'Chốt deal' với nhà đầu tư mùa khủng hoảng

Quỳnh Chi - 12:56, 11/03/2021

TheLEADERNăng lực của startup và đặc biệt là nhà sáng lập sẽ được bộc lộ rõ nét qua những thời điểm khó khăn nhất.

'Chốt deal' với nhà đầu tư mùa khủng hoảng
Sự chân thành là tố chất quan trọng hàng đầu mà các nhà đầu tư tìm kiếm ở startup

Cách đây hơn 12 tháng, con người bước vào một thế giới kỳ lạ với những cuộc rung lắc nền tài chính và cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhưng điều thú vị là thử thách lại làm cho một số nhân tố trở nên mạnh mẽ hơn, thu hút được vốn đầu tư, tăng thêm sức mạnh tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Wee Digital, một startup Việt trong lĩnh vực tài chính, đã gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc InterVest và VinaCapital Ventures vào tháng 9/2020 với con số tiết lộ lên đến bảy chữ số. FoodMap cũng đã gọi vốn thành công nửa triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang rất phức tạp.

Vào tháng 2/2021, Loship - startup giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng tại Việt Nam cũng công bố khoản đầu tư mới nhất từ đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn, thông qua quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.

Dù gặp phải nhiều khó khăn trong việc kinh doanh mùa dịch nhưng Tập đoàn Bất động sản An Gia vẫn nhận được nhiều lời đề xuất tham gia đầu tư của các quỹ lớn với lãi suất tốt trong mùa dịch cũng như ở những giai đoạn còn khó khăn nhiều năm về trước.

Tuy nhiên, để có thể thu hút và khiến các nhà đầu tư quyết định đặt bút ký trong những giai đoạn khủng hoảng là câu chuyện không hề dễ dàng với bất cứ startup nào.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm "Từ sống sót đến tăng trưởng: toàn cảnh startup Việt 2021" do Propzy tổ chức, đồng sáng lập Loship Nguyễn Hoàng Trung thừa nhận đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi Covid-19 xảy ra. Ông cũng gặp rất nhiều thử thách trong việc thuyết phục nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Trung đã phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch gọi vốn. Thay vì gọi các vòng lớn, Loship chia thành các thương vụ nhỏ để nhà đầu tư dễ đưa ra quyết định hơn. Các hoạt động gọi vốn trong mùa dịch đều được thực hiện trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Chìa khoá “chốt deal” với nhà đầu tư mùa khủng hoảng
Đồng sáng lập Loship Nguyễn Hoàng Trung

Nhớ lại thời điểm hơn 5 năm về trước khi vừa mới phát triển được hai dự án bất động sản đầu tiên ở quận Bình Tân và Tân Phú (TP.HCM), ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản An Gia kể lại, lúc đó công ty hết tiền, không tìm được nguồn tiền để triển khai dự án tiếp theo, ngân hàng không cho vay vì không có tài sản đảm bảo.

“Nghe nói các quỹ đầu tư có thể cho vay tiền mà không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần biết cách làm, chúng tôi đã đi gặp rất nhiều quỹ đầu tư, sau đó bén duyên với một quỹ đến từ Nhật Bản. Thời đó chúng tôi không có tiền, không có tài sản nhưng có cách làm và con người”, ông Tín nói.

Thời điểm đó, Chủ tịch An Gia Nguyễn Bá Sáng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Còn ông Tín đã từng kinh qua vị trí Giám đốc kinh doanh của Mercedes, có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị.

“Chúng tôi chia sẻ chân thành với quỹ đầu tư cách chúng tôi đã triển khai hai dự án trước và tình trạng hiện tại. Sự chân thành chính là cái duyên đưa chúng tôi đến hợp tác với nhau”, ông Tín nói.

Ông Tín nhận thấy, nhiều startup Việt thường kháo nhau nên giữ lại một chút gì đó bí mật để tránh nguy cơ bị các quỹ thôn tính. Tuy nhiên ông cho rằng, khi làm việc với các quỹ đã có rất nhiều kinh nghiệm đầu tư trên khắp thế giới, những bí mật chính là rào cản khiến cho mối duyên giữa startup và các quỹ bị đổ bể.

Có cùng quan điểm, CEO Loship cho rằng các nhà đầu tư đã có quá nhiều kinh nghiệm, tiếp xúc với rất nhiều CEO của startup nên dù có giấu gì đi chăng nữa thì các nhà đầu tư cũng sẽ nhận ra. Ông Trung nhấn mạnh, với CEO, điều quan trọng là sự chân thành.

Ngày xưa, văn phòng của ông Trung toạ lạc ở 302 Tô Hiến Thành (TP.HCM), trông như một cái garage cũ kỹ, đến độ bước chân lên bục để vào phòng cũng bị sụp xuống.

“Trông nó như cái garage nhưng tôi khoái lắm, nhà đầu tư tới thì tôi dẫn vào đó, cho họ thấy anh em làm việc hăng say, chăm chỉ dù chỗ ngồi còn rất lụp xụp”, ông Trung kể lại.

Rồi nhiều lần đi gọi vốn, ông Trung cũng gặp đủ thứ chuyện như nhà đầu tư so sánh Loship với đối thủ, nhà đầu tư thắc mắc tại sao đặt đồ ăn nhưng không được giao, tại sao người giao hàng không nói được tiếng Anh…

Startup này cho rằng các nhà đầu tư biết rằng mọi công ty có vấn đề nội tại, phải có vấn đề thì mới đi gọi vốn. Điều quan trọng là phải chia sẻ với họ, cho họ biết rằng mình nhận thức được vấn đề, đã và đang nỗ lực để giải quyết.

“Đó quả thực là vấn đề nhưng phải chân thành để cho họ thấy mình là người mà nhà đầu tư có thể tin tưởng”, ông Trung nói và cho rằng hôm nay nhà đầu tư gửi vào công ty 100 đồng vì hai năm nữa muốn rút lại 150 đồng trong khi gửi vào ngân hàng chỉ rút được 105 đồng.

Ông Trung cho rằng, hành trình khởi nghiệp là một hành trình cô đơn. Những người đang khởi nghiệp, đặc biệt là trong mùa dịch, hãy tin tưởng bản thân, bước trên đôi chân của mình và vững tin với con đường mình đi bởi đó không phải là câu chuyện của 1 - 2 năm mà là 5 - 10 năm.

Ông Tín cũng cho rằng, những người làm khởi nghiệp nên trung thành với mục tiêu mình đề ra, tuy nhiên trong quá trình trung thành, hãy linh hoạt thực hiện, đừng quá cứng nhắc, đừng giữ cái tôi.

Khi nhà đầu tư và startup “bắt sóng”

Ông Olivier Raussin, đồng sáng lập và quản trị đối tác quỹ đầu tư FEBE Ventures cho biết, trong những tháng gần đây dù bị đặt trong bối cảnh khủng hoảng do Covid-19 gây nên trên quy mô toà cầu, quỹ đầu tư FEBE Ventures cũng đã hoàn thành giao dịch đầu tư với 11 startup, trong đó, thương vụ mới nhất được ký kết với một startup của Việt Nam. Ông Olivier cho rằng, tiềm năng các startup về công nghệ càng ngày càng lớn.

Ông Olivier tiết lộ, chất lượng của nhà sáng lập là điều quan trọng hàng đầu, chiếm tới 80% khi FEBE quyết định đầu tư vào một startup. Sau các buổi gặp gỡ, các nhà đầu tư muốn tìm thấy một nhà sáng lập có thể khiến họ tin tưởng. Nhà sáng lập cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với rất nhiều quỹ như Beenext và Access Ventures.

“Cuộc sống xét cho cùng rất đơn giản. Các nhà sáng lập nên nói những thứ họ làm và làm những thứ họ nói. Chúng tôi không cần phải làm quá hay tô vẽ thêm, chúng tôi cần một mối quan hệ thân thiết, tin cậy và một sự minh bạch”, đại diện quỹ FEBE nói.

Chìa khoá “chốt deal” với nhà đầu tư mùa khủng hoảng 2
Nhà đầu tư cần một mối quan hệ thân thiết và tin cậy lẫn nhau

Tố chất thứ hai mà FEBE tìm kiếm ở nhà sáng lập startup là sự đam mê với “đứa con” của mình. Ông Olivier coi John Le, nhà sáng lập của Propzy - startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) đã được FEBE rót vốn đầu tư, là một ví dụ điển hình. Ông John Le là một người có sự cam kết rất mạnh mẽ và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ tài chính. Trong suốt một năm qua, John Le và cộng sự đã phát triển rất nhanh với những bước đi táo bạo.

“Chúng tôi muốn gạt sang một bên những thứ như tiềm năng IPO, trở thành kỳ lân, huy động được vốn... Tôi không nói đó là thứ nhảm nhí nhưng thực sự đó là những thứ cuối cùng chúng tôi quan tâm. Họ phải đam mê với những thứ họ làm, họ phải thực sự mong muốn giải quyết được vấn đề lớn cho 10 năm tới”, lãnh đạo FEBE chia sẻ.

Theo ông Olivier, đó phải là một sự tự nhận thức ở người làm khởi nghiệp. Không ai hoàn hảo và biết hết tất cả mọi thứ, nhà sáng lập phải thành thật với bản thân về những thứ mình còn yếu để tìm cách học hỏi và bổ sung, đồng thời tuyển những người giỏi về và cho họ cơ hội cống hiến.

Một tố chất khác không kém phần quan trọng ở nhà sáng lập được ông Olivier nhấn mạnh là khả năng kể chuyện, truyền cảm hứng và là một người lãnh đạo thực thụ để có thể tuyển được những cộng sự xuất sắc, để có thể đi gọi vốn, làm việc với báo chí và giới truyền thông, bán hàng,…

Chia sẻ với tư cách nhà đầu tư, đồng thời là người được các quỹ đầu tư rót vốn, ông Jonh Le cho rằng, khi mọi thứ đang thuận lợi thì quá dễ, nhưng bối cảnh khó khăn sẽ là tấm gương phản chiếu rõ nhất con người và năng lực của nhà sáng lập.