Phòng dịch cực đoan ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế

Phạm Sơn - 17:19, 22/07/2021

TheLEADERCác chuyên gia nhận xét, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại một số địa phương đang tỏ ra lúng túng và thái quá, có thể tiềm ẩn nguy cơ cản trở nền kinh tế.

Phòng dịch cực đoan ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế
Nền kinh tế gặp nhiều rủi ro với đợt bùng phát dịch mới. Ảnh: Lao động.

Duy trì ‘mục tiêu kép’

Kết thúc năm 2020, Việt Nam trở thành điểm sáng khi khống chế thành công sự lây lan của dịch bệnh, duy trì mức tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề.

Theo ông Anh, những thành công bước đầu là động lực và lợi thế quan trọng cho công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do chưa thể lường trước được những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt khi biến thể Delta xuất hiện, khi những đợt dịch mới bùng phát, nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu sẵn sàng, thiếu nhất quán trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh.

Điều này thể hiện ở một số biện pháp phòng dịch tương đối cực đoan và thái quá ở các địa phương, điển hình như việc Quảng Ninh yêu cầu tất cả người vào tỉnh phải có xét nghiệm PCR, bao gồm cả người đã tiêm chung 2 mũi vắc xin, hay hình ảnh đoàn xe container xếp hàng dài cả ki lô mét đợi nhập cảng Hải Phòng.

Cùng với sự chậm trễ trong triển khai vắc xin và nhiều bất cập trong các điểm khai báo y tế, nguy cơ bùng dịch và những rủi ro làm đứt gãy chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa, gây tốn kém, tốn thời gian, tổn thương quá trình phục hồi là hoàn toàn hiện hữu.

Đồng quan điểm với ông Anh, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến khó lường, phương thức chống dịch của Việt Nam phần nào thể hiện sự lúng túng và thiếu nhất quán. Tốc độ triển khai vắc xin của Việt Nam cũng đang chậm trễ hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới.

Nhiều nguy cơ đặt ra đối với sự an toàn của người dân cũng như triển vọng phục hồi kinh tế, ông Lực nhận định, tùy vào từng thời điểm, các địa phương có thể đặt ra những ưu tiên, tuy nhiên bằng mọi giá phải kiên định với “mục tiêu kép”.

“Nếu chỉ có chăm chăm chống dịch thái quá khiến người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với nhóm lao động tự do, người yếu thế, không có tích lũy, tiết kiệm”, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV đặt vấn đề.

Vắc xin không phải giải pháp duy nhất

Mở rộng quy mô và tốc độ triển khai tiêm chủng vắc xin đang là chiến lược được Nhà nước áp dụng, với kỳ vọng sớm dập tắt và ngăn ngừa Covid-19 lây lan, tạo tiền đề ổn định đời sống, ổn định sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, vắc xin có thể không phải là giải pháp vẹn toàn để chống lại đại dịch.

“Nếu tính trung bình vắc xin có 90% hiệu lực và đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu đối với những người chưa được tiêm chủng và 10% những người đã tiêm chủng. Như vậy nền kinh tế vẫn không thể vận hành bình thường như thời điểm trước đại dịch”, ông Bảo đặt vấn đề.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cần có những giải pháp dựa trên động lực chắc chắn để thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng. Một số giải pháp phải được duy trì thực hiện là hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, lao động tự do và người yếu thế.

Về điều này, TS. Lực cũng đề xuất cần có những gói hỗ trợ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, hỗ trợ một cách có trọng tâm. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cần thiết có một gói hỗ trợ tín dụng trị giá khoảng 50 – 60 nghìn tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ từ 3 – 4% lãi suất cho doanh nghiệp.

Thực hiện phương án này, ngân sách chỉ cần chi ra khoảng 3 nghìn tỷ đồng cho hỗ trợ lãi suất nhưng tạo được cú hích rất lớn cho nền kinh tế.