'Phú Quốc cần đứng ở đẳng cấp cao nhất về thể chế'

An Chi - 09:23, 15/01/2021

TheLEADERPhú Quốc cần một thể chế đặc thù, tăng thêm tính tự chủ để bứt tốc, vươn lên trở thành một trung tâm phát triển đẳng cấp thế giới.

'Phú Quốc cần đứng ở đẳng cấp cao nhất về thể chế'
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với TheLEADER, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, việc "mặc đồng phục" thể chế cùng với các địa phương khác cho Phú Quốc sẽ là rất đáng tiếc.

Việc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Phú Quốc, thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Giống như tên gọi của vùng đất này - Đảo Ngọc, vẻ đẹp của Phú Quốc như một điều “tự nhiên - tự hữu”, vốn có. Nó hàm ý vẻ đẹp mà tạo hóa dành cho Phú Quốc - một báu vật mà Việt Nam còn giữ lại được cho thế giới.

Tên gọi đó cũng quy định sứ mệnh và chức năng của Phú Quốc là hòn đảo dành cho phát triển du lịch, khám phá, kiến tạo và tận hưởng cuộc sống tốt đẹp ở trình độ cao bậc nhất.

Do đó, việc Phú Quốc bị chậm một nhịp trong nỗ lực trở thành một trung tâm phát triển của cả nước khi không được chấp nhận hưởng quy chế đặc khu hành chính – kinh tế cấp quốc gia, không làm thay đổi xu thế và quỹ đạo phát triển gần như là định mệnh của nơi đây. 

Mới đây, Phú Quốc đã trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Đây chính là sự khẳng định tiềm năng, sức phát triển mạnh mẽ của Đảo Ngọc, một thành phố với chức năng – đặc thù chưa từng ở Việt Nam.

Dù xuất phát muộn, Phú Quốc đã và đang thực sự bước vào cuộc đua tranh phát triển toàn cầu ở cấp độ cao nhất trong thể loại chức năng của mình, với năng lực và khát vọng to lớn. Điều này cũng mở ra cơ hội rất lớn cho Phú Quốc trong tương lai gần.

Việc xác định mục tiêu trở thành trung tâm phát triển đẳng cấp quốc tế vừa là cơ hội nhưng đi cùