Phòng vệ thương mại: Chiếc phao giúp doanh nghiệp bơi ra biển lớn

Phạm Sơn - 15:08, 27/10/2020

TheLEADERTrong bối cảnh thực hiện cam kết ngày càng cao của các hiệp định tự do thương mại (FTA), bức tranh của hội nhập, toàn cầu hóa được khắc họa rõ nét với cả những tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội. Lúc này, phòng vệ thương mại trở thành công cụ giúp doanh nghiệp tự vệ trước sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ thị trường quốc tế.

Phòng vệ thương mại: Chiếc phao giúp doanh nghiệp bơi ra biển lớn
Các chuyên gia tại hội thảo Phòng vệ thương mại: công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại hội thảo Phòng vệ thương mại: công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, phòng vệ thương mại là hoàn toàn hợp pháp, được sử dụng với mục đích điều chỉnh lại những chiêu trò cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thương mại quốc tế.

Ông Dũng khẳng định, phòng vệ thương mại không phải là công cụ bảo hộ thương mại, gây méo mó tự do thương mại như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại còn đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra công bằng và thuận lợi hơn.

Đặc biệt, khi những hàng rào thuế quan dần bị xóa bỏ, những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ quốc tế gây ra nhiều thiệt hại hơn cho doanh nghiệp nội địa, vai trò của công cụ phòng vệ thương mại cần được doanh nghiệp cũng như chính phủ nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Trong bối cảnh hội nhập, phòng vệ thương mại được ví như chiếc phao giúp doanh nghiệp bơi ra biển lớn.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế phát triển và hội nhập sâu rộng, phòng vệ thương mại được sử dụng rất phổ biến với những quy chế, quy định riêng, rõ ràng và nghiêm ngặt.

Từ những lý do trên, ông Dũng đề nghị doanh nghiệp cần xác định phòng vệ thương mại là điều bình thường, thậm chí là yếu tố bắt buộc trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Đồng quan điểm với ông Dũng, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra thực trạng đáng lo ngại rằng các quốc gia là nguồn cung ứng chính cho Việt Nam cũng là các quốc gia bị kiện về phòng vệ thương mại gần như là nhiều nhất trên thế giới.

“Nếu như hàng hóa của họ có thể cạnh tranh không lành mạnh ở các nước, thì cũng chẳng có lý gì họ sẽ không cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam”, bà Trang nhận xét.

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu và tìm cách sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nếu như cảm thấy lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm.

Lý giải về điều này, bà Trang cho biết, phòng vệ thương mại là một quy trình, có sự mâu thuẫn giữa các nhóm về mặt lợi ích. Khi thực hiện biện pháp phòng vệ thương mại, cơ quan điều tra cần phải tìm hiểu xem lợi ích nào là lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang bị phương hại.

Như vậy, các công cụ phòng vệ thương mại giống như “việc dân sự cốt ở đôi bên”, hoàn toàn nằm trong tay của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cảm thấy bị đe dọa, bị đối xử bất công thì cần lên tiếng, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho cơ quan chức năng để được bảo vệ kịp thời, tránh tạo ra những thương tổn lâu dài.

Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, thực tế có nhiều trường hợp phòng vệ thương mại đã phát huy vai trò, giúp vực dậy nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.

Ví dụ điển hình là vụ việc năm 2018, 18 trong số 20 doanh nghiệp sản xuất nhôm thanh định hình báo lỗ nghiêm trọng khi sản phẩm tương tự từ Trung Quốc tràn vào thị trường với mức giá rẻ hơn cả giá nhập nguyên vật liệu đầu vào.

Sau khi Bộ Công thương điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá cho sản phẩm nhôm thanh định hình Trung Quốc, chỉ sau 1 năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kể trên đã được cải thiện rất nhiều, chỉ còn một số ít doanh nghiệp chịu lỗ lũy kế.

Trên góc độ vĩ mô, công cụ phòng vệ thương mại giúp tăng thu ngân sách ước tính lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm, bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước tương đương với 6% tổng GDP và giảm nguy cơ hàng Việt Nam bị điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Từ những lợi ích kể trên, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai xây dựng đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập và dự thảo thông tư Hướng dẫn thực hiện hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) về phòng vệ thương mại.

Hiện tại, đề án và thông tư trên đang được chia sẻ rộng rãi nhằm tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp cũng như cơ quan liên quan để việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đạt được hiệu quả cao nhất, phát huy vai trò bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, bảo vệ sự lành mạnh trong quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế của đất nước.