Nỗ lực bình đẳng hóa vắc xin Covid-19 ở “thế giới thứ 3”

Phạm Sơn - 08:26, 29/03/2021

TheLEADERCác nước đang phát triển đang tích cực tham gia nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, với mong muốn cung ứng vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.

Nỗ lực bình đẳng hóa vắc xin Covid-19 ở “thế giới thứ 3”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử vắc xin Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: VOV.

Trong bức màn đen tối Covid-19 phủ xuống toàn thế giới, nhân loại dường như đã tìm thấy ảnh sáng hy vọng le lói phía cuối con đường, khi nhiều loại vắc xin đã được điều chế thành công và chuẩn bị phân phối trên toàn cầu.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhận định, chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang diễn ra một cách tốt đẹp, tuy nhiên dường như chỉ đối với công dân của những quốc gia giàu có.

75% người trưởng thành tại Mỹ, Anh sẽ được tiêm vắc xin trong một vài tháng tới đây. Nhật, châu Âu và các quốc gia phát triển khác cũng được dự báo sẽ đạt mốc tương tự vào cuối năm. Trong khi đó, hàng tỷ người tại những nước nghèo và đang phát triển thậm chí còn khó có thể tiếp cận với vắc xin vào năm 2022.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng bất bình đẳng về phân phối vắc xin đang ngày càng gia tăng. Thống kê cho thấy, khoảng 56% liều vắc xin được sử dụng ở những nước có thu nhập cao, chỉ chiếm 16% dân số thế giới và chỉ có 0,1% liều vắc xin được tiêm tại 29 quốc gia nghèo nhất, tương đương với 9% dân số.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus , Tổng giám đốc WHO nhận xét, đây là sự bất bình đẳng “kỳ cục”, đồng thời tiếp tục kêu gọi các quốc gia phân phối vắc xin một cách công bằng.

“Chừng nào vi rút còn tiếp tục lây lan, sẽ tiếp tục có người mất mạng”, ông Tedros nhấn mạnh.

Việc phân phối vắc xin kém công bằng cũng gây ra nhiều thiệt hại tới kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế học đạt giải Nobel Michael Kremer, cứ mỗi tháng đại dịch tiếp diễn, nền kinh tế thế giới thất thoát khoảng 500 tỷ USD.

Nỗ lực bình đẳng hóa tiêm chủng vắc xin

2 trong số 4 loại vắc xin được nghiên cứu tại Cuba đang đi đến giai đoạn thử nghiệm cuối. Chính phủ Cuba cho biết, các loại vắc xin Covid-19 sau khi được nghiên cứu thành công sẽ được phân phối tới những quốc gia nghèo như Suriname, Ghana và Venezuela.

Cuba cũng chuyển 100.000 liều vắc xin Soberana 02 sang Iran để tiến hành thử nghiệm. Trước đó Iran đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm trên người 3 loại vắc xin được phát triển trong nước.

Vắc xin Nano Covax do Việt Nam tự nghiên cứu cũng đang được thử nghiệm trên người. Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc đã tiêm 2 mũi vắc xin thử nghiệm, cho thấy niềm tin của Việt Nam vào độ an toàn của loại vắc xin này.

Đại diện Học viện Quân y, nơi nghiên cứu vắc xin Nano Covax cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ để cung cấp vắc xin an toàn, hiệu quả cho người Việt. Kết quả thử nghiệm Nano Covax cũng cho thấy vắc xin đảm bảo an toàn và có hiệu quả với cả chủng vi rút biến thể xuất phát từ Anh.

Bộ Y tế Việt Nam đưa ra cam kết sẽ có đủ 90 triệu liều vắc xin được cung cấp trong năm nay, bao gồm cả vắc xin tự sản xuất và nhận tài trợ theo chương trình điều phối vắc xin toàn cầu Covax.

Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia được WHO cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA), đảm bảo điều kiện để phân phối vắc xin cho quốc tế trong tương lai tới.

Việt Nam, Cuba, Iran cùng những quốc gia đang phát triển như Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan đã tham gia tích cực vào cuộc đua phát triển vắc xin phòng ngừa đại dịch Covid-19. Theo thông tin chưa xác nhận, Triều Tiên cũng đang thử nghiệm một loại vắc xin được phát triển trong nước.

WEF bình luận, động thái này sẽ rất hữu ích trong việc phân phối vắc xin một cách bình đẳng và công bằng như lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Tất cả những nỗ lực phát triển vắc xin này có thể góp phần tạo ra một “thế hệ vắc xin” mới, giải quyết các biến thể nguy hiểm hơn, với chi phí thấp hơn”, John Letzing, chuyên gia của WEF nhận xét.

WEF cũng đề kêu gọi các quốc gia cùng chung tay để tạo ra cơ chế phân phối vắc xin hiệu quả và công bằng, trong đó có sáng kiến xây dựng một mạng lưới nhà máy sản xuất vắc xin toàn cầu để sản xuất không chỉ vắc xin phòng ngừa Covid-19 mà còn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác.