Những chuyến tàu lúa mì triệu đô lao đao vì cỏ dại cirsium arvense

Han Sovy - 14:04, 09/10/2018

TheLEADERQuy định cấm nhập khẩu lúa mì nhập khẩu có lẫn cỏ dại cirsium arvense sẽ có hiệu lực vào ngày 1/11 tới đang đặt ra cho khu vực doanh nghiệp chế biến lúa mì tại Việt Nam nhiều trở ngại lớn.

Những chuyến tàu lúa mì triệu đô lao đao vì cỏ dại cirsium arvense
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm nhập khẩu lúa mì có lẫn cỏ cirsium arvense là chưa thực sự cần thiết

Tháng 5/2018, cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam đã phát hiện đối tượng phải kiểm dịch thực vật là cỏ cirsium arvense có trong hơn 1,2 triệu tấn lúa mì trong tổng số gần 4 triệu tấn (chiếm trên 30%).

Một số cơ quan thuộc bảo vệ thực vật tại Việt Nam nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi loại cỏ này có nguy cơ gây hại cho nhiều loại cây trồng. Hạt cỏ của cirsium arvense rất bé, nhẹ, mắt thường có thể nhìn không rõ, nếu không kiểm sát chặt rất rễ phát tán, thậm chí hạt ngâm trong nước 20 năm vẫn có sức nảy mầm; khi bị xâm hại thì việc diệt trừ, loại bỏ là gần như không thể.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, loại cỏ này chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên, nó có thể gây hại cho 27 loại cây trồng khác nhau. Hiện tại, cirsium arvense đang nằm trong đối tượng cấm của nhiều nước như Australia, Hàn Quốc, Argentina, Brazil…

Như vậy, cấm cirsium arvense, mà cụ thể là thông qua hình thức cấm nhập khẩu lúa mì, về cơ bản là không sai nhưng xét ở khía cạnh thực tế, đặc biệt là tại một quốc gia mà ngành chế biến lúa mì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như Việt Nam, cấm nhập khẩu không phải là hướng giải quyết thực sự “cần và đủ”.

Phát biểu tại hội thảo "Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì" do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. HCM tổ chức, bàn về quy định cấm nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ độc có hiệu lực vào ngày 1/11/2018, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM (FFA) chia sẻ, Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì từ hàng chục năm nay và vì thế việc xuất hiện cỏ cirsium arvense chắc chắc không phải là vấn đề mới. 

Hiện tại, cũng chưa có các báo cáo cụ thể về ảnh hưởng tiêu cực mà loại cây hại này gây ra cho cây trồng tại Việt Nam. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi về tính thiết thực của việc cấm nhập khẩu lúa mì trên cơ sở gây hại của cirsium arvense có thực sự hợp lý?

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM lại cho rằng, nỗ lực của Chi cục Bảo vệ thực vật là việc cần được ghi nhận, song sự cảnh giác cao độ như hiện nay là không cần thiết. Đứng ở góc độ sức khoẻ người tiêu dùng, trường hợp phản ứng nặng khi ăn phải loại cỏ này chỉ được ghi nhận là gây chướng bụng, do đó, nếu nói gây độc là có phần khiên cưỡng. 

TP. HCM: Bất cập chuyện cấm nhập khẩu lúa mì vì cỏ dại
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM phát biểu tại sự kiện

Ngoài ra, theo bà Lan, để lệnh cấm có giá trị thực tiễn, các cơ quan chuyên trách cần thêm nhiều khảo sát về định lượng gây hại (tỉ lệ phần trăm) của cirsium arvense lẫn trong lúa mì nhập khẩu.

Nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo cũng đồng quan điểm với đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm khi cho rằng, bản chất của cirsium arvense là loại thực vật sinh trưởng phổ biến tại khu vực ôn đới (châu Âu và Bắc Á), do vậy sẽ không hoàn toàn là cây hại đối với môi trường nông nghiệp (cây trồng nhiệt đới chiếm đa số) tại Việt Nam. 

Theo đó, cỏ cirsium arvense chỉ là sinh vật cạnh tranh (dinh dưỡng) chứ không thuộc nhóm sinh vật gây hại – loại thực vật ăn vào gây độc cho người hoặc làm chết cây trồng.

