Ngành hàng không cần gấp 'máy thở' cấp vốn

An Chi - 14:53, 04/08/2021

TheLEADERGiải pháp hỗ trợ về vốn đối với ngành hàng không lúc này, quan trọng như máy thở oxy để cứu bệnh nhân Covid-19.

Ngành hàng không cần gấp 'máy thở' cấp vốn
Chưa bao giờ ngành hàng không Việt Nam trải qua nhiều khó khăn như hiện tại.

Sức khoẻ ngành hàng không đang suy kiệt

Có thời gian dài làm việc và gắn bó, cùng hàng không Việt trải qua nhiều cuộc khủng hoảng như đại dịch SARS năm 2003, suy thoái kinh tế năm 2008 và khủng hoảng giá xăng dầu năm 2011, song theo TS. Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietnam Airlines, chưa bao giờ ngành hàng không Việt Nam trải qua nhiều khó khăn như hiện tại.

"Trong suốt 14 năm ngồi ghế chủ tịch Vietnam Airlines, kể cả trong những lúc khó khăn nhất, doanh nghiệp cũng chưa bao giờ lỗ. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm vừa qua, trong cơn bão đại dịch, hãng hàng không quốc gia đã liên tục thua lỗ nặng nề, đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền, thậm chí là phá sản", ông Hưng nói.

Nhìn lại thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, trong 3 làn sóng Covid đầu tiên, các lĩnh vực đều gánh chịu tổn thất, từ giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, nhưng ngành hàng không ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Trong khó khăn, các hãng bay đã rất nỗ lực, tìm mọi cách xoay vần để vượt qua. Đặc biệt là các hãng hàng không tư nhân như Vietjet có quy mô lớn về vốn, sự linh hoạt trong điều hành quản trị đã chủ động theo dõi diễn biến thị trường để có phương án sản phẩm phù hợp, tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất để tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí. 

Bên cạnh đó, hãng hàng không tư nhân này cũng không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, dự án đầu tư, tự tái cấu trúc để bù đắp sự suy giảm dòng tiền, giảm thiểu thiệt hại về tài chính

Song, từ đầu năm 2021 đến nay, khi làn sóng Covid lần thứ 4 ập đến, đại dịch diễn ra trên diện rộng, nhiều tỉnh giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn ngành hàng không đã không “cựa” nổi mình.

Hàng loạt máy bay đắp chiếu, doanh thu tụt dốc, trong khi các khoản chi phí liên tục bào mòn doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ như chi phí thuê máy bay, chi phí trả lương cán bộ công nhân viên, đặc biệt phi công lương rất cao. 

Ngoài ra, phương tiện máy bay phải đảm bảo tuyệt đối, nên phải bảo dưỡng thường xuyên. Các chi phí đỗ tàu bay tại các bến bãi và các chi phí khác, đều phải duy trì đều đặn, hai tháng trả một lần.

Theo ông Hùng, các khoản nợ của doanh nghiệp hàng không đều đã đến hạn, trong khi nguồn lực đã hết, các hãng bắt buộc phải vay tiền để duy trì hoạt động. Trong khi đó, cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và 03 cũng đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. 

Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu. Tất cả các khoản lỗ liên quan đến các hãng hàng không đều đóng băng khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng. Điều này là cực kỳ nguy hiểm và khó khăn cho các doanh nghiệp.

"Không những khó khăn vì tình hình Covid bủa vây, các hãng hàng không lại tiếp tục khó khăn vì bị nhóm nợ xấu, không được cơ cấu nợ kịp thời, không trả nợ kịp thời và phân loại sai nhóm nợ. Doanh nghiệp chết đứng, không thể hoạt động, mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng phá sản rất nhanh", ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, làn sóng dịch Covid lần thứ 4 rất khốc liệt đã bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp hàng không. Doanh nghiệp hàng không với thể trạng ốm yếu từ năm ngoái, đến nay, sức khỏe ngày càng suy kiệt.

Ngành hàng không "nhiễm Covid", cần "máy thở" cấp vốn kịp thời 1
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Nhìn vào diễn biến dịch bệnh, ông Bảo cho rằng, dịch bệnh sẽ kéo dài. Từ nay đến hết năm 2021, sức cầu nền kinh tế nói chung và cầu đi lại, dịch vụ du lịch, hàng không nói riêng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nặng nề hơn bây giờ. Đặc biệt, độ trễ kinh tế do dịch Covid gây ra, sẽ xảy ra ở một điểm rơi trong tương lai.

"Các hãng hàng không giống như bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Khi bệnh nhân nhiễm bệnh, cần trợ thở bởi máy oxy dòng cao. Với doanh nghiệp, dòng tiền giống hệt không khí. Dòng tiền đã cạn kiệt, nếu không giải cứu, hỗ trợ tài chính, các doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro thanh khoản.

