Nỗi lo hàng hóa tăng giá

Mai Phương - Chí Nhân - 18:08, 07/09/2017

Nếu thuế giá trị gia tăng lên mức 12% cộng thuế môi trường với xăng tăng lên 8.000 đồng/lít thì khả năng hàng loạt sản phẩm sẽ còn tiếp tục đội giá.

Nỗi lo hàng hóa tăng giá
Giá xăng, thuế và phí các loại tăng sẽ đẩy giá hàng hóa leo thang. Ảnh: Gia Khiêm.

Giá xăng tăng liên tục khiến giá cước vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng càng không thể đứng im.

Áp lực tăng cước vận tải

Chỉ sau hai tháng, giá xăng dầu trong nước đã tăng 4 lần liên tiếp, tổng mức tăng là 1.723 đồng/lít xăng, tương đương khoảng 10%. Giá dầu diesel cũng tăng thêm 1.115 đồng/lít, tương đương tăng 8%. Với tốc độ tăng giá xăng dầu vừa qua, các doanh nghiệp vận tải đang nhấp nhổm.

"Giá nhiên liệu thay đổi thì mọi đối tượng đều bị tác động. Tất cả chi phí đều đi vào giá thành sản phẩm và góp phần làm tăng giá bán ra. Nếu mai mốt thuế bảo vệ môi trường tăng lên 8.000 đồng như đề xuất của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp càng khó khăn"

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết, giá xăng, dầu chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu giá thành của ngành vận tải nên sẽ tác động rất lớn đến chi phí, giá thành dịch vụ. Theo quy định, khi giá xăng dầu tăng 5%, doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá dịch vụ. Hiện giá xăng, dầu đã tăng hơn 10% nhưng đến hôm nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tăng giá mà đang cố gắng chống đỡ do thị trường vận tải trong tình trạng cung vượt cầu. Hiện tại, các doanh nghiệp đang thăm dò lẫn nhau, chưa tăng vội do sợ mất khách. Chuyện tăng giá vận tải nhiều khả năng sẽ sớm diễn ra.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, bổ sung: Ngành vận tải hàng hóa còn khó khăn hơn vì đặc thù là giá cả theo hình thức thỏa thuận giữa chủ hàng và doanh nghiệp vận tải - không phải giá vé ấn định như vận tải hành khách. Chính vì vậy, dù xăng dầu có tăng nhưng giá cước vận tải chưa tăng được mà chỉ có thể tăng khi nhu cầu tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu vừa diễn ra khá dồn dập với biên độ tăng lớn, trong khi các doanh nghiệp đang chuẩn bị vào giai đoạn cao điểm sản xuất, mua bán hàng hóa chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm nên nhu cầu vận chuyển cũng sẽ tăng cao. Do đó, chắc chắn giá cước vận tải của các doanh nghiệp cũng phải gia tăng.

Tác động của giá xăng

Đáng lo hơn, dù nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm nâng mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít (hiện mỗi lít xăng đang gánh 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường). 

Nếu được thông qua, dự kiến mức thuế mới đối với xăng dầu sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2018. Theo tính toán của một số doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần là 8.000 đồng/lít cộng thêm mức thuế giá trị gia tăng (VAT) lên mức 12% thì giá xăng bán lẻ đến tay người tiêu dùng có thể tăng lên hơn 25.000 đồng/lít.

Mức giá trên sẽ tác động mạnh đến giá cả hàng hóa, dịch vụ của người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, chi phí vận tải này chiếm từ 15 - 20% chi phí đầu vào nên giá cước tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất tăng theo. Khi đó, doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa ra để bù đắp chi phí.

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa, cho biết, hiện doanh nghiệp cũng đang đứng ngồi không yên. Công ty vẫn mới ước tính một số chi phí sẽ làm tăng khoảng 2% giá thành nhưng vẫn còn đang chờ xem các dịch vụ như vận chuyển, bốc dỡ tăng giá bao nhiêu, sản phẩm nguyên phụ liệu khác có điều chỉnh giá không, từ đó mới cộng thêm các loại chi phí khác, gồm cả mức VAT tăng thêm 2% so với hiện tại và cộng vào giá bán.

“Đáng lo ngại, nếu giá tăng quá cao thì sức mua chung trên thị trường sẽ giảm xuống. Đặc biệt, hàng hóa trong nước sẽ càng giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Bởi thuế nhập khẩu ngày càng giảm, thuế và phí của nhiều nước đang thấp hơn Việt Nam nên giá sản phẩm ngoại sẽ tốt hơn hàng sản xuất ngay chính trong nước”, ông Phan Văn Thiện lo lắng.

Ông Bùi Văn Quản lo ngại: “Giá nhiên liệu thay đổi thì mọi đối tượng đều phải bị tác động. Tất cả chi phí đều đi vào giá thành sản phẩm và góp phần làm tăng giá bán ra. Nếu mai mốt thuế bảo vệ môi trường tăng lên 8.000 đồng như đề xuất của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp càng khó khăn”.

Tương tự, theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, bản thân doanh nghiệp này cũng chưa thể dự báo được về chi phí và giá bán sản phẩm sắp tới sẽ biến động như thế nào vì phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu. Thế nhưng, bà Lâm khẳng định: doanh nghiệp có thể dự báo được rằng, năm 2018 sẽ rất nhiều khó khăn vì quá nhiều loại phí, thuế cùng gia tăng. Tất yếu, mọi chi phí sẽ được tính đủ vào giá bán ra cho người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, nếu tăng thuế VAT và phí xăng dầu chắc chắn sẽ khiến giá hàng hóa trong nước leo thang. Từ đó góp phần làm gia tăng lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.