Theo tìm hiểu, lúa mì nhập khẩu tại các nguồn nguyên liệu lớn như Canada, Nga hay Mỹ thường sẽ được chuyển vào các xi-lô (silo – tạm dịch: bể chứa) ngay sau khi thu hoạch bằng máy tại những cánh đồng lớn, trước khi được đóng gói và vận chuyển bằng tàu đến các nước nhập khẩu. 

Khác với việc sản xuất lúa gạo, thu hoạch lúa mì nguyên liệu không có bước sàng lọc nên việc nhiễm các loại cỏ dại như cirsium arvense là điều khó tránh khỏi.

Thông báo lệnh cấm nhập khẩu lúa mì nhiễm loại cỏ này gần đây của Việt Nam, nói một cách khác, chính là quyết định “xóa sạch” cả một khu vực sử dụng lúa mì nhập khẩu mà doanh nghiệp chế biến là những người chịu tổn thất nghiêm trọng nhất.

Doanh nghiệp lao đao

Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro cho biết, chưa tính đến những thiệt hại cho người tiêu dùng khi quy định này có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong nước đang đứng trước những khoản lỗ khổng lồ. 

Hiện 70 - 80% lúa mì tại Việt Nam được nhập khẩu qua đường tàu thủy với khối lượng khoảng 30 - 50 ngàn tấn/chuyến tàu; đơn giá ước tính 1 tấn hàng vào khoảng 390-400 USD, đồng nghĩa với việc cứ mỗi chuyến tàu sẽ trị giá 20 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng). 

Chỉ với một lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 1/11 tới (thông báo chính thức ngày 5/10), khi hàng trăm công hàng nhập khẩu lúa mỳ đã thanh toán, thiệt hại cho kinh tế là không nhỏ.

Đã có các đề xuất được đưa ra như chuyển đổi nguồn nguyên liệu đến vùng khác như Brazil, Argentina… nhưng không khả thi. Trong một thời gian ngắn, để doanh nghiệp vừa có lộ trình, kế hoạch kinh doanh, tìm kiếmn và thương thảo hợp đồng với các đối tác mới là điều không thể; đó là chưa kể nhiều sản phẩm chỉ có thể dùng lúa mì Mỹ, Canada hay Nga vì những đặc tính riêng và chất lượng.

Tính trong đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khoảng 3 triệu tấn lúa mì để phục vụ cho nhu cầu sản xuất ở nhiều nhóm ngành như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và thậm chí là công nghiệp sản xuất keo dán ván ép. 

Nếu quy định cấm có hiệu lực, hai viễn cảnh sẽ tác động đến Việt Nam: doanh nghiệp – để tồn tại, phải nhập lúa mì từ nước khác với giá trị thấp hơn (dù giá thành có thể ngang hoặc cao hơn) hoặc là không nhập lúa mì nữa, nguồn cung không đủ, đồng nghĩa với việc “khai tử” một chuỗi sinh thái ngành lúa mì – từ doanh nghiệp sản xuất đến các hạt nhân liên kết như nhà hàng, tiệm bánh và du lịch.

Khi chưa có các khảo sát, thảo luận cụ thể, lệnh cấm mà Chi cục Bảo vệ thực vật đưa ra, ngoài tạo ra áp lực cho nền kinh tế, ít nhiều còn thể hiện tư duy “không quản được thì cấm” tồn đọng trong công tác quản lý.

Nhiều đại diện doanh nghiệp và cơ quan liên ngành tại hội thảo "Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì" đề xuất, trong thời gian xem xét và nghiên cứu lại, quy định trên có thể gia hạn thời gian có hiệu lực để tạo “lỗ thở” cho doanh nghiệp. 

Về lâu dài, những đơn vị chuyên trách có thể xây dựng một bộ quy định thể hiện quy trình xử lý và các định mức cho phép cụ thể của lúa mì có lẫn cỏ cirsium arvense, hướng đến việc giải quyết câu chuyện nhập khẩu lúa mì một cách hài hòa giữa kinh tế, khoa học và quản lý.