Phát triển tài chính tiêu dùng để kích cầu kinh tế sau đại dịch

Tùng Anh - 09:29, 23/05/2020

TheLEADERPhát triển tài chính tiêu dùng là một trong những giải pháp thiết thực để kích cầu tiêu dùng trong và sau khủng hoảng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn tái khởi động nền kinh tế hiện nay, trước hết nhằm củng cố thị trường trong nước, sau đó vươn ra thị trường nước ngoài. 

Phát triển tài chính tiêu dùng để kích cầu kinh tế sau đại dịch
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư

Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó ông Phương nhấn mạnh giải pháp phát triển tài chính tiêu dùng.

Lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2019 đã có 18 công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có sáu công ty nước ngoài.

Ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cho vay rất cao, bình quân 29% mỗi năm, quy mô thị trường liên tục tăng mạnh, ước tính từ mức 646 nghìn tỷ đồng năm 2016 lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. 

Tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng của thị trường vẫn còn rất lớn bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%. Đây là con số còn khá thấp so với bình quân ở các nước phát triển đạt 40 - 50%.

Theo đánh giá của PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt. 

Một tỷ lệ lớn khách hàng có thu nhập thấp, có nhu cầu vay tiêu dùng chưa tiếp cận được các ngân hàng thương mại và công ty tài chính, cho thấy dư địa cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng còn rất lớn.

Đáng chú ý, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính SHB (SHB Finance) cho biết, đối tượng khách hàng của tổ chức tín dụng chính là người lao động phân khúc trung bình thấp là nhóm dễ bị tổn thương, mất hoặc giảm thu nhập khi doanh nghiệp bất ổn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo lại công ăn việc làm cho người lao động thì bài toán dần dần được tháo gỡ. SHB Finance dự báo nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5/2020.

Về cơ hội, giai đoạn sau dịch Covid-19 sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong việc phát triển kinh doanh, là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động kinh doanh phù hợp và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí và đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới.

Theo ông Đức, việc phát triển tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới hiện đang gặp năm vấn đề lớn. Thứ nhất, cho vay tiêu dùng luôn phải đối diện với nguy cơ rủi ro cao khi chủ yếu là cho vay tín chấp phần lớn do các công ty tài chính triển khai.

Việc phát triển cho vay tiêu dùng trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những điều chỉnh để khuyến khích các ngân hàng thương mại gia tăng cho vay tiêu dùng khi có thể đảm bảo về chất lượng tín dụng và cân đối với khả năng chịu đựng tổn thất.

Phát triển thị trường tài chính tiêu dùng giai đoạn tái khởi động nền kinh tế
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức (Ảnh: Chí Cường)

Thứ hai, khác với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam chỉ có hai sản phẩm phổ biến gồm cho vay mua nhà (đầu tư bất động sản), vay sửa nhà với tỷ lệ gần 50% dư nợ tín dụng tiêu dùng, vay để mua ô tô chỉ khoảng 10%. Trong khi thẻ tín dụng và cho vay sinh viên lại chưa phổ biến.

Thứ ba, tín dụng tiêu dùng tập trung vào nhu cầu mua và sửa nhà, mua ô tô, các phương tiện đi lại và mua hàng điện máy, điện tử nhưng việc mở rộng dư nợ những sản phẩm cho vay này đang gặp một số khó khăn.

Thứ tư, ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay. 

Trong khi đó, cho vay bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước.

Thứ năm, dịch Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với tín dụng tiêu dùng, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ của các công ty tài chính cũng như của các ngân hàng thương mại.

Trong tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - cơ hội cho tài chính tiêu dùng" do báo Đầu tư tổ chức, ông Đức đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2020 - 2025 đối với các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại.

Một là, xây dựng và phát triển chương trình cho vay tiêu dùng với những mục tiêu, khách hàng và sản phẩm mới một cách có chọn lọc và cụ thể.

Hai là, nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng tiêu dùng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải thực sự am hiểu về những đặc điểm về nhu cầu và tâm lý khách hàng để có thể tư vấn một cách đầy đủ, chính xác và hiệu quả nhất.

Ba là, nghiên cứu thiết kế các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ứng dụng công nghệ tài chính để thỏa mãn nhu cầu tài chính chính đáng của các đối tượng khách hàng mục tiêu. Song song với phương thức cho vay truyền thống, các công ty tài chính và ngân hàng thương mại nên triển khai thí điểm các sản phẩm cho vay ứng dụng công nghệ fintech cũng như tạo ra một nền tảng giống như các công ty cho vay ngang hàng. Tăng tiện ích, tiết giảm chi phí giúp giảm lãi suất cho vay.

Bốn là, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để vừa có thể khuyến khích nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trước hết, cần nghiên cứu và công bố một chương trình cho vay tiêu dùng hỗ trợ người dân có nhu cầu vượt qua khó khăn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Song song với hoàn thiện các quy định hiện hành về tín dụng tiêu dùng, theo ông Đức, cơ quan quản lý cần bổ sung thêm một số quy định mới nhằm hỗ trợ về cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng.

Phát triển thị trường tài chính tiêu dùng giai đoạn tái khởi động nền kinh tế 1
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV (Ảnh: Chí Cường)

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế rủi ro tập trung vào số ít công ty tài chính lớn. 

Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm - dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Việc này không chỉ giúp cho các công ty tài chính có thể hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, mà còn giúp cho tất cả các tổ chức tài chính khác đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ số (tài chính số, ngân hàng số, nhận diện số, phân tích khách hàng…) để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Đối với các công ty tài chính tiêu dùng, ông Lực cho rằng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp.

Tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, qua đó tăng sức cạnh tranh so với các mô hình kinh doanh mới như fintech, cho vay ngang hàng… cũng là giải pháp được ông Lực lưu ý.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng các công ty tài chính cần chú trọng quản trị rủi ro tín dụng, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay, đưa về mức hợp lý để thu hút người dân tăng vay tiêu dùng và giảm rủi ro không trả được nợ, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững.