Nutifood gặp thử thách khi mở rộng đầu tư ra thế giới

Trần Anh - 10:32, 25/09/2019

TheLEADERNăm 2018 doanh thu của Nutifood tăng nhẹ 5%, đạt khoảng 9.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm so với năm trước đó do công ty ghi nhận thêm chi phí đầu tư xây dựng nhà máy mới.

Theo thống kê của Hiệp Hội sữa Việt Nam, năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đại 109.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành đã chậm lại so với bình quân 12,3% giai đoạn 2010 – 2017.

Một trong những doanh nghiệp sữa lớn có sự chững lại là Nutifood. Từng là cái tên ‘làm mưa làm gió’ trên thị trường sữa với chiến lược chỉ tập trung vào dòng ‘sữa đặc trị’, chuyên dành cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng hay người già; Nutifood đã thành công vang dội khi sản phẩm sữa bột pha sẵn GrowPLUS dẫn đầu thị phần tại Việt Nam.

Trong vòng 5 năm từ 2013 – 2017, doanh thu của công ty đã tăng gấp 3 lần, đạt mức 9.205 tỷ đồng vào cuối năm 2017. Công ty hiện có 4 nhà máy sản xuất sản phẩm từ sữa dinh dưỡng tại Việt Nam và đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020.

Sang năm 2018, bên cạnh các sản phẩm dinh dưỡng, Nutifood tiến hành mở rộng lĩnh vực kinh doanh khi tung ra một số dòng sản phẩm mới, điển hình là cà phê hòa tan với Nutifood cà phê sữa tươi. 

Đại diện Nutifood khi đó cho biết doanh nghiệp này muốn đa dạng hóa tệp khách hàng của mình. NutiFood muốn lấn sân sang ngành cà phê là muốn mở ra một kênh mới và mở rộng phân khúc thị trường.

Theo một số liệu vừa được Tạp chí Forbes công bố, năm 2018, Nutifood ghi nhận doanh thu khoảng 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 828 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 1.355 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường sữa trong nước cạnh tranh gay gắt, chiến lược của Nutifood tiếp tục tập trung vào lĩnh vực thực phẩm dinh dưỡng. Đầu năm nay, Nutifood công bố bắt tay với Asahi Group Foods (Nhật) để lập liên doanh Asahi - NutiFood

Trong liên doanh này, NutiFood sẽ đóng góp về mặt nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống phân phối để Asahi bán các sản phẩm sữa/thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em mang thương hiệu Wakodo tại thị trường Việt. 

Đồng thời, công ty tiếp chiến lược chinh phục các thị trường nước ngoài bằng việc đưa vào hoạt động nhà máy sữa liên doanh NutiFood Sweden AB (Thụy Điển). Giai đoạn I của nhà máy có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, với tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm. Giai đoạn hai sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng organic và sữa bột organic cao cấp đóng lon.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood không giấu diếm khát vọng của mình khi quyết định đầu tư vào Thụy Điển: “Trong chiến lược vươn ra thế giới của mình, chúng tôi đã chinh phục được thị trường Mỹ, đây là bước tiếp theo để chúng tôi chinh phục thị trường Châu Âu. Chúng tôi chọn Thụy Điển vì đây là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, đặc biệt là sữa". 

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2019. Hai đại diện của Việt Nam góp mặt gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air và bà Trần Thị Lệ CEO Nutifood.

"Từ khi cùng chồng là ông Trần Thanh Hải trở thành cổ đông lớn của NutiFood năm 2013, vợ chồng bà Lệ đã đưa công ty trở thành một trong những nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa lớn nhất Việt Nam.

Doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của NutiFood là 9.500 tỷ đồng và 828 tỷ đồng. NutiFood hiện có 4 nhà máy trong nước.

CEO Trần Thị Lệ và Chủ tịch Trần Thanh Hải đặt tham vọng đưa NutiFood vượt ra khỏi biên giới Việt Nam bằng việc đầu tư ra nước ngoài thông qua các hoạt động liên doanh, mua bán và sáp nhập" - Forbes viết về NutiFood và bà Trần Thị Lệ.