Những bài học quản trị đắt giá của một cá mập Shark Tank Mỹ đời đầu

Đặng Hoa - 09:21, 25/07/2021

TheLEADER“Tôi đã mắc sai lầm khi còn là một doanh nhân trẻ. Cái tôi của tôi quá lớn, tôi đã nghĩ mình bất khả chiến bại”.

Những bài học quản trị đắt giá của một cá mập Shark Tank Mỹ đời đầu
Kevin Harrington, nhà sáng lập của Harrington Enterprises, trong chương trình Shark Tank Mỹ (trái). Ảnh: Getty Images.

Đây là lời thú nhận của Kevin Harrington, nhà sáng lập của Harrington Enterprises, một trong những vị "cá mập" đời đầu của chương trình Shark Tank Mỹ.

Ông cho biết vào thời điểm đó, ông đã không muốn thuê những người mà ông cần, chẳng hạn như một giám đốc tài chính giỏi, và phải trả cho họ số tiền xứng đáng. Ông không đánh giá cao các kỹ năng của người khác.

Hậu quả là khi công ty phát triển, ông đã gặp khó khăn về quản trị và tài chính vì bản thân ông không có những kỹ năng này.

“Sau khi nhận ra sai lầm của mình và trả giá, tôi đã tuyên bố rằng tôi cần những người tốt nhất mà tôi có thể thuê hoặc có thể tìm thấy”, ông Kevin cho biết trong Talk show Nguy Cơ ngày 22/7 vừa qua.

Ông nhận ra rằng, một đội ngũ xuất sắc là chìa khoá để có thể phát triển một doanh nghiệp thành công và vững mạnh, bao gồm những người giỏi nhất trong các lĩnh vực khác nhau như tiếp thị kỹ thuật số, tài chính, quản trị, nhân sự… Đôi khi, đừng chỉ tập trung vào khả năng chi trả của mình, người lãnh đạo cần phải biết mình đang ở đâu và doanh nghiệp đang đi đến đâu.

“Nói cách khác, doanh nghiệp trị giá 1 triệu USD có thể sẽ phát triển lên 100 triệu USD trong vòng ba năm. Vì thế, đừng thuê một giám đốc tài chính giá 1 triệu USD mà hãy tìm một người có giá 100 triệu USD. Người đó sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra”, vị cá mập Shark Tank Mỹ nói.

Có thể doanh nghiệp phải trả khá nhiều tiền cho người tài ngay từ đầu nhưng nếu thương lượng tốt hơn một chút, doanh nghiệp có thể trả lương thấp hơn nhưng thêm vào đó chút cổ phần của công ty.

“Bây giờ, tôi thà trả nhiều tiền cho những người giỏi nhất, cho những gì họ xứng đáng vì họ sẽ cho tôi những lời khuyên hữu ích nhất và giúp tôi thành công hơn”, ông Kevin khẳng định.

Con đường trở thành “cá mập” Shark Tank

Vào khoảng 40 năm trước khi ông Kevin đang xem truyền hình cáp, màn hình bỗng nhiên trở nên tối thui. Suốt sáu tiếng đồng hồ sau đó, không có một chương trình nào được phát sóng. Ông đã quyết định thỏa thuận để mua sáu giờ đó.

Đầu những năm 80, ông bắt đầu đưa các sản phẩm vào và phát triển ngành bán hàng qua truyền hình ở Mỹ lên hàng tỷ USD đồng thời giúp nhiều công ty trở nên phổ biến.

Là một doanh nhân bán hàng qua truyền hình, ông từng tham gia khoảng 25 chương trình thương mại mỗi năm trong các lĩnh vực như đồ gia dụng, phần cứng, làm đẹp, golf…. Mỗi khi đến các chương trình này, ông thường phát biểu trước đám đông. Hàng chục, thậm chí là hàng trăm người đã đến nhờ ông giúp đỡ.

Ông nhận ra rằng, ngoài kia có rất nhiều doanh nhân với những ý tưởng tuyệt vời nhưng không biết cách tự kinh doanh. Họ muốn kinh doanh và họ cần sự giúp đỡ.

Sau đó, ông nhận được điện thoại từ nhà sản xuất chương trình Shark Tank Mỹ Mark Burnett mời tham gia ghi hình chương trình thí điểm, ông thầm nghĩ: “Đây là một ý tưởng tuyệt vời”.

Giờ đây, sự mạnh dạn và tích cực hơn trong khởi sự kinh doanh đã được thể hiện rõ nét trong khi trước đây mọi thứ chỉ dừng lại ở ý tưởng. Khi thấy các doanh nhân khác làm được điều gì đó, mọi người sẽ nghĩ rằng “tôi cũng làm được”. Họ sẽ hình dung mình là một doanh nhân và bắt đầu hành động.

Nói về lựa chọn tốt nhất của mình, shark Kevin liền nhắc đến công ty đồ uống và thực phẩm Celsius vì ông là một người yêu thích các sản phẩm. Celsius là một công ty khởi nghiệp đã từng lên sàn chứng khoán với giá 10 xu/cổ phiếu, từng có giá trị chưa đến 5 triệu USD.

Một sản phẩm nổi bật của công ty này là nước tăng lực, có khả năng tạo ra chuyển động trao đổi chất trong cơ thể và đốt cháy calo. Thức uống này nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng luyện tập thể hình.

Đội ngũ của ông Kevin đã phát triển công ty này. Họ đã huy động được 30 triệu USD trong giai đoạn đầu và sau đó gọi vốn được 70 triệu USD. Sau 9 năm phát triển, Celsius hiện được định giá 5 tỷ USD. Cổ phiếu của công ty này cũng tăng từ 10 xu lên hơn 60 USD.

“Đó là một hiệu suất khá ổn định. Đây là kỳ lân của tôi và nó gấp năm lần kỳ lân bình thường. Vì vậy, đây là một dự án rất thú vị đối với tôi”, ông Kevin cho biết.

Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nhưng ông Kevin khẳng định, 14 – 16 tháng qua là khoảng thời gian đầu tư tốt nhất của ông từ trước tới nay. Đây là điều rất quan trọng đối với tôi cũng như trong ngành của ông vì ông đang bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

Trong đó, tất cả điểm bán của Celsius đã bị đóng cửa nhưng doanh số bán hàng vẫn tăng nhờ việc kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các nền tảng trực tuyến. Công ty này cũng sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Một công thức mà ông Kevin đã áp dụng để có tỷ lệ thành công cao hơn khi kinh doanh được ông gọi là "thử nghiệm trước khi đầu tư". Điều doanh nhân này muốn làm đầu tiên khi ai đó mang đến cho ông một sản phẩm là thực hiện một cuộc thử nghiệm kỹ thuật số.

Đội ngũ của ông sẽ chế tạo một ống khói kỹ thuật số, chạy quảng cáo trên Facebook, Instagram, LinkedIn, TikTok,...và đầu tư 5.000 - 10.000 USD vào công tác truyền thông. Sau đó, họ sẽ xem các phản hồi từ công chúng. Họ muốn chắc chắn rằng việc đầu tư chứa ít rủi ro và mang lại lợi nhuận cao.

"Mới đây, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm này. Chúng tôi đã chi 5.000 USD để truyền thông cho một sản phẩm. Đổi lại, chúng tôi có 25.000 USD đặt hàng qua thẻ tín dụng. Tôi nghĩ rằng từ bây giờ, chúng tôi có thể đầu tư số tiền lớn hơn vào dự án này bởi vì nó đang mang về lợi nhuận rất lớn", ông Kevin cho biết.

Nhiều thương vụ thành công đến với ông Kevin theo một cách bất ngờ, khiến ông từng phải thốt lên “trời ơi, tôi không nghĩ đây sẽ là một thương vụ tuyệt vời”.

