Ngân hàng quốc doanh rộng cửa tăng vốn

Trần Anh - 16:51, 17/01/2020

TheLEADERDự thảo mới đề cập đến việc "duy trì tỉ lệ sở hữu Nhà nước" trong các ngân hàng thương mại quốc doanh có thể là lời giải cho Vietinbank, Agribank.

Trong năm 2020, một vấn đề hết sức quan trọng mang tầm chiến lược đối với các ngân hàng quốc doanh là tăng vốn. Trước đó, trong năm 2019, BIDV đã hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại là KEB Hana Bank (Hàn Quốc).

Tuy nhiên, với trường hợp mà “room ngoại” đã kín như của Vietinbank, ngân hàng không thể lách được qua khe cửa hẹp. Vietinbank đang phải chịu áp lực rất lớn khi các chỉ số tăng trưởng bị giới hạn bởi quy mô vốn. Năm 2019 tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 15,88%, của BIDV 12,4% nhưng của VietinBank chỉ nhỉnh hơn 7%.

Với trường hợp của Agribank, ngân hàng này còn khó khăn hơn khi đã từ nhiều năm nay, ngân hàng không tăng được vốn điều lệ. Nếu năm nay Agribank không thực hiện xong cổ phần hóa và vốn điều lệ giữ nguyên thì ngân hàng này sẽ bị một số ngân hàng tư nhân qua mặt.

Khi nhu cầu tăng vốn ở mức cấp thiết và các phương án khác trở nên không khả thi, bài toán tăng vốn đã được đẩy về phía Nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ đề xuất sửa đổi dự thảo Nghị định 32 liên quan đến đầu tư/thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Mục tiêu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đặc biệt, dự thảo này là Chính phủ đề cập đến việc "duy trì tỉ lệ sở hữu Nhà nước" trong các ngân hàng thương mại quốc doanh, trong đó Chính phủ nắm giữ phần lớn cổ phần.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, trong ngắn hạn, Vietcombank hoặc BIDV có thể chưa hưởng lợi ngay lập tức từ quyết định này, còn VietinBank và Agribank có thể tìm được nguồn lực mới giải quyết bài toán tăng vốn. Chính phủ có thể tham gia vào các đợt phát hành riêng lẻ của ngân hàng để gia tăng tỷ lệ sở hữu hoặc chấp nhận chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt như hiện nay.

Trươc đó, BIDV đã đề xuất và khả năng lớn là sẽ được giữ lại toàn bộ thặng dư từ đợt bán cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) để tăng vốn. Vietinbank nhiều năm qua cũng đề xuất Bộ Tài chính chia cổ tức bằng cổ phiếu để ngân hàng có điều kiện tăng vốn.

Kế hoạch này cũng phù hợp với đề án phát triển ngành ngân hàng. Theo đề án này, phải đến năm 2025, Nhà nước mới hạ tỷ lệ sở hữu tại bốn ngân hàng gốc quốc doanh xuống 51%. Từ nay đến thời điểm đó, tỷ trọng nắm giữ của Nhà nước sẽ giữ nguyên 65%.