Một ngân hàng Việt có thể lựa chọn chiến lược tập trung vào giới siêu giàu

Trần Anh - 17:43, 13/04/2022

TheLEADERTrong khi toàn ngành ngân hàng Việt Nam đang trong cuộc đua bán lẻ, một ngân hàng mới đây nổi lên đầy tiềm năng trong việc lựa chọn phát triển private banking như trụ cột trong hoạt động kinh doanh.

Theo Báo cáo Thịnh Vượng 2021 (Wealth Report 2021) do hãng tư vấn Knight Frank công bố, Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN. Báo cáo cũng chỉ ra rằng số người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam năm 2020 là xấp xỉ 20 nghìn người.

Knight Frank dự đoán trong giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt mức 31%, tương đương khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD.

Khảo sát của Knight Frank cũng chỉ ra rằng, phần lớn giới siêu giàu đều cho biết họ rót tiền vào các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án cao cấp tại khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM. Ngoài các kênh này, các lựa chọn đầu tư bất động sản cùng với định cư tại nước ngoài cũng được cân nhắc.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, giới thượng lưu tại Việt Nam dường như đang thiếu những tổ chức chuyên nghiệp cung cấp giải pháp tài chính toàn diện như dịch vụ ngân hàng cao cấp chuyên biệt (private banking). 

Ở nước ngoài, các private banking cung cấp cho giới nhà giàu các giải pháp quản lý tài sản và mọi nhu cầu liên quan đến tài chính cá nhân các khách hàng như đầu tư, kế hoạch thừa kế, thủ tục cư trú, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, thừa kế… Nơi nổi tiếng nhất về dịch vụ private banking chính là Thụy Sỹ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều đang trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ, ngân hàng kỹ thuật số, tăng trưởng tín dụng thông qua vay tiêu dùng cá nhân. Một số ngân hàng lớn như Techcombank hay VPBank cũng tuyên bố ra mắt dịch vụ private banking. 

Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở dạng ưu đãi cho khách VIP, nơi các khách hàng được hưởng các ưu đãi hơn khách hàng phổ thông khác như lãi suất tiền gửi cao hơn, có nhân viên chăm sóc riêng, giao nhận tiền tại nhà.

Hay gần đây nhất MB liên kết với ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ Bordier & Cie để ra mắt dịch vụ ngân hàng cá nhân chuyên biệt (private banking) tại chi nhánh TP.HCM với tên gọi MB Private. Hứa hẹn sẽ mang tới một hệ thống giải pháp tài chính và tư vấn toàn diện, bao gồm dịch vụ ngân hàng, các giải pháp đầu tư, bảo hiểm và tín dụng, hoạch định tài sản cũng như các dịch vụ tư vấn chuyên biệt theo yêu cầu.

Khác với những ngân hàng kể trên chỉ coi private banking như một mảng kinh doanh mở rộng, một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ hiện đang có tiềm năng lựa chọn chiến lược phát triển private banking như hoạt động kinh doanh chủ chốt sau khi có dấu hiệu đổi chủ vào năm ngoái.

Nhà băng này gần đây đã thay đổi một loạt lãnh đạo và tiến hành những động thái cải tổ mạnh mẽ, thậm chí sẵn sàng cho việc thay đổi cả tên, nhận diện thương hiệu mới cho sự chuyển đổi này. Kết hợp với các lĩnh vực kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, casino, hàng không tư nhân...của tập đoàn đứng sau ngân hàng, là điểm tựa cho chiến lược private banking của ngân hàng này.

Một ngân hàng Việt có thể lựa chọn chiến lược tập trung vào giới siêu giàu
Giới siêu giàu tăng nhanh có thể là thị trường tiềm năng cho một private banking ở Việt Nam

Lựa chọn phát triển này hứa hẹn sẽ biến nhà băng trên khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại trên thị trường. Trong khi các ngân hàng tập trung vào bán lẻ thường tính đại chúng cao, sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến thì đặc trưng của các private banking là tập trung vào một nhóm nhỏ khác hàng giàu có và cực kỳ bảo mật.

Lấy trường hợp của Bordier & Cie, sau hơn 1,5 thế kỷ hoạt động, ngân hàng này vẫn giữ nguyên mô hình là một ngân hàng gia đình, với rất ít thông tin được công bố ra ngoài. Thế nhưng, tổng tài sản ngân hàng này đang quản lý đã đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Mô hình kinh doanh của một private banking cũng sẽ rất khác biệt khi các sản phẩm không hướng tới số đông đại chúng, mà chỉ tập trung vào nhóm nhỏ với khách hàng những tư vấn cụ thể. Chẳng hạn, một private banking sẽ hướng dẫn khách hàng của mình đầu tư, quyết toán thuế, đa dạng hóa danh mục đầu tư, chiến lược phân bổ tài sản… Thông thường mỗi một khách hàng sẽ do một giám đốc đầu tư phụ trách. Vì vậy, không lạ khi một private banking chỉ phục vụ vài trăm khách hàng nhưng cũng có từng đó giám đốc đầu tư.

Về hoạt động, thay vì quan tâm tới mọi tiêu chí như tăng trưởng tín dụng, quy mô mạng lưới hay nợ xấu, private banking chỉ tập trung vào một số yếu tố như tốc độ tăng trưởng của tài sản và khả năng sinh lời.

Việc một ngân hàng Việt Nam lựa chọn phát triển một lĩnh vực “trái ngược” với phần còn lại của ngành ngân hàng không phải không có lý, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng bán lẻ trong nước đang cạnh tranh gay gắt. Những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, không nhiều nguồn lực khó ngày càng khó gia nhập cuộc đua này.

Quyết định của ngân hàng này còn được ủng hộ bởi xu hướng chung trên thế giới. HSBC, một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề tại tất cả các mảng hoạt động trong đại dịch Covid-19, trừ dịch vụ private banking. Dù sa thải hàng ngàn nhân sự để cắt giảm chi phí, HSBC vẫn tuyên bố sẽ tuyển thêm hàng trăm giám đốc tư vấn cho dịch vụ private banking. Ngân hàng cũng lập ra đơn vị kinh doanh chuyên biệt nhắm vào khối khách hàng siêu giàu có tổng tài sản 1.400 tỷ USD, trong đó hơn 50% là ở châu Á. Bất chấp đại dịch, HSBC tin rằng số lượng tỷ phú, đặc biệt tại châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, tạo tiềm năng phát triển dịch vụ private banking.