Ngành thủy hải sản nỗ lực tận dụng EVFTA

Phạm Sơn - 14:23, 30/09/2020

TheLEADERNgành thủy hải sản được dự đoán là sẽ nhận được cơ hội lớn từ việc tận dụng Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) nhưng cũng sẽ vấp phải không ít cản trở, thách thức, đòi hỏi nỗ lực không ngừng từ doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình và sát sao từ phía chính phủ.

Ngành thủy hải sản nỗ lực tận dụng EVFTA
Xuất khẩu thủy hải sản đứng trước cơ hội lớn mở ra từ EVFTA.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8, tức là chỉ sau 1 tháng thực hiện Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU đạt 350 triệu USD, tăng khoảng 17% so với tháng trước.

Trong đó tổng kim ngạch thủy hải sản xuất khẩu sang EU đạt khoảng 98 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyễn Thị Thu Trang, Tổng giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là một tín hiệu cực kỳ tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thị trường EU vẫn đang gặp rủi ro bởi đợt bùng phát Covid-19 mới.

Cùng với tỷ lệ thực hiện cam kết đạt 7,3% chỉ trong tháng đầu tiên EVFTA đi vào hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đều tỏ ra vui mừng và lạc quan về việc các kỳ vọng về EVFTA đối với ngành nông nghiệp nói chung và thủy hải sản nói riêng sẽ trở thành hiện thực.

Ngành thủy hải sản nỗ lực tận dụng EVFTA
Xuất khẩu thủy hải sản sang EU trước và sau khi EVFTA đi vào hiệu lực. Ảnh: VASEP.

Đảm bảo chất lượng để thuận lợi tiến vào thị trường EU

Tại phiên tọa đàm thuộc khuôn khổ Hội thảo EVFTA: Những điều doanh nghiệp cần biết do VCCI tổ chức, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế, VCCI, điều phối viên của chương trình đặt vấn đề cho các diễn giả về tiêu chuẩn “4 ổn” để xuất khẩu nông sản sang EU.

Theo ông Huỳnh, tiêu chuẩn này bao gồm ổn về số lượng, ổn về giá cả, ổn về thời gian giao hàng và ổn về số lượng giao hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với nông sản nói chung, 4 yếu tố trên chỉ là phụ, mà quan trọng nhất vẫn phải kể đến sự ổn định về chất lượng.

Đồng quan điểm với ông Nam, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam, với kinh nghiệm xuất khẩu sang 182 quốc gia, hoàn toàn có đủ khả năng để đảm bảo yếu tố ổn định về chất lượng.

Các yếu tố khác đóng vai trò phụ trợ, nhưng sẽ là điểm cộng lớn cho năng lực cạnh tranh nếu được thực hiện tốt, mặc dù khó có thể luôn luôn đảm bảo do còn phụ thuộc vào hoàn cảnh nhất định.

Tuy nhiên, đại diện của VASEP lại không tỏ ra lạc quan như vậy, bởi dù chất lượng sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam không ngừng được củng cố nhưng vẫn rất khó để theo kịp các tiêu chuẩn được phía EU đưa ra trong EVFTA.

“Háo hức nhưng không hí hửng”

Tại Hội thảo EVFTA: Những điều doanh nghiệp cần biết, thay mặt VASEP, ông Nam chia sẻ nỗi lòng của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản.

EVFTA đi vào hiệu lực, ngành thủy hải sản chúng tôi háo hức nhưng không hề hí hửng!
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

EVFTA đi vào hiệu lực được các doanh nghiệp đón nhận tương đối lạc quan và chứa đựng nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, toàn ngành thủy hải sản vẫn ý thức được rằng cơ hội luôn đi kèm với thách thức.

“Nếu chỉ tính riêng đến việc xuất khẩu thì chúng ta đang có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, EVFTA có 17 chương, 1 chương về thuế còn 16 chương còn lại đặt ra rất nhiều những ràng buộc, cam kết vô cùng chặt chẽ và nghiêm ngặt”, ông Nam lý giải.

Như vậy, xuất khẩu hải sản sang EU đòi hỏi một sự nỗ lực không hề nhỏ đối với doanh nghiệp, cụ thể như cần phải có mã code, nhà máy chế biến phải đạt tiêu chuẩn… Các vấn đề này thực chất không phải là mới nhưng có sự gia tăng đáng kể về cường độ và tính nghiêm ngặt.

Đối với hàng nuôi trồng, phía EU yêu cầu có các chứng nhận, tiêu chuẩn tự nguyện, trong khi hàng đánh bắt cũng phải chịu những áp lực từ tiêu chuẩn chống các hoạt động IUU (Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý), gây tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.

“Khi chúng ta nỗ lực thì doanh nghiệp bên Thái, bên Trung Quốc, Indonesia, Ecuador… cũng đang nỗ lực. Vì vậy, sự hỗ trợ từ chính phủ, từ các bộ ban ngành, dù là nhỏ thôi thì cũng đã vô cùng đáng quý”, ông Nam cho biết.

Được biết, thời gian vừa qua, nhiều quyết sách, nghị định đã được ban hành để hỗ trợ và thúc đẩy thực thi EVFTA cho toàn ngành xuất khẩu nói chung cũng như thủy hải sản nói riêng, như công văn 5079/TCHQ-GSQL và công văn 812-XXHH của Tổng cục Hải quan triển khai EVFTA, thông tư 11/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy hải sản mong muốn những chính sách mang tính kịp thời và thực chất hơn như cải thiện môi trường kinh doanh, tinh gọn và thống nhất về pháp lý để tạo ra sức khỏe và sức bền cho doanh nghiệp vững bước trên trường quốc tế.

Về phía hiệp hội, vừa qua VASEP cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Doanh nghiệp hải sản cam kết chống IUU, bên cạnh các chương trình tập huấn, phổ biến chủ trương, triển lãm sản phẩm giúp doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mới mở ra từ EVFTA.