Với vai trò to lớn đối với nền kinh tế, nếu ngành hàng không không được hỗ trợ để vượt qua ở thời điểm hiện tại, sẽ để lại những hậu quả tái cấu trúc rất tốn kém trong tương lai. Do đó, để tránh chuyện xấu đi xa hơn, doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, hợp nhất hoặc có những triển vọng u ám, Chính phủ cần kịp thời giải cứu, hỗ trợ ngành hàng không, dù cho đó là hãng bay của Nhà nước hay tư nhân", ông Bảo nhấn mạnh.

Hàng không cần "máy thở oxy"

Trong hoàn cảnh khó khăn, ngoài các giải pháp tự thân của doanh nghiệp hàng không như nhượng tài sản, bán cổ phiếu, cổ phần, phát hành trái phiếu, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp cấp bách quan trọng nhất nhằm hỗ trợ ngành hàng không hiện nay là Chính phủ và Quốc hội cần có cơ chế, tạo hành lang pháp lý khai thông nguồn vốn hỗ trợ lãi suất giữa ngân hàng với hãng bay.

Tại tọa đàm "Giữ cánh cho hàng không Việt - Giải pháp cấp bách về vốn", TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Chính phủ cần ban hành nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% để bổ sung vốn như đã làm với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ đồng vay tối đa 3 năm, gói 8.000 tỷ đồng là nhà nước bổ sung vốn điều lệ). Việc này đã có tiền lệ, Quốc hội và Chính phủ cần nghị triển khai sớm để giúp doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có sự tháo gỡ về cơ chế theo hướng, Quốc hội, Chính phủ cho phép ngân hàng cho vay và hãng hàng không tự thoả thuận các điều kiện về tài sản đảm bảo, phương án đầu tư, sử dụng vốn mà không bị ngân hàng nhà nước bắt lỗi theo những quy định khắt khe của ngành ngân hàng. Từ đó ngân hàng thương mại và hãng hàng không được chủ động bàn, thỏa thuận về vốn vay, lãi vay trên cơ sở điều kiện, lợi thế cụ thể của từng hãng.

Đối với gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4% cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Chính phủ cần tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ để giảm mức lãi nói trên cho hãng hàng không hoặc bù lãi suất cho ngân hàng.

Mặt khác, theo ông Hùng, nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không thích ứng với tình hình đại dịch, gây khó cho hàng không duy trì nội lực và bứt tốc sau dịch. Đơn cử như nhiều hãng đủ điều kiện, đáp ứng được đối tượng vay, có tài sản đảm bảo, nhưng vẫn không được tiếp cận vay vốn.

"Hiện nay, các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, chỉ thiếu cơ chế cho vay. Đối với ngành ngân hàng, Thông tư 03 có lẽ phải sửa đổi, nếu không thì các doanh nghiệp hàng không khó lòng tiếp cận được. Bởi lẽ, thời hạn quy định cơ cấu nợ của doanh nghiệp sắp đến hạn, mà không được cơ cấu, không được điều chỉnh thì buộc phải chuyển sang nợ xấu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận khoản vay mới, cánh cửa được vay vốn tự động đóng lại", vị chuyên gia này nhận định.

Về các giải pháp ngắn hạn cứu ngành hàng không, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tín dụng với các doanh nghiệp hàng không. 

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho Vietnam Airlines 4.000 tỷ đồng, ông Nề kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ ngành tiếp tục áp dụng cơ chế này cho các doanh nghiệp hàng không khác. 

Các hãng hàng không rất cần được vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3 - 5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Bên cạnh đó, thời hạn phép cơ cấu các khoản nợ phát sinh cũng cần được kéo dài vì sau dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn cần 3 đến 6 tháng để ổn định và hoạt động trở lại.

Cũng theo ông Nề, hiện nay, chi phí phòng dịch của các hãng rất cao, chính phủ cần xem xét các gói hỗ trợ trước đây về phí và lệ phí cho các hãng hàng không, từ tháng 6 đến tháng 9, tiếp tục cho phép áp dụng văn bản của Bộ Giao thông vận tải đến tháng 6 năm 2022. 

Ngoài ra, hiện mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng cho năm 2021 là 2.100 đồng/lít, tương đương mức giảm 30%. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không đến 30/6/2022. . 

Theo các chuyên gia, hỗ trợ hàng không thực chất là một khoản đầu tư vừa là ngắn hạn vừa lại trung dài hạn. Đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu bởi vì hàng không là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid 19 nhưng đây lại là điểm sáng lớn của Việt Nam trong việc duy trì hoạt động, đóng góp rất lớn cho kinh tế, xã hội và phòng chống dịch. 

Hỗ trợ hàng không tiếp cận với nguồn vốn, đặc biệt là vốn rẻ cũng là tăng cơ hội quốc gia của ngành hàng không Việt Nam trong việc hồi phục nhanh, cạnh tranh tốt hơn với các hãng hàng không nước ngoài.

"Hàng không là một gạch nối giữa Việt Nam và thế giới. Chính phủ nói rằng không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Khi kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam phải tận dụng cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng. Vì vậy, giải cứu ngành hàng không chính là giải cứu những ngành nghề khác nói chung và duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế’, ông Bảo nhấn mạnh.