Nền kinh tế có hấp thụ được 200.000 tỷ đồng mỗi tháng?

An Chi - 14:25, 12/10/2017

TheLEADERMuốn tăng trưởng tín dụng khoảng 21 - 22%, mỗi tháng từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ phải đẩy vào nền kinh tế 200.000 tỷ đồng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nền kinh tế có hấp thụ được 200.000 tỷ đồng mỗi tháng?
Áp lực đưa vốn vào nền kinh tế. Ảnh VTV

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, trong khi lãi suất huy động vẫn duy trì khá ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm trong quý III, theo chính sách giảm lãi suất điều hành thêm 0,25%, kèm theo các giải pháp hỗ trợ lãi suất đối với một số lĩnh vực, đối tượng, do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 10/07/2017, theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6 - 9% của quý II được giảm 0,5%/năm xuống mức phổ biến là 6 - 6,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,5 - 1%/năm đối với sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9 - 10%/năm của quý II, được giảm xuống còn 8%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tính tới thời điểm 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 11,02% so với tháng 12/2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (2015 là 10,8%; 2016 đạt 10,5%). 

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21% do Chính phủ đề ra, thì mức tăng trưởng trong quý III vẫn còn một khoảng cách khá xa (gần 10%). Khoảng cách này sẽ đặt ra thách thức cho quý IV sắp tới trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm.

Bên cạnh đó, trong chín tháng vừa qua, tăng trưởng huy động đạt 10,08%, thấp hơn so với mức 12% của cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt hơn 1,2% so với tốc độ tăng trưởng huy động. 

Mặc dù có sự thu hẹp so với sáu tháng đầu năm (tín dụng vượt 1,5% so với huy động), sự thiếu hụt nguồn cung về vốn vay (thông qua huy động) sẽ có thể tiếp tục đặt ra rào cản cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong quý cuối năm, đặc biệt trước mục tiêu 21% của tăng trưởng tín dụng cả năm 2017. Cụ thể, chính sách hạ lãi suất có thể tăng mức tín dụng, nhưng lại khó huy động nguồn tiền gửi.

Trên thực tế, do Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng đáng kể ngoại tệ kể từ đầu năm tới nay (khoảng 1 tỷ USD) nhằm tăng dự trữ ngoại hối, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá dồi dào. 

Thanh khoản tốt được thể hiện rõ khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đà giảm mạnh từ khoảng giữa quý II/2017, xuống dưới mức 1% trong quý này. Cụ thể, lãi suất qua đêm và lãi suất kỳ hạn một tuần cùng giảm xuống mức đáy vào giữa tháng 8, lần lượt đạt 0,44% và 0,56%, giảm lần lượt 77,9% và 73,7% so với hồi đầu quý III và lần lượt là 91,0% và 88,6% so với đầu quý II. Về cuối quý III, các mức lãi suất này có chiều hướng gia tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn nằm dưới mức 1%.

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhiều khả năng, Nhà nước cần xem xét lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21 - 22% cho năm 2017. 

Thời điểm đầu năm 2017, Chính phủ đề ra mức tăng 18% đã là rất cao. Bởi thông thường tín dụng chỉ nên gấp 2 lần tăng trưởng kinh tế. Như vậy, với mức tăng trưởng như hiện nay, tăng trưởng tín dụng đạt 11 – 12% là phù hợp.

Muốn tăng trưởng tín dụng khoảng 21 - 22%, mỗi tháng từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ phải đẩy vào nền kinh tế 200.000 tỷ đồng.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng liệu nền kinh tế có hấp thụ được không, tuy nhiên tôi cho rằng nền kinh tế hoàn toàn có thể hấp thụ được. 

Vấn đề đặt ra ở đây là hai lĩnh vực hấp thụ vốn nhanh nhất là bất động sản và chứng khoán do đó, tôi lo ngại tín dụng chỉ chỉ đẩy vào hai lĩnh vực đó, không chảy vào sản xuất kinh doanh. 

Và như vậy thì rõ ràng mục tiêu tăng trưởng tín dụng không mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế. Ngược lại, có còn có thể dẫn đến những hệ lụy lớn như bong bóng nổ, nợ xấu…

Vì vậy, Chính phủ nên xem xét lại việc đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng của mình, phải làm thế nào để tín dụng đến đúng địa chỉ là chảy vào vào sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới mang lại những tác động thực đến nền kinh tế, ông Hiếu nhận định.