'Chi phí ngầm' còn cao hơn cả lãi suất ngân hàng
Cả chi phí chính thức và không chính thức đang trở thành gánh nặng của hàng nghìn doanh nghiệp.
Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả tín dụng không cao trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao chính là lý do khiến tín dụng cho khu vực doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế.
Chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách Nhà nước và tạo ra hơn 5 triệu việc làm.
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với DNNVV có vai trò quan trọng. Theo đó, tín dụng ngân hàng góp phần đảm bảo cho hoạt động của các DNNVV được liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, góp phần hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNNVV...
Mặc dù trong năm 2017, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được kết quả nhất định tuy nhiên vẫn chưa cao. Tính đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tại hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết có 7 nguyên nhân chính khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao:
Một là, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua. Hai là, nguồn lực ngân sách Nhà nước đang còn hạn chế; Ba là, thiếu thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Bốn là, bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh. Năm là, tái cơ cấu nền kinh kế, đặc biệt là tái cơ cấu tài chính ngân hàng vẫn đang còn gặp nhiều khó khắn. Sáu là, thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu…chưa được phát triển do đó doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Điều này tạo sức ép lớn lên hệ thống ngân hàng. Bảy là, môi trường kinh doanh còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, ông Lực cho rằng còn có nguyên nhân đến từ các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các tổ chức tín dụng chưa có các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là rào cản lớn khiến cho các DNNVV không thể tiếp cận được vốn vay.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho biết, nguyên nhân còn đến từ chính các DNNVV. Nhiều DNNVV thiếu minh bạch về thông tin, tài chính, hoạt động, phương án kinh doanh… Hai là, nhiều DNNVV ngại hoàn thiện hồ sơ đi vay vốn do thói quen, do thiếu thông tin, thiếu cán bộ hiểu biết về tài chính, về thủ tục vay vốn.... Ba là DNNVV thiếu tài sản đảm bảo.
Ông Lực cũng cho biết các tổ chức tín dụng gặp khó khăn và thách thức khi cho DNNVV vay vốn bởi doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn còn hạn chế (thiếu phương án kinh doanh khả thi...), khó cho vay dựa trên dòng tiền. Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng cao, chi phí quản lý cho DNNVV vay vốn cao trong khi doanh nghiệp chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro…
Thời gian qua, theo ông Lực, một số cơ chế, chính sách, sáng kiến đã được ban hành nhằm hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận vốn như: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.
Các ngân hàng thương mại cũng có nhiều động thái như tung ra nhiều gói tín dụng đa dạng hỗ trợ DNNV, chủ động tìm doanh nghiệp tốt để cho vay, giảm thiểu thủ tục. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế ADB, JICA… cũng đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi như chương trình SMEFP I, II và III...
Chính phủ, NHNN tiếp tục ưu đãi lãi suất tín dụng 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông thôn, SMEs, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Mặt bằng lãi suất cũng đã giảm mạnh, tỷ giá khá ổn định; NHNN đang hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy thị trường cho thuê tài chính…
Để giúp DNNVV dễ dàng tiếp cận được vốn vay, ông Lực khuyến nghị các giải pháp như sau:
Đối với Chính phủ, bộ ngành, hiệp hội liên quan nên sớm ban hành hướng dẫn Luật hỗ trợ DNNVV; theo đó, tập trung các khó khăn, vướng mắc của DNNVV hiện nay: Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành (công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp - nông thôn…);
Nâng cao năng lực triển khai tại địa phương và bộ, ngành liên quan; Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh DNNVV (phối hợp tốt hơn giữa Quỹ, NHTM, Hiệp hội, chính quyền địa phương….);
Quỹ hỗ trợ DNNVV; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, sản phẩm, đối tác trợ giúp DNNVV; hệ thống thông tin doanh nghiệp; Đôn đốc quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh-đầu tư (nhất là thủ tục thuế, hải quan, cấp phép, phá sản doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, dịch vụ logistics, hỗ trợ tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0...);
Đẩy mạnh các chương trình cụm liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết 3 khối DN; Phát triển cân bằng thị trường tài chính (nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…); Tăng cường vai trò Hiệp hội DNNVV, thúc đẩy gắn kết VINASMEs với các hiệp hội SMEs địa phương; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển, hỗ trợ MSMEs (khuôn khổ APEC, AEC...).
Đối với NHNN, cũng phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Tăng cường phối hợp chính sách (chính sách tài khóa; phát triển nông nghiệp nông thôn; bảo lãnh/hỗ trợ DNNVV; phát triển tài chính vi mô, thị trường vốn; thông tin về DNNVV…);
Tiếp tục định hướng các lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng (trong đó có DNNVV); cải tiến qui trình tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia. Tăng vai trò của CIC trong việc thu thập, quản lý và cung cấp thông tin về DNNVV; Định hướng, hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc đào tạo, nâng cao kiến thức của DNNVV về tài chính - tín dụng.
Về phía các ngân hàng thương mại, nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với SMEs; xây dựng phương thức thẩm định phù hợp với SMEs; tăng cường phối hợp; các tổ chức/hiệp hội, chuyên gia ngành nghề để nâng cao chất lượng thẩm định; Tăng cường cung cấp các dịch vụ (tư vấn, đào tạo, thông tin, hội thảo…) cho khách hàng SMEs; Rà soát, đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng đã thiết kế;
Đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu; giảm thiểu chi phí, thủ tục hành chính (qua đó, có thể tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV); Phối hợp các cơ sở bán lẻ, hiệp hội, quỹ bảo lãnh…nhằm giảm thiểu chồng chéo trong thẩm định, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu khách hàng DNNVV; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức của DNNVV về tài chính - tín dụng.
Cuối cùng, DNNVV phải minh bạch về hoạt động, báo cáo tài chính; có thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp;
Chủ động tăng hiểu biết về tài chính-tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DNNVV; Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu (chiến lược - tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị….); Tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi cung ứng (nhất là đối với doanh nghiệp FDI);
Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp bằng việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro; Củng cố, tăng cường, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên, phát triển văn hóa doanh nghiệp và qua đó, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong kinh doanh.
Cả chi phí chính thức và không chính thức đang trở thành gánh nặng của hàng nghìn doanh nghiệp.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.