Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm chính sách tái chế, thu gom bắt buộc

Phạm Sơn - 11:05, 05/03/2022

TheLEADERCác quy định về công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được đặt ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn luật, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc. Nếu vi phạm, mức phạt hành chính có thể lên đến 2 tỷ đồng.

Song song với mức phạt hành chính, doanh nghiệp cũng bị bắt buộc phải nộp bù tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường, buộc phải công khai thông tin vi phạm và có thể buộc phải chấm dứt hợp đồng.

Các hành vi vi phạm có thể kể đến như không công khai, cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì; vi phạm quy định thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian tái chế; vi phạm tỷ lệ tái chế bắt buộc; vi phạm quy định nộp đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế…

Các tổ chức tái chế có các hành vi vi phạm như hợp đồng ủy quyền tái chế không đáp ứng yêu cầu; sử dụng phế liệu nhập khẩu để tái chế cho doanh nghiệp; sử dụng chung kết quả tái chế để ký hợp đồng với doanh nghiệp nhưng vẫn đề nghị hỗ trợ tái chế từ Quỹ Bảo vệ môi trường… có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng, bắt buộc khắc phục hậu quả, xóa tên khỏi danh sách đơn vị được ủy quyền tái chế và công khai thông tin vi phạm.

Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm chính sách tái chế, thu gom bắt buộc
Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm chính sách tái chế, thu gom bắt buộc 1
Các hình thức xử phạt với hành vi vi phạm công cụ EPR.

Doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tái chế được hỗ trợ chi phí mỗi năm 1 lần thông qua hợp đồng hỗ trợ tái chế. Các đơn vị này bắt buộc phải tái chế bằng hoặc cao hơn mức được đề nghị hỗ trợ.

Một điểm cần lưu ý là Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR quốc gia không ghi nhận khối lượng tái chế không đạt được quy cách đã quy định.

Thông tin trên được ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp tại buổi tập huấn thực thi công cụ EPR.

Theo ông Hùng, những quy định kể trên nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan thực hiện đúng, đầy đủ công cụ chính sách EPR. Đây là nền tảng quan trọng để EPR phát huy vai trò như kỳ vọng là đảm bảo tiết kiệm tài nguyên và hạn chế chất thải ra môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.