Nguồn vốn là rào cản lớn nhất với startup Việt Nam trong cả thập kỉ qua

Việt Hưng - 14:57, 03/05/2019

TheLEADERÔng Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki nhận định, khó khăn khi startup Việt Nam gọi vốn là nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường công ty lên sàn rất khó khăn.

Báo cáo về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018 thực hiện bởi tổ chức Topica Founder Institute (TFI) cho biết, tổng số vốn đầu tư vào startup Việt hiện đã lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước.

Đồng thời, trong năm 2018 này, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup, tương đương năm 2017, và tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD).

Hiện 6 lĩnh vực đang được rót vốn nhiều nhất lần lượt là Fintech (117 triệu USD), Thương mại điện tử (104 triệu USD), TravelTech (64 triệu USD), Edtech (54 triệu USD), Logistics (54 triệu USD) và Bất động sản online (47 triệu USD).

Một tín hiệu đáng mừng là năm qua, giới khởi nghiệp chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures. Hay gần đây, quỹ đầu tư của Tập đoàn Vingroup - Vingroup Ventures cũng công bố ngân sách đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018.

Sự hiện diện của các nhà đầu tư cho khởi nghiệp cũng ngày càng tăng. Số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, đã có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khởi nghiệp là không gian mà chúng ta gọi là cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội suy nghĩ khác và làm khác để đạt được các mục tiêu.

"Nếu chúng ta cứ đi theo một cách tuần tự thì luôn đi sau, khởi nghiệp sáng tạo là cách để chúng ta làm khác. Chúng ta làm theo quy định, tiến theo quy trình là làm theo cái cũ, không bao giờ có đổi mới sáng tạo", ông Nguyễn Đình Cung nói.

Theo ông, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc. "Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Ứng xử với nó theo tôi là đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không phải nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển. Startup sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết", Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương góp ý.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki nêu quan điểm, khởi nghiệp cũng giống như đi khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược. Tại Việt Nam, các công ty khởi nghiệp ngày càng giỏi lên, tuy nhiên có vấn đề lớn là nguồn vốn và đây cũng là khó khăn trong cả thập kỷ qua.

Theo ông Sơn, khó khăn khi gọi vốn là nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường công ty lên sàn rất khó khăn. Các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.

"Khi nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ nhìn vào quy mô thị trường và Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhưng chưa đủ lớn, chưa đạt mức nghìn tỷ USD. Cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.000 tỷ USD và lớn hơn nữa. Nhưng mang vốn ra nước ngoài đầu tư là vấn đề nhạy cảm mà nhà nước luôn phải cân đối giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài", ông Trần Ngọc Thái Sơn nói.

Thực tế, quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ lớn để giúp startup tăng tốc. Mặc dù nền kinh tế Internet Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa thể top 4 hấp dẫn nhất Đông Nam Á, theo số liệu từ Google và Temasek.

Trước đó, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành ESP Capital trong một cuộc phỏng vấn từng cho biết, có 4 lý do khiến các startup Việt Nam chưa thể hóa kỳ lân, đó là hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp, vấn đề xây dựng, vận hành sản phẩm chưa thực sự tốt, và cuối cùng là thiếu sự bứt phá.

Chưa kể, nhiều chuyên gia cho rằng, rào cản đối với các startup Việt Nam còn là nguồn vốn đầu tư. Ông Phạm Kim Hùng - CEO & nhà sáng lập Base.vn cho hay: "Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư chưa nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số".

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ và chính sách cho startup ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi. Nhiều trường hợp startup Việt chọn Singapore hay Silicon Valley là nơi đặt trụ sở. Chẳng hạn, các startup thành công như Kyber Network của CEO Lợi Lưu, hay Abivin của Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đều đặt trụ sở ở Singapore, Got It! Của Trần Việt Hùng đặt ở Silicon Valley, Mỹ.