Nền kinh tế xuất hiện các dấu hiệu giảm tốc

An Chi - 17:15, 11/07/2019

TheLEADERMặc dù tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2019 ghi nhận kết quả tích cực, song chất lượng tăng trưởng vẫn đang cho thấy sự cải thiện chậm và chưa tìm được động lực tăng trưởng mới.

Nền kinh tế xuất hiện các dấu hiệu giảm tốc
Sáu tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,76%

Trong sáu tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,76%. Con số này vẫn cho thấy triển vọng lạc quan của nền kinh tế khi tốc độ tăng đang ở mức cao hơn so với đà tăng trưởng sáu tháng các năm 2011 - 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã thấp hơn mức tăng 7,08% của sáu tháng đầu năm 2018.

Sự giảm tốc của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 được đánh giá là do xuất phát điểm tăng trưởng tương đối cao của sáu tháng đầu năm 2018 với tốc độ tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới nhiều biến động đã có những tác động không nhỏ đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn do cả những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia. Trong khi đó, nền kinh tế Châu Âu có nhiều bất ổn trước áp lực của đàm phán Brexit cũng như các chia rẽ khác trong nội khối.

Mặt khác, ba ngành kinh tế giữ vai trò chủ chốt của Việt Nam là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cũng đang gặp phải nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung.

Tăng trưởng kinh tế
TS. Đặng Đức Anh

Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong sáu tháng vừa qua duy trì tăng trưởng khá. Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan trên diện rộng và xuất khẩu nông sản sụt giảm vẫn đang là thách thức lớn của Việt Nam.

Ước tính tăng trưởng GDP của khu vực nông lâm thủy sản trong quý II/2019 đạt 2,19% và tính chung sáu tháng đầu năm đạt khoảng 2,39%, thấp hơn mức 3,93% của cùng kỳ 2018.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch tả lợn Châu Phi đang làm giảm giá trị ngành chăn nuôi 0,82% so với kịch bản cơ sở, qua đó làm giảm 0,02% tăng trưởng GDP quý I/2019. Tổng đàn lợn của cả nước tháng 6 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7%.

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam cũng sụt giảm do áp lực từ nguồn cung lớn dẫn tới giảm giá sâu. Các mặt hàng nông sản trong nước phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu. 

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Đối với sản xuất công nghiệp, theo ông Đức Anh, lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng ổn định nhưng không cao như cùng kỳ. Ước tính khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% trong quý II/2019. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm ước tính tăng 9,13% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,28% của cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%, nhưng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018

Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo đang phụ thuộc rất lớn vào thành phần kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro là khu vực FDI. Giá trị xuất khẩu của Samsung chiếm tới 25% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng gần 18% cho toàn ngành công nghiệp. 

Trong khi đó, công ty này đang gặp khó khăn trong quý I/2019 với việc suy giảm nhu cầu tiêu thụ điện thoại thông minh trên toàn cầu. Ngay lập tức, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chịu ảnh hưởng.

Tương tự, khu vực dịch vụ cũng chứng kiến sự giảm tốc nhẹ so với cùng kỳ. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt 6,69%, giảm nhẹ so với mức 7,44% của cùng kỳ năm 2017 và 6,9% của cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, dịch vụ du lịch đang có tốc độ tăng chậm hơn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang chững lại với tốc độ tăng trưởng năm tháng đầu năm là 8,8%, giảm mạnh so mức 29,5% cùng kỳ năm 2018. Tháng 6/2019 có lượng khách quốc tế đạt gần 1,2 triệu lượt, thấp nhất kể từ đầu năm, chủ yếu do khách từ thị trường Trung Quốc (chiếm xấp xỉ 30% tổng lượng khách) sụt giảm 16,3%.

Lượng khách du lịch giảm mạnh cũng khiến tăng trưởng của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng giảm sút. Trong sáu tháng, tốc độ tăng của ngành này chỉ đạt 6,48%, thấp hơn nhiều so với mức 7,02% của cùng kỳ năm 2018.

Với những diễn biến trên, ông Đức Anh cho rằng, kinh tế Việt Nam đang xuất hiện nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tình hình kinh tế vẫn còn tiềm ần nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới.

Dự báo tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm

Dự báo về tăng trưởng kinh tế những tháng cuối của năm 2019, TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia cho rằng, bối cảnh quốc tế và trong nước sẽ tác động lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Một số diễn biến của tình hình thế giới có thể tác động tới Việt Nam như việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ hay chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia dẫn đến nguy cơ áp thuế lẩn tránh thương mại.

Về thuận lợi, việc xuất nhập khẩu nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia các hiệp định thương mại, nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019.

Ngoài ra, xu hướng tiếp tục chuyển dịch đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, một số dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn (thép, lọc hóa dầu, ô tô) sẽ đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, tình hình trong nước cũng tiềm ẩn một số thách thức như nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao; dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước sức ép lạm phát, tỉ giá; nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài; sức ép về đảm bảo năng lượng, cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng, bà Minh nhận định.

Còn theo ông Đức Anh, trong sáu tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục dựa vào kết quả hoạt động của khu vực sản xuất công nghiệp và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, một số vấn đề cần quan tâm để duy trì tăng trưởng và ổn định vĩ mô thời gian tới bao gồm: Một số ngành tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như điện thoại, điện tử không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước; xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn; lạm phát có nguy cơ tăng trở lại do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất; lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản.

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ đóng vai trò quan trọng trong quản lý điều hành kinh tế. 

Một số giải pháp trong cần thực hiện như tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng nhằm duy trì ổn định tỉ giá, lãi suất và hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân; tăng cường các biện pháp nhằm chống gian lận thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.