Ngân hàng quốc doanh sắp trở lại đường đua?

Trần Anh - 08:51, 13/11/2021

Các ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ bứt tốc trở lại nhờ nhiều yếu tố hậu thuẫn như áp lực dự phòng rủi ro giảm, thu trước từ phí bảo hiểm bancassurance…

Các ngân hàng quốc doanh vừa trải qua quý kinh doanh không mấy thuận lợi. Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng trưởng âm so với cùng kỳ; lợi nhuận của VietinBank chỉ tăng 5%; Vietcombank có mức tăng trưởng tốt nhất, đạt 15%, song vẫn thấp hơn khá nhiều nếu so sánh với các ngân hàng cổ phần tư nhân.

Vietcombank – đại diện tiêu biểu nhất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và cũng quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng nhiều năm qua tỏ ra hụt hơi khi lợi nhuận quý 3 gần như tương đương với Techcombank. BIDV thậm chí còn đứng sau nhiều ngân hàng khác như MB hay VPBank.

Mặc dù vậy, tình hình có thể sẽ được cải thiện hơn kể từ quý 4 năm nay. Các ngân hàng quốc doanh sẽ bứt tốc trở lại nhờ nhiều yếu tố hậu thuẫn như áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng giảm bớt, được cấp thêm room tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, áp lực dự phòng rủi ro thấp…

Công ty chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) dự báo, năm nay, Vietcombank sẽ đạt 27.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 11% so với năm 2020). Bộ đệm dự phòng nợ xấu lớn và một nửa phí trả trước bảo hiểm (bancassurance) hàng năm sẽ được ghi nhận trong quý 4/2021 là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng tốc trong quý này.

Dù có ghi nhận sự suy giảm chất lượng tài sản trong quý 3, song đây không phải vấn đề lớn với Vietcombank. Cụ thể, tổng các khoản cho vay bị ảnh hưởng chiếm khoảng 4-5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tổng mức trích lập dự phòng vào cuối tháng 9 là 26,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản có vấn đề (nợ nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu). Ngân hàng cũng chia sẻ rằng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó, tỷ lệ các khoản nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu chỉ ở mức 4-5%.

Vietcombank cho biết có kế hoạch xử lý nợ xấu trong quý 4/2021 với mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% vào cuối năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu trong khoảng 200-250%.

Với VietinBank, ngân hàng cũng dự kiến ghi nhận lợi nhuận đột biến gần 7.500 tỷ đồng trong quý 4/2021, đưa lợi nhuận cả năm đạt 21.356 tỷ đồng.

Bộ đệm dự phòng lớn và phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm là cơ sở để VietinBank đạt mức lợi nhuận này. Mặc dù vậy, mức lợi nhuận này có thể sẽ không như dự báo của MBKE, nếu VietinBank trì hoãn việc ghi nhận phí bancassurance vào năm 2022.

Tương tự, BIDV dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt và là ngân hàng về đích lợi nhuận sớm nhất năm nay. Nhóm phân tích SSI Research nhận định, quý 3 có thể đã là đáy lợi nhuận của BIDV.

Cụ thể, quý 3 ghi nhận tín dụng và huy động của BIDV đều tăng trưởng khá. Ngân hàng đã phát hành 7,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu cấp 2 để củng cố bộ đệm vốn. Giấy tờ có giá và tiền gửi từ khách hàng tăng thêm lần lượt 9,6 nghìn tỷ đồng và 16 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này được sử dụng để cho vay khách hàng và gửi tiền tại NHNN do thanh khoản vẫn dồi dào. So với quý trước, tăng trưởng tín dụng của BIDV tăng 2,1% cao hơn Vietcombank và Vietinbank. NIM cũng được duy trì ở mức 3%, cao hơn so với Vietinbank.

Bên cạnh tín dụng tăng tốt, chất lượng tài sản vẫn ổn định. Trong quý 3/2021, BIDV đã xóa 5,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu (chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay vào cuối quý 2/2021), khiến tỷ lệ nợ xấu không đổi ở mức 1,6%. Nợ nhóm 2 cũng biến động quanh mức 1,1%.

Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cải thiện lên 140%, do ngân hàng trích lập dự phòng thêm 7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 2021, BIDV đã xóa 12,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tăng 34% so với cùng kỳ) và trích lập dự phòng thêm 23 nghìn tỷ đồng (tăng 44%).

Theo SSI Research, những nỗ lực này đã giúp các chỉ tiêu về chất lượng tài sản cải thiện đáng kể. Việc NIM được duy trì tốt và trích lập dự phòng khá lớn, lợi nhuận của BIDV trong quý 4 được dự báo tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận trước thuế 2021 ước tính đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020.