Mở toang cánh cửa vào các dự án PPP

An Chi - 14:00, 14/05/2020

TheLEADERĐể đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài hậu Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư với những quy định đột phá để thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia vào các dự án hạ tầng.

Mở toang cánh cửa vào các dự án PPP
Các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm tới các dự án đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc hút vốn ngoại vào các dự án kiểu này vẫn chưa thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đó dự án có tổng mức đầu tư khá lớn, khoảng 750 triệu USD. Nhà nước hỗ trợ khoảng 250 triệu USD, nhà đầu tư nước ngoài cùng Tập đoàn Bitexco sẽ bỏ ra 500 triệu USD. Trong đó, riêng Bitexco phải bố trí khoảng 300 triệu USD để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện dự án này không thành công, đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chấm dứt việc thí điểm dự án theo cơ chế này.

Thực tế, không chỉ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mà lâu nay, câu chuyện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng còn nhiều khúc mắc.

Trước thực trạng này, Luật PPP đang được xây dựng với nhiều nội dung đổi mới có thể được xem là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dự thảo luật này vẫn còn nhiều điều khoản gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại tọa đàm trực tuyến "Luật PPP có hấp dẫn nhà đầu tư ngoại" do Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức, luật sư Oliver Massmann, Tổng giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam cho rằng, số lượng các dự án PPP được thực hiện thành công tại Việt Nam rất hạn chế. 

Điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất tại các dự án PPP là cơ chế chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều khoản này trong dự thảo luật vẫn chưa được xem xét một cách cụ thể.

Một vấn đề khác gây khó khăn cho các nhà đầu tư là thủ tục hành chính, không có văn bản luật pháp nào liệt kê tất cả thủ tục nhà đầu tư cần có để thực hiện dự án của mình. 

Bên cạnh đó, một trong những quan ngại lớn nhất được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa ra là thay đổi pháp luật gây rủi ro cho dự án PPP. Theo đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc thực thi quyền của nhà đầu tư tư nhân theo hợp đồng dự án PPP có khả năng gặp nhiều trở ngại do những thay đổi của luật pháp trong tương lai và các loại giấy phép, văn bản hành chính phát sinh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành sau khi ký kết hợp đồng. 

Còn theo ông Phạm Ngọc Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội, cơ chế chia sẻ phần tăng - giảm doanh thu cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá các điều kiện của dự thảo luật hiện đang quá chặt, mang tính thuận lợi hơn cho khu vực công. 

Trong khi đó, khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn và có một số điều kiện để được chia sẻ giảm thu sẽ khó có thể chứng minh được trên thực tế.

Dự thảo Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án PPP của Việt Nam, ông Lâm cho rằng, về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, dự thảo luật nên để điều khoản đàm phán trong hợp đồng về mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Điều kiện cụ thể của bảo lãnh doanh thu tối thiểu tùy thuộc vào bản chất của từng dự án. 

Dự thảo luật mới cần có cơ sở pháp lý đủ rõ để chi tiêu ngân sách đối với bảo lãnh doanh thu dự án PPP hay thực hiện cơ chế quỹ như kinh nghiệm một số nước.

Bên cạnh đó, cần bổ sung hai loại bảo lãnh Chính phủ đã có trong dự thảo trước đây về việc bảo lãnh cam kết thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của các cơ quan ký tất cả các hợp đồng đã được thỏa thuận liên quan đến việc thực hiện dự án PPP. Đồng thời, bảo lãnh đối với các nghĩa vụ của các nhà cung cấp trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của dự án PPP.

Các dự án PPP trong tương lai (đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo) có thể sẽ cần tiếp cận với mặt biển. Việc Nhà nước đảm bảo quyền tiếp cận mặt biển là rất cần thiết để thu hút các nhà đầu tư quốc tế cho các dự án đó.

Để khuyến khích các dự án do nhà đầu tư đề xuất, ông Lâm khuyến nghị bổ sung quy định nguyên tắc các ưu đãi trong đấu thầu cho tất cả nhà đầu tư đề xuất dự án. Dự thảo Luật không nên bắt buộc sử dụng nhà thầu trong nước và thầu phụ trong nước¸ cho phép sử dụng nhà cung cấp trong nước và nước ngoài theo sự lựa chọn của nhà đầu tư.

Mặt khác, quy định hạn chế quyền của nhà đầu tư chuyển nhượng một phần cổ phần/phần vốn góp trong dự án PPP cho nhà đầu tư khác tính đến khi hoàn thành xây dựng công trình cũng chưa phù hợp. Do đó, cần cho phép bổ sung thêm thành viên (thành viên mới hoặc thành viên liên kết) trong tổ hợp các nhà đầu tư ngay trong giai đoạn xây dựng.

Quy định về thu xếp tài chính trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng PPP (hoặc trong vòng 18 tháng trong trường hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thuộc thẩm quyền phê duyệt của của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ) là không phù hợp. Các cơ quan quản lý nhà nước nên có các ngoại lệ cho việc quy định thời hạn nói trên hoặc gia hạn thời hạn thu xếp tài chính cho nhà đầu tư để thực hiện dự án nghị định hoặc thông tư phụ thuộc vào ngành nghề, quy mô và những yếu tố khác.

Cũng theo ông Lâm, các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị kiểm toán tuân thủ chỉ nên áp dụng đối với khu vực công, chứ không phải cho các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án. Dự thảo luật cần nêu rõ khi nào Kiểm toán Nhà nước sẽ được tiến hành kiểm toán; việc định giá tài sản khi chuyển giao cho Nhà nước nên được thực hiện bởi kiểm toán độc lập. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm tra sau đó các kết quả định giá là một phần của kiểm toán tuân thủ.