Oxfam: Nguy cơ 12.000 người chết mỗi ngày vì nạn đói từ Covid-19

Hoài An - 20:01, 10/07/2020

TheLEADERSố người chết vì nạn đói do Covid-19 được dự báo sẽ cao hơn mức tử vong do nhiễm dịch bệnh.

Có thể có đến 12.000 người chết mỗi ngày vào cuối năm nay do nạn đói liên quan đến Covid-19, nhiều hơn số người có thể chết vì đại dịch này, Oxfam cảnh báo mới đây. Mức tử vong hàng ngày vì Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu cho đến nay đạt số lượng cao nhất vào tháng 4 là khoảng hơn 10.000 ca.

121 triệu người có thể bị đẩy đến bờ vực chết đói trong năm 2020 do sự sụp đổ kinh tế và xã hội từ dịch bệnh Covid-19 như thất nghiệp hàng loạt, gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như sụt giảm viện trợ.

Ông Chema Vera, Giám đốc điều hành tạm thời của Oxfam, chia sẻ: "Covid-19 là điều tồi tệ mới nhất cho hàng triệu người đang phải vật lộn với tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng cũng như một hệ thống thực phẩm đẩy hàng triệu nhà sản xuất và công nhân vào tình trạng nghèo hơn".

Trong khi đó, những người đứng đầu vẫn đang tiếp tục tạo ra lợi nhuận khi 8 công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất trả hơn 18 tỷ USD cho các cổ đông kể từ tháng 1, ngay cả khi dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu. Con số này cao gấp 10 lần mức cần thiết để kết thúc nạn đói mà Liên hợp quốc từng đưa ra, ông Chema Vera chia sẻ.

Oxfam: Nguy cơ 12.000 người chết mỗi ngày vì nạn đói từ Covid-19
Phụ nữ và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ có nhiều khả năng rơi vào tình trạng bị đói hơn. Ảnh: Oxfam.

Oxfam cho biết 10 điểm nóng nhất thế giới về nạn đói, như Venezuela hay Nam Sudan, khủng hoảng lương thực vốn nghiêm trọng lại càng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch. Các địa điểm mới nổi về nạn đói - các quốc gia có thu nhập trung bình như Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil với hàng triệu người khó có thể tiếp cận đến - tiếp tục bị lún sâu hơn bởi sự bùng phát của Covid-19.

Đơn cử như tại Brazil, hàng triệu người lao động nghèo gần như không có tiết kiệm đã bị mất thu nhập do các lệnh phong tỏa. Chỉ 10% hỗ trợ tài chính được chính phủ hứa hẹn đã được phân bổ vào cuối tháng 6 nhưng đối tượng được ưa chuộng lại là các doanh nghiệp lớn thay vì các doanh nghiệp nhỏ hơn và những người công nhân dễ bị tổn thương.

Tại Ấn Độ, việc hạn chế đi lại khiến những người nông dân không tìm được lao động quan trọng giữa lúc cao điểm của mùa thu hoạch, buộc nhiều người phải chấp nhận để mùa màng thối rữa trên các cánh đồng. Các thương nhân cũng không thể tiếp cận nguồn mua, khiến khoảng 100 triệu người mất đi nguồn thu nhập chính trong năm.

Tại Yemen, lượng chuyển tiền đã giảm tới 80%, tương đương khoảng 253 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay do tình trạng mất việc hàng loạt. Biên giới cùng các tuyến đường cung cấp bị đóng cửa dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, tăng giá lương thực tại thị trường vốn nhập khẩu tới 90% thực phẩm.

Bà Kadidia Diallo, một nhà sản xuất sữa tại Burkina Faso - nền kinh tế thuộc khu vực Tây Phi, chia sẻ với Oxfam rằng: "Covid-19 đang tạo ra nhiều thiệt hại cho chúng tôi. Để bọn trẻ có được bữa ăn sáng đang trở nên khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào việc bán sữa và khi chợ đóng cửa, chúng tôi chẳng thể bán nữa và khi ấy chúng tôi không có gì ăn".

Oxfam lưu ý rằng phụ nữ và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ có nhiều khả năng rơi vào tình trạng bị đói hơn mặc dù vai trò chủ đạo của đối tượng này là công nhân và người sản xuất thực phẩm. Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương hơn do sự phân biệt đối xử vốn hằn sâu trong xã hội khi họ kiếm được ít tiền hơn và sở hữu ít tài sản hơn nam giới.

Phụ nữ chiếm phần lớn trong các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi sụp đổ kinh tế sau đại dịch, ví dụ như lao động không chính thức, cũng như phải đảm nhiệm nhiều hơn các công việc không được trả lương khi trường học đóng cửa hoặc gia đình lâm bệnh.

"Chính phủ các nước phải ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh chết người nhưng điều quan trọng không kém là hành động để ngăn chặn người chết đói do đại dịch", ông Vera nhấn mạnh.

Vị này cho rằng chính phủ có thể cứu sống người dân bằng cách tài trợ cho Liên hợp quốc, đảm bảo viện trợ tới được tay những người cần nhất cũng như xóa nợ cho các nước đang phát triển để bảo trợ cho xã hội và chăm sóc sức khỏe.

Để chấm dứt cuộc khủng hoảng đói khát này, các chính phủ cũng phải xây dựng hệ thống thực phẩm công bằng hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn, đặt lợi ích của các nhà sản xuất thực phẩm và công nhân trước lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn.