Ông Năm Nhã - người nông dân miền Tây không ngừng đổi mới

Hương Giang - 09:08, 24/10/2022

TheLEADERLớn lên từ đồng ruộng miền Tây, ông Dương Xuân Quả (còn gọi là ông Năm Nhã) đã không ngừng đổi mới sáng tạo để biến những hạt gạo quê hương thành những hạt "gạo sữa" thơm ngon nhờ một quy trình tưởng không hề liên quan đến chất lượng và độ ngon của gạo - quy trình sấy lúa.

Ông Năm Nhã - người nông dân miền Tây không ngừng đổi mới
Ông Dương Xuân Quả giới thiệu về cánh đồng trồng lúa OM 4900 được chăm sóc theo hướng an toàn để cung cấp nguyên liệu làm gạo sữa chất lượng cao. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Để hạt gạo trở thành “ngọc thực”

Hầu hết mọi người đều cho rằng quy trình sản xuất gạo ngon sẽ gắn liền với giống lúa, quy trình trồng trọt, chứ ít khi nghĩ đến những công đoạn khác.

Trong khi đó, vượt ra ngoài cách nghĩ thông thường, ông Dương Xuân Quả, một nhà sáng chế không chuyên nổi tiếng về các thiết bị sấy lúa, lại cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện độ ngon của lúa gạo thông qua quy trình sơ chế và bảo quản lúa gạo.

Cụ thể, với ông, sấy lúa chỉ để bảo quản hạt thóc, hạt gạo tốt hơn là một việc quá phí phạm. Cụ thể, ông cho biết, với giống lúa Hương Lài OM 4900, khi sấy đến độ ẩm tiêu chuẩn thông thường khoảng 14-15%, ăn rất dẻo và thơm.

Nhưng nếu sấy lúa xuống dưới 10% độ ẩm, hạt gạo sẽ khô hơn và giảm bớt độ dẻo khi nấu, nhưng lại tăng vị thơm và vị ngọt. Khi đó, hạt gạo sẽ có màu trắng sữa, trông giống như gạo nếp chứ không đục mờ như hạt gạo bình thường. Vì thế, ông đặt tên cho hạt gạo ở trạng thái này là gạo sữa.

Ông cho biết, hạt gạo sữa thường có thời gian bảo quản dài với giá bán cao hơn 10-20% so với gạo cùng loại. Tuy nhiên, phương pháp sấy tạo gạo sữa không hề dễ dàng để có thể thực hiện. 

Ông Năm Nhã cho biết: “Chỉ cần sấy lúa xuống dưới 10% độ ẩm, sau đó đem xát là thành gạo sữa nhưng cái khó là làm thế nào sấy được khô như vậy mà vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế. Áp dụng cách thông thường thì sấy một mẻ gạo sữa mất hơn hai ngày đêm, ai chịu nổi chi phí”.

Ông Năm Nhã - người nông dân miền Tây không ngừng đổi mới
Lò máy sấy của ông Năm Nhã (Ảnh: Kênh Youtube "Làm Giàu Từ Nông Nghiệp")

Trong suy nghĩ của ông, điều quan trọng nhất là phải làm sao để có thể giảm bớt các công đoạn và chi phí cho người nông dân. Do đó, ông đã từng bước cải tiến và sản xuất ra chiếc máy sấy tĩnh vỉ ngang có hệ thống cánh quạt tiết kiệm điện và lò đốt tiết kiệm nhiên liệu mang thương hiệu Năm Nhã. Tuy đã tạo ra rất nhiều phiên bản máy sấy đã được sản xuất, ông Năm Nhã vẫn không thực sự hài lòng. 

Bởi vậy, ông đã lăn lộn rất nhiều nơi, hỏi han nhiều người, kiếm tìm đủ cách, và tìm hiểu cả gạo sữa Campuchia để tham khảo và hiểu thêm về cách chế biến. 

Ông Năm Nhã cho biết: “Nhiều thương lái nhập lúa Lài từ Campuchia về đặt hàng mình sấy sữa. Giống lúa đó vốn có độ ẩm thấp, vì được trồng trên đồng ruộng khô, lúc thu hoạch đã khô chỉ còn 18-19% độ ẩm, nên dễ sấy sữa hơn so với các loại gạo ở Việt Nam”. Sự khác biệt này đã khiến ông cảm thấy cần phải có cách thức đặc biệt hơn để sản xuất gạo sữa xứ mình.

Cuối cùng, nhờ quá trình tìm hiểu và không ngừng học hỏi, ông đã đi đến những phát hiện bất ngờ về quy trình sấy gạo sữa.

“Nhiều khách hàng của tôi cũng đã làm về sấy sữa và họ cũng đã trao đổi kinh nghiệm đó với tôi. Tất cả những cái đó tích hợp lại, tôi mới đưa ra một quy trình sấy sữa chuẩn cho họ. Chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn của tôi thì đều sấy được gạo sữa có độ ẩm dưới 10%, tỉ lệ tấm chỉ khoảng 2-3% nhưng chi phí sản xuất vẫn ở mức phải chăng”, ông cho biết.

Những mày mò đúc kết đó đã đem lại cho ông một quy trình chế biến gạo sữa hoàn thiện mà sau đó ông đã quyết định đăng ký bảo hộ sáng chế. Nghĩ về những cơ hội mới cho “đứa con” tinh thần của mình, ông cho biết, nếu có người muốn hợp tác sản xuất thì quá trình hoạt động sẽ trở nên dễ dàng và minh bạch hơn. 

Điểm đặc biệt trong quy trình sản xuất gạo sữa mà ông Năm Nhã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế số 1-0030146 công bố vào tháng 11/2021 là việc điều chỉnh nhiệt độ sấy phù hợp bằng cách thay đổi tốc độ quạt gió. 

Trong quy trình này, người vận hành cần đảm bảo lưu lượng gió phân bố đồng đều trước khi sấy sơ bộ ở mức nhiệt khoảng 40-42oC, tiếp đến là tăng dần nhiệt ở mức 2oC/giờ cho đến khi đạt 50oC trong bước sấy tạo sữa. Cuối cùng, gạo sẽ được đưa vào bồn ủ để ổn định lúa, giúp gạo sữa thu được đồng đều, giảm tỉ lệ tấm.

Ông Năm giải thích cặn kẽ: “Với quy trình này, khối lúa đưa vào máy sấy có thể đổ cao từ 0,8-1,2m, tức là tăng năng suất sấy gấp 2-3 lần so với sấy vỉ ngang thông thường, đồng thời rút ngắn thời gian sấy tạo sữa mà không tăng nhiệt độ lên quá cao”.

Sau khi hoàn thiện được quy trình sấy gạo sữa, ông Năm Nhã đã có nhiều hoạt động quảng bá để xúc tiến thương mại cho sản phẩm máy sấy cũng như quy trình sấy gạo sữa, thu hút được sự chú ý của nhiều nhà sản xuất và cung cấp gạo trong nước, góp phần nâng giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam.