên MOECO, PTTEP, PVGAS) có tổng chi phí khoảng 2,7 tỷ USD; phần thu của Chính phủ khoảng 0,8 tỷ USD, của PVN và PVGAS khoảng 2,5 tỷ USD, của MOECO và PTTEP khoảng 0,6 tỷ USD.

Như TheLEADER thông tin mới đây, 6 tháng sau khi Thủ tướng chỉ đạo PVN cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn tại của chuỗi khí điện lô B – Ô Môn (cuối tháng 6/2022), Ban chỉ đạo nhà nước các dự án dầu khí trọng điểm đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm phê duyệt điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (thuộc chuỗi), hoàn thành trong tháng 1/2023.

Kết thúc quý I/2023, Bộ Kế hoạch và đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành công việc liên quan, với lý do các nhà đầu tư chưa cung cấp đủ hồ sơ giải trình về điều chỉnh dự án.

Cụ thể, tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (sau đây gọi tắt là dự án) kèm theo hồ sơ dự án của các nhà đầu tư PVN, PVGAS, Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) và Pttep Southwest Vietnam Pipeline Company Limited (PTTEP). Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã bị bộ yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ để phục vụ công tác thẩm định do nhiều vấn đề.

Thứ nhất, về hồ sơ dự án, Bộ yêu cầu bổ sung quyết định của các nhà đầu tư về điều chỉnh dự án (trong bộ hồ sơ có Nghị quyết hồi tháng 8/2020 của Ban điều phối hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án (BCC) quyết nghị việc chuyển nhượng vốn của MOECO cho MOECO SOUTHWEST VIETNAM PIPELINE B.V (MSPL), nhưng đây không phải là quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án).

Bên cạnh đó, là hàng loạt nội dung khác cần bổ sung như: Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, 2021 của MOECO; báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của MSPL; Nghị quyết hội đồng quản trị MOECO về việc chuyển nhượng quyền và lợi ích dự án đường ống Block B tại Việt Nam do công ty sở hữu, cho công ty MSPL – công ty con 100% vốn…

Đáng chú ý, là nội dung điều chỉnh nhà đầu tư. Theo thỏa thuận (tháng 12/2019) ký giữa MOECO và MSPL về chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng BCC (ký hồi tháng 2/2010), MOECO chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia dự án (khoảng 15% tương đương 193 triệu USD) cho công ty con là MSPL với giá trị chuyển nhượng là 1 EUR. Đây là một trong những vấn đề cần giải trình của các nhà đầu tư…

Chuỗi khí điện Lô B – Ô Môn gồm các thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B (các bên tham gia gồm PVN – người điều hành, MOECO - Nhật Bản, PTTEP -Thái Lan và PVEP) có tổng chi phí khoảng 11 tỷ USD (thời giá 2016); phần thu của Chính phủ trong toàn vòng đời dự án khoảng 21 tỷ USD, của PVN và PVEP là khoảng 9 tỷ USD, của MOECO và PTTEP khoảng 4 tỷ USD. 

Dự án hạ nguồn gồm 4 nhà máy điện: Ô Môn 1 (660MW, chủ đầu tư EVNGENCO2), Ô Môn 2 (1.050MW, Marubeni/Vietracimex), Ô Môn 3 và 4 (mỗi nhà máy công suất 1.050MW, chủ đầu tư EVN).

Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (PVN – người điều hành và các bên MOECO, PTTEP, PVGAS) có tổng chi phí khoảng 2,7 tỷ USD; phần thu của Chính phủ khoảng 0,8 tỷ USD, của PVN và PVGAS khoảng 2,5 tỷ USD, của MOECO và PTTEP khoảng 0,6 tỷ USD.