'Ngành giao thông không chỉ tắc đường mà còn tắc nghị định, tắc tư duy...'

Quỳnh Chi - 15:58, 21/08/2018

TheLEADERTheo luật sư Trương Thanh Đức, ngành giao thông hiện nay không chỉ tắc đường mà còn tắc nghị định mà thực chất là tắc tư duy, giải pháp.

'Ngành giao thông không chỉ tắc đường mà còn tắc nghị định, tắc tư duy...'
Cần khuyến khích ứng dụng công nghệ để tạo ra những phương thức kinh doanh mới.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã bốn lần được trình Chính phủ nhưng không được phê duyệt nên tiếp tục được lấy ý kiến do còn nhiều điều kiện kinh doanh, quy định bất hợp lý.

Mặc dù tinh thần là giảm rào cản, giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, canh tranh bình đẳng theo tinh thần Chính phủ kiến tạo cho doanh nghiệp song dự thảo này được các chuyên gia của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá là chỉ mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không hề cắt bỏ. 

"Cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; và không biết có còn điều kiện con cháu nào khác nữa hay không?" bà Nguyễn Minh Thảo, ban môi trường kinh doanh CIEM đánh giá. 

Đáng chú ý, việc đưa ra một số quy định có liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ như Uber, Grab và taxi truyền thống nhằm hạn chế xe hợp đồng điện tử để chống xe dù bến cóc trong dự thảo này đã vấp phải không ít ý kiến phải đối từ cả giới chuyên gia và doanh nghiệp.

Chẳng hạn, doanh nghiệp công nghệ sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải, nếu như phần mềm của họ giúp cho việc điều hành vận tải và định giá; hay một số quy định ngăn cấm việc đi xe chung của các hành khách có nhu cầu di chuyển trên cùng một cung đường. 

Một số quy định được cho là "vô lý", không cần thiết và gây thêm gánh nặng cho cả khách hàng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cũng được nêu ra như yêu cầu cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông vận tải trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; các đơn vị vận tải, đơn cung cấp phần mềm, thậm chí cả lái xe và hành khách phải sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số trong quá trình giao dịch...

Từ phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi (TP. HCM) cho rằng dự thảo này còn nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, cấm đoán hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp. 

"Tại sao lại cấm mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau? Chúng tôi chỉ có 1 xe ô tô, ký hợp đồng vận tải với một doanh nghiệp hàng tháng đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Vũng Tàu khoảng 15 chuyến/tháng, nay với quy định này chúng tôi phải mua thêm xe và tìm thêm khách hàng để đảm bảo xe của tôi không chạy quá 30% tổng số chuyến của xe đó trong 1 tháng có cùng điểm khởi hành và kết thúc hoặc chúng tôi phá sản", đại diện Công ty Thành Bưởi nói.

Thẳng thắn nhìn nhận, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, một số quy định đang sai từ gốc, sai từ luật. 

Nhìn từ Uber, Grab: 'Chúng ta đang sai từ gốc'
Luật sư Trương Thanh Đức.

"Ngành giao thông hiện nay không chỉ tắc đường mà còn tắc nghị định, thực chất là tắc tư duy, tắc giải pháp. Cần xem xét lại chứ không thể giữ mãi một tư duy, nếu không, ngành giao thông vận tải sẽ không thể phát triển được trong bối cảnh công nghệ đang phát triển mạnh mẽ", ông Đức nói.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của nó là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số, muốn hay không nó vẫn tồn tại. Theo đó, làm sao để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia được vào xu hướng này là bài toán cần giải chứ không phải là để siết chặt kinh doanh vận tải.

“Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống", ông Cung nhìn nhận.

Theo Viện trưởng CIEM, muốn cạnh tranh với Uber, Grab thì các doanh nghiệp taxi truyền thống phải làm mới, không thể sử dụng cái cũ bởi quyết định thành bại kinh doanh là ở khách hàng. Sử dụng công cụ truyền thống không thể cạnh tranh với xu hướng hiện đại, phải có những công ty công nghệ xuất hiện nhưng nếu doanh nghiệp làm ứng dụng mà khách hàng không thích thì cũng không có giá trị. Do đó, dịch vụ cần phải khác biệt hơn, tốt hơn, an toàn hơn và mức giá rẻ hơn. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn (big data); tận dụng thành quả của kinh tế sẻ chia để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội; và loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.