Nỗ lực của TPP 11 có thể thành "công cốc"

Trương Mỹ - 10:11, 30/10/2017

TheLEADERChỉ hai tuần trước khi Nhật Bản và 10 quốc gia khác hy vọng sẽ đạt được những thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì những diễn biến chính trị gần đây đang làm "mờ đi" những hy vọng ấy và đe dọa những nỗ lực trước đó của các nhà lãnh đạo.

Nỗ lực của TPP 11 có thể thành "công cốc"
Đàm phán TPP 11 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Asian Nikkei

11 quốc gia còn lại trong TPP (TPP 11) đang chuẩn bị những bước đi cuối cùng nhằm đạt được một thoả thuận chung vào đầu tháng tới tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng tới.

Tuy nhiên, New Zealand, một trong những quốc gia tiên phong trong việc làm sống lại TPP dường như chao đảo. Hôm thứ Năm vừa qua, New Zeand đã chính thức đón tân thủ tướng Jacinda Ardern. Mặc dù trước đó bà Jacinda Ardern đã cam kết sẽ đàm phán lại thỏa thuận thương mại TPP nhưng giờ đây lại đang tìm kiếm những biện pháp hạn chế đầu tư bất động sản ở nước ngoài.

Vào tháng trước, người đại diện cho New Zealand trong các cuộc đàm phán TPP - ông Mike Petersen đã bảo đảm rằng sau cuộc bầu cử, ông sẽ cố gắng tiếp tục đạt được thỏa thuận cuối cùng với 11 quốc gia khác.

Tuy nhiên, nếu bà Ardern kiên quyết giữ vững lập trường của mình về việc đàm phán lại, những nỗ lực hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trước đó hoàn toàn có thể sụp đổ.

11 quốc gia đã đồng ý không thay đổi các điều khoản ban đầu của hiệp ước và trong trường hợp những ngoại lệ được tạo ra chỉ dành cho New Zealand, tất cả sẽ trở thành "công cốc".

Một số người đưa ra ý kiến là loại bỏ New Zealand ra khỏi TPP những điều này sẽ rất khó khăn vì New Zealand là thành viên sáng lập TPP. Một lựa chọn duy nhất bây giờ là thuyết phục quốc gia này không đàm phán lại.