Muốn huy động vốn quốc tế, phải có chiến lược phát triển bền vững

Giản Phúc - 08:00, 08/09/2017

TheLEADERCông thức phát triển bền vững được các nhà đầu tư cũng như nhà nghiên cứu thống nhất hiện nay là các thành tố về môi trường, xã hội và các cơ chế quản trị để tránh được rủi ro.

Muốn huy động vốn quốc tế, phải có chiến lược phát triển bền vững
Muốn huy động vốn quốc tế, phải có chiến lược phát triển bền vững. Ảnh TL

Đó là ý kiến của ông Phạm Nguyên Vinh, Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Dragon Capital, tại hội thảo “Chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp” vừa tổ chức tại TP. HCM. Sự kiện do chương trình CEO – Chìa khóa thành công phối hợp với Tập đoàn Novaland, Công ty PwC Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC) tổ chức.

Hội thảo trao đổi 2 chủ đề chính: vì sao doanh nghiệp cần chiến lược phát triển bền vững và các kinh nghiệm phát triển bền vững. Ngoài ông Vinh, tham gia thảo luận còn có bà Trần Anh Đào (Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE) là đại diện nhà quản lý. Về phía doanh nghiệp và nhà tư vấn có ông Lê Phụng Hào (Giám đốc điều hành Công ty Global AAA Consulting) và ông Hoàng Đức Hùng (Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam).

Thành công không chỉ đo bằng lợi nhuận tài chính

Mở đầu chương trình, bà Trần Anh Đào giới thiệu về các qui tắc phát triển bền vững của HOSE dành cho doanh nghiệp niêm yết và có định hướng niêm yết.

Bà Đào cho rằng, thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp niêm yết cũng quan trọng với nền kinh tế.

Hiện HOSE chiếm 90% thị phần doanh nghiệp niêm yết, với giao dịch bình quân đạt 3.850 tỷ đồng/ngày. Tăng trưởng chỉ số VN-index 8 tháng đầu năm đạt gần 17%. Tuy nhiên, vấn đề nhà đầu tư quan tâm là duy trì được như thế nào.

Theo bà Đào, để duy trì được, cần các chính sách hỗ trợ và ý thức duy trì tốc độ tăng trưởng. Nó không dừng lại ở các vấn đề về môi trường và xã hội, rộng lớn hơn còn là sự ổn định bền vững của doanh nghiệp.

Bà Đào chia sẻ, công thức phát triển bền vững được các nhà đầu tư cũng như nhà nghiên cứu thống nhất hiện nay là các thành tố về môi trường, xã hội và các cơ chế quản trị để tránh được rủi ro. Vậy với doanh nghiệp, phát triển bền vững bao hàm những vấn đề gì?

Đầu tiên, đó là yếu tố tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Doanh nghiệp phát triển bền vững không có nghĩa đánh đổi tất cả để có lợi nhuận, mà phải duy trì được tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Ngoài ra, sự phát triển của doanh nghiệp đó phải được xem xét dưới góc độ đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, xã hội ở mức độ nào. Vì doanh nghiệp là một thành tố của xã hội.

Cuối cùng, đó là xây dựng được hệ thống quản trị công ty vững chắc. Đây là thành tố bà Đào cho rằng doanh nghiệp cần phải ưu tiên nhất để giúp công ty tránh được rủi ro hệ thống, giúp công ty vận hành ổn định.

Tuy nhiên, đâu là chuẩn mực về phát triển bền vững? Ông Hoàng Đức Hùng – Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam đã chia sẻ các khảo sát thể hiện quan đểm của các CEO thế giới về điều này.

Có đến 84% CEO cho rằng họ được kì vọng đáp ứng nhu cầu của nhiều bên có lợi ích liên quan. Trong khi đó, với tỷ lệ xấp xỉ các CEO coi trọng lợi nhuận dài hạn hơn là ngắn hạn. 76% CEO cho biết thành công không chỉ đo bằng lợi nhuận tài chính. Đặc biệt, có đến 72% CEO được khảo sát cho biết họ phải báo cáo về các vấn đề tài chính và phi tài chính.

Ông Hùng cũng cho biết, phần lớn các CEO cho biết mục đích kinh doanh của họ là tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Đồng thời, họ cũng thừa nhận đang thay đổi cách đo lường thành công cũng như phạm vị trách nhiệm họ tự đặt ra cho mình.

Cách nhìn nhận về các yếu tố tác động lên doanh nghiệp trong định hướng phát triển bền vững cũng rất khác. Họ cho rằng, mục đích của doanh nghiệp phải phụng sự cho 53% khách hàng, 31% cho xã hội, chỉ 26% cho bản thân doanh nghiệp, 16% cổ đông, 14% nhân viên và 5% chuỗi cung ứng.

Tiêu chí đầu tư của Dragon Capital

Ông Phạm Nguyên Vinh – Giám đốc phát triển và kinh doanh, Tập đoàn Dragon Capital cho biết, những năm thập niên 1960, CEO được thuê để tạo ra lợi nhuận bằng mọi giá.

“Hôm nay chúng ta nói về phát triển bền vững vì hậu quả của những quyết định đó”, ông nói. Hiện nay chúng ta đã mất 50% diện tích rừng nguyên sinh. Thay đổi môi trường đang dần dần hủy hoại chúng ta.

Dragon Capital đang quản lý hơn 2 tỉ USD tài sản, quản lý khoảng 60 – 70 doanh nghiệp và đầu tư hơn 90% tài sản tại Việt Nam. Nhà đầu tư đưa tiền cho Dragon Capital giữ và yêu cầu phải có trách nhiệm với các bên. Vì vậy, từ năm 2012 đến năm 2016, Dragon Capital đã thay đổi đến 7 lần về bộ tiêu chí khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Quyết định đầu tư của họ không chỉ dựa vào các chỉ số tài chính mà còn xem xét các yếu tố khác như đóng góp cho cộng đồng và môi trường của doanh nghiệp. Đặc biệt, yếu tố lập báo cáo và cập nhật thường xuyên được Dragon Capital rất ưu tiên. 

Ông Vinh cho rằng, khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tức doanh nghiệp và Dragon Caipal sẽ đứng trong môi trường rủi ro mới. Các chỉ số tài chính chỉ là phần nổi của tảng băng trôi khi rót vốn vào doanh nghiệp.

Khi thực hiện các chỉ số đầu tư này, ông thừa nhận Dragon Caiptal phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là môi trường đầu tư bị thu hẹp. Nhưng chẳng thà đầu tư vào các doanh nghiệp tôn trọng giá trị xã hội và thế hệ tương lai, hơn là rót vốn vào doanh nghiệp có lãi mà không tôn trọng nhà đầu tư và hữu quan. “Lợi nhuận cao thì hứa hẹn nhưng tiềm ẩn rủi ro cao”, ông nói.

Phát triển bền vững đang là chiến lược của nhiều SME

Doanh nghiệp thắc mắc, hiện nay họ phải nhìn nhận về chuyện phát triển bền vững như thế nào. Các diễn gia kể một câu chuyện, khoảng 30 năm trước, giá trị doanh nghiệp được định hình từ 85% tài sản hữu hình và 15% tài sản vô hình. Nhưng bây giờ thì ngược lại.

Ông Lê Phụng Hào - Giám đốc điều hành Công ty Global AAA Consulting cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiện nay đang có những thay đổi nhất định về quan điểm phát triển bền vững.

Vấn đề của các SME là làm sao để tồn tại trong thời gian đầu. Sau đó, trong quá trình “lột xác”, các SME đưa tiêu chí đầu tư cho cộng đồng vào mục tiêu thành công. Để làm được điều này, SME phải có chiến lược rõ ràng ngay từ đầu, để giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, để có điều kiện phát triển bền vững sau này. Ông nhận xét, đó là điều kiện cần thiết để khi doanh nghiệp phát triển cao hơn, sẽ không bị các vấn đề về đạo đức và môi trường ảnh hưởng đến thương hiệu.

Có doanh nghiệp băn khoăn, có nên sử dụng lao động trẻ em không, dù doanh nghiệp giúp cho người đó học được kinh nghiệm và gián tiếp giúp gia đình họ giảm áp lực về kinh tế.

Bà Đào khẳng định, một trong các tiêu chí phát triển bền vững mà HOSE đưa ra là doanh nghiệp niêm yết không được sử dụng lao động trẻ em. “Các vấn đề luật pháp đã rõ ràng, muốn phát triển bền vững thì tiêu chí thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu”, bà nói.

Ông Phạm Nguyên Vinh kể, có lần ngồi nói chuyện với một doanh nghiệp trồng cây lâu năm. Khi nhắc đến vấn đề sử dụng lao động trẻ em, họ đưa ra nhiều lí do nhưng ông Vinh gạt ngay. Ông khẳng định: “Nếu còn muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư quốc tế thì chắc chắn không được sử dụng lao động trẻ em”.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang thay đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững, nhưng thách thức họ đối mặt cũng không nhỏ.

Ông Hào cho rằng, doanh nghiệp phải tuân thủ đủ 3 yếu tố là thân thiện môi trường, đóng góp cho cộng đồng và có hệ thống quản trị tốt. Đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Ông Vinh – Dragon Capital đánh giá, không chỉ doanh nghiệp gia đình, không ít doanh nghiệp niêm yết vẫn còn loay hoay về định hướng phát triển bền vững. Vấn đề là “tầm nhìn chưa được”. Doanh nghiệp gia đình muốn phát triển phải đưa ra quyết định rất nhanh, vì vậy cần phải gắn tiêu chí phát triển bền vững vào mô hình kinh doanh ngay từ đầu.

Phát triển bền vững là đầu tư cho tương lai, trong ngắn hạn chưa thấy lợi ích ngay được, vậy có nên làm không? Với ý kiến này, ông Hào cho rằng không nên phân biệt phát triển bền vững với giá trị doanh nghiệp, mà phải lồng ghép vào nhau. Khi chọn phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ có thiện cảm từ khách hàng rất khác. Đây là đầu tư cho tương lai. 

Một ví dụ điển hình là khi ông còn làm cho Tập đoàn Kido (lúc đó là Kinh Đô). Khi Kido muốn phát triển mảng nào, họ phải mang lại lợi ích cho nhà phân phối và khách hàng đầu tiên, ông Hào kể.

Phát triển bền vững là chủ đề của hội thảo mở đầu cho chương trình "CEO – Chìa khóa thành công" phiên bản mới năm 2017. Định kỳ hai tháng một lần, chương trình sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm, workshop,… về các vấn đề nan giải của doanh nghiệp như thương hiệu, nhân sự, tài chính… Qua đó, chương trình hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ phát triển bền vững.