“Đôi khi bạn không biết được việc đầu tư của mình sẽ đi đến đâu. Ước gì lúc nào tôi cũng có thể phát hiện ra những doanh nghiệp sẽ thành công - vốn chỉ chiếm khoảng 1%. Tiếc là tôi không có khả năng đó”, cá mập Shark Tank Mỹ nói.

Tuy nhiên, không phải thương vụ đầu tư nào của ông Kevin cũng thành công, thậm chí còn là thảm hoạ.

Một ngày, nhà sáng tác nhạc người Mỹ Chubby Checker đến gặp ông Kevin với một sản phẩm thể hình. Mặc dù đó là một dụng cụ xoay rất đắt và rất cồng kềnh nhưng ông Kevin vẫn đầu tư hơn 500.000 USD vào dự án này vì Chubby Checker nổi tiếng ở Mỹ - điều làm ông Kevin rất phấn khích. Dự án đã thất bại sau đó không lâu.

“Chúng tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng mình nên đầu tư vào một sản phẩm thể hình của một người đàn ông tên là Chubby”, ông Kevin kể lại.

Những bài học đắt giá của một cá mập Shark Tank Mỹ đời đầu 1
Ông Kevin Harrington, nhà sáng lập của Harrington Enterprises, một trong những vị "cá mập" đời đầu của chương trình Shark Tank Mỹ

Nói thêm về khẩu vị đầu tư của mình, vị cá mập Shark Tank Mỹ cho biết, ông thích nói về khía cạnh toàn cầu để phục vụ thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ gói gọn ở trong nước.

Sau quá trình kinh doanh của mình hơn 40 năm qua, ông nhận thấy nếu thứ gì đó thành công ở Mỹ, ví dụ như sản phẩm nhà bếp, thể dục thể thao… thì sẽ thành công ở hầu hết quốc gia khác trên thế giới.

Vì vậy, ban đầu, ông mở cơ sở kinh doanh của riêng mình với một văn phòng ở London (Anh) để điều hành hoạt động trên toàn châu Âu. Sau đó, ông mở them văn phòng ở Jeddah (Ả Rập Xê Út) để vào Trung Đông, một văn phòng ở Sao Paulo (Brazil) để vào châu Mỹ Latinh, và ở Tokyo (Nhật Bản) để vào châu Á. Quá trình này ngốn khá nhiều tiền.

Nếu tự làm, các doanh nghiệp sẽ phải trang trải hết mọi chi phí để mở văn phòng, ký hợp đồng thuê, thuê nhân viên, kiểm kê sản phẩm, truyền thông, tiêu tốn hàng triệu USD, thậm chí hàng chục triệu USD ở các thị trường này.

Vấn đề là ông Kevin đã có một công ty vững mạnh, có vốn để có thể mở những văn phòng đó và mua hàng tồn kho… nhưng ông cho rằng hầu hết mọi người không có khả năng làm điều đó. Vì vậy lời khuyên của ông Kevin cho các doanh nghiệp là nên ủy quyền hoặc hợp tác với các bên khác ngay từ những ngày đầu. Dù không trực tiếp điều hành các doanh nghiệp của mình trên khắp thế giới, ông Kevin vẫn có các đối tác hoặc các chi nhánh ở hầu hết các thị trường.

Vì vậy, khi sang nước Anh, ông đã có người để ủy quyền cho họ làm việc. Ông có thể cấp phép và nhận được tiền trả trước vì bán buôn lấy lãi mà không phải bỏ vốn. Ông chỉ nhận được lợi nhuận từ người dùng, không cần phải chờ đợi đến khi doanh nghiệp trưởng thành.

Mặc dù đã có đối tác tại Việt Nam trong những năm qua nhưng ông Kevin cho biết, nếu ai đó quan tâm đến các sản phẩm của công ty ông tại thị trường Việt Nam, ông cũng sẵn sàng thương lượng.

“Vì chúng tôi đã dành thời gian và tiền bạc để tìm kiếm những đối tác thành công tại thị trường Mỹ. Giờ đây, chúng tôi muốn hợp tác với những người giỏi nhất trên khắp thế giới”, ông Kevin cho biết.