Nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mở tài khoản chứng khoán

Trần Anh - 15:15, 08/04/2021

TheLEADERĐến cuối tháng 3, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 2,98 triệu, tăng 113.340 tài khoản so với tháng trước.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 3 lên gần gấp đôi so với tháng 2 và đạt kỷ lục với 113.191 tài khoản. Đây cũng là lần đầu tiên lượng mở mới tài khoản chứng khoán của đối tượng này vượt trên 100.000/tháng.

Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng tăng gấp đôi so với tháng 2, đạt 149 tài khoản.

Tại thời điểm 31/3, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 2,98 triệu, tăng 113.340 tài khoản so với tháng trước.

Sự tham gia bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân kéo theo dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng huy động vốn trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tháng 4, thị trường đã vượt qua ngưỡng 1.200 điểm lịch sử, lần đầu tiên sau 20 năm.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường cũng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE kể từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay. Tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn khi HOSE nghẽn lệnh ngay từ cuối phiên sáng trong hơn 1 tuần qua.

Nhà đầu tư nước cá nhân nước ngoài mở mới 502 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 3, tăng 70% so với tháng trước. Tổ chức nước ngoài mở mới 33 tài khoản so với việc đóng tài khoản nhiều hơn mở mới ở tháng 2. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm 31/3 đạt 36.375, tăng 535 tài khoản - cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Mặc dù vậy, trong tháng 3, khối ngoại bán ròng kỷ lục 11.500 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán, đây cũng là tháng bán ròng thứ 6 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 27.665 tỷ đồng.

Bất chấp tín hiệu kém tích cực từ khối ngoại, các công ty chứng khoán vẫn đặt niềm tin vào đà tăng của thị trường.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể theo mô hình chữ V từ mức đáy xác lập vào quý 2/2020. Kết quả là, Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Số liệu kinh tế quý 1/2021 một lần nữa minh chứng cho sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Mirae Asset dự báo tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2021, sau khi sụt giảm nhẹ 0,67% trong năm 2020. Kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Tầm nhìn đến năm 2022, thị trường chung kỳ vọng EPS của VN-Index sẽ tăng khoảng 23,5%.

Dựa trên dữ liệu thống kê quá khứ (trong vòng 10 năm trở lại đây), Mirae Asset nhận thấy mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 14 đến 18 lần. Tương ứng kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.050 đến 1.400 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.200-1.250 điểm.

So với các thị trường lân cận và toàn cầu, Mirae Asset đánh giá mức P/E của VN-Index tương đối hấp dẫn nhờ có mức ROE cao và triển vọng tăng trưởng EPS tốt

Các động lực chính thúc đẩy VN-Index tăng điểm bao gồm việc kiểm soát dịch thành công và triển khai tiêm vắc xin; các chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế hỗ trợ; thanh khoản thị trường dồi dào; triển vọng nâng hạng thị trường; động lực mới từ nhóm ngân hàng mới niêm yết và chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE; và thoái vốn nhà nước được thúc đẩy.