Nhìn lại thương mại Việt Nam - EU gần một thập kỷ qua

Mai Anh - 10:58, 28/06/2019

TheLEADERVới EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm cú huých lớn giữa bối cảnh đà tăng tích cực trong gần 10 năm qua.

Nhìn lại thương mại Việt Nam - EU gần một thập kỷ qua
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Tháng 10/2010, Việt Nam và EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và chính thức bắt đầu đàm phán giữa tháng 6/2012.

Sau gần 10 năm, “quả ngọt” đã được tạo ra trong mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp giữa EU và Việt Nam khi EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ được ký vào Chủ nhật tới (30/6) tại Hà Nội.

Bộ Công Thương nhận định nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Năm 2018, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 42 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó. Trong 8 năm qua, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng trung bình năm trên 14%.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 13,89 tỷ USD năm ngoái, tăng 14% so với năm 2017 và tăng trưởng trung bình năm đạt gần 9% trong cùng giai đoạn trên.

Trong quan hệ thương mại với EU, Việt Nam đạt mức thặng dư lên đến gần 28 tỷ USD vào năm 2018 và duy trì thặng dư trung bình trong 8 năm qua ở mức 19 tỷ USD.

Đồng thời, tốc độ tăng của xuất khẩu từ Việt Nam sang EU cũng nhanh hơn nhiều so với chiều ngược lại, cho thấy Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thương mại với thị trường này.

Nhìn lại thương mại Việt Nam - EU gần một thập kỷ qua
Số liệu từ Tổng cục Hải quan.

5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang EU trong năm 2018 bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; thủy sản và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng.

Về điện thoại các loại và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 13,36 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2017. Từ năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 27% và phần lớn là nhờ giá trị năm 2012 tăng vọt.

Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 4,7 tỷ USD giá trị hàng giày dép sang EU, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2017, tăng trung bình 9% mỗi năm giai đoạn 2011 – 2018. Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng này đang có dấu hiệu chững mạnh vào năm ngoái.

Về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,47 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2017, vượt qua giày dép để trở thành mặt hàng xuất ngoại nhiều thứ 2 trong năm 2018. Trong vài năm trở lại đây, mặt hàng này đã được đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 4,16 tỷ USD năm 2018, tăng hơn 10% so với năm trước đó và tốc độ bình quân năm đạt 7,4%. Sau khi có sự chững lại vào năm 2016 khi chỉ tăng 2,6% so với năm 2015, xuất khẩu của mặt hàng này vào EU đã tạo được đà tăng tích cực hai năm trở lại đây,

Đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,27 tỷ USD năm ngoái, tăng 22% so với năm 2017. Mặc dù đây là mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các loại kể trên nhưng lại có đà tăng không ổn định nhất qua các năm.

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt 1,47 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này vào thị trường EU đang có dấu hiệu chững lại sau khi tăng mạnh tới gần 22% vào năm 2017. Điều này phần lớn do ảnh hưởng của ‘thẻ vàng’ mà EU dành cho Việt Nam vào cuối năm 2017.

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang đối tác này. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, gần 100% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại đã được ký kết.

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA được Bộ Công Thương đánh giá chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ là rất đáng kể.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với viễn cảnh không có hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% giai đoạn 2019 – 2023; 4,57 – 5,30% giai đoạn 2024 – 2028 và 7,07 – 7,72% giai đoạn 2029 – 2033.