Mổ xẻ quy định khiến hàng nghìn doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa

An Chi - 14:20, 01/06/2023

TheLEADERDoanh nghiệp phản ánh quy định phòng cháy, chữa cháy mới đang gây khó khăn nhưng Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định những quy định này không cao, thậm chí chỉ ở mức độ trung bình thấp.

Mổ xẻ quy định khiến hàng nghìn doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình trước Quốc hội về quy định phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải thuộc đoàn Thanh Hoá cho biết, vốn đã gặp khó khăn sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hiện nay tiếp tục gặp khó vì phải tuân thủ những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy.

Ông cho biết hiện một số quy định phòng cháy, chữa cháy không phù hợp, tiêu chuẩn quá cao với các doanh nghiệp. Các quy định phòng cháy, chữa cháy áp dụng nhưng không phân loại mức độ rủi ro khiến doanh nghiệp cực kỳ khó khăn. 

Trong khi đó, việc khắc phục, hệ thống phòng cháy, chữa cháy đòi hỏi chi phí lớn, nhiều doanh nghiệp không thể khắc phục được. 

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Chính phủ cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về phòng cháy, chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành.

Ông Hoà cho rằng, các quy định này không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn đã gây những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở doanh nghiệp phải đóng cửa.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, đoàn tỉnh Phú Thọ cũng phản ánh việc thực hiện thông tư của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh. 

Ông Hải cho rằng việc tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp là việc rất cấp bách. Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ông Hải cho rằng, cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy. Chính phủ cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.

6 kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, đoàn tỉnh Đồng Nai cho rằng, quy định mới về phòng cháy, chữa cháy cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Ý kiến nghị 6 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một là, cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng. Không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng.

Hai là, khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ.

Ba là, cần phải có các quy định chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư trước ngày quy chuẩn mới có hiệu lực thi hành chỉ phải chịu ràng buộc theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Bốn là, cần phân loại ngành nghề để áp dụng quy chuẩn ngành nghề nào nguy cơ cháy cao thì phải quy định đầu tư phòng cháy, chữa cháy thật tốt; ngành nghề nào khó cháy, thậm chí là không thể tránh thì không nên bắt buộc đầu tư quá nhiều cho chi phí phòng cháy, chữa cháy.

Năm là, phần lớn kết luận nguyên nhân gây ra cháy, nổ là do chập điện. Do vậy, kiến nghị cần sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn an toàn thiết kế và thiết lập hệ thống điện trong dân dụng và điện công nghiệp.

Sáu là, để cập nhật kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và tuyên truyền trong phạm vi rộng khắp với nội dung thực tiễn trong khu dân cư về phòng cháy, chữa cháy, thường xuyên để phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy đến mọi người, mọi nhà.

Quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy chỉ ở mức độ trung bình thấp

Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các quy định mới về an toàn phòng cháy chữa cháy theo Quy chuẩn 06 không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp.

Theo đó, về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, hiện nay có chín quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy, chữa cháy và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình. Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về phòng cháy, chữa cháy.

Về quá trình sửa đổi, ban hành Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy, ông Nghị cho biết, năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 là quy chuẩn đầu tiên về an toàn cháy cho nhà và công trình. Sau khi ban hành lần đầu, đến nay Quy chuẩn 06 được sửa đổi hai lần và các phiên bản quy chuẩn có nội dung sửa đổi không lớn. 

Các quy chuẩn được sửa đổi thay thế của nội dung tương đồng có tính kế thừa và nội dung sửa đổi chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp lựa chọn cho các đối tượng công trình. Các yêu cầu an toàn cháy của quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm, theo quy mô tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng. 

Quy chuẩn 06 có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, khi so sánh quy định cơ bản Quy chuẩn 06 với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác thì nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của Quy chuẩn 06 không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp.

Ông Nghị làm rõ, Quy chuẩn 06 không có quy định nào về sơn chống cháy và cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao với diện tích lên đến 25.000 m2 không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. 

Quy chuẩn 06 chỉ quy định các nội dung cơ bản về cấp nước chữa cháy và không quy định đối tượng nhà và công trình cụ thể nào thì phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà. 

Ngoài ra, Quy chuẩn 06 cũng đã linh hoạt, cho phép cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương.

Về phản ánh về các công trình hiện hữu, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất có thể về an toàn cháy cho công trình dựa trên các giải pháp được thống nhất. Lực lượng cảnh sát phòng cháy sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể.

Bộ trưởng Xây dựng chỉ rõ, đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống. Vướng mắc xảy ra khi công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các mục đích công năng sử dụng mục đích sử dụng khác không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước.

Ông cho rằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đòi hỏi nghiên cứu khảo nghiệm thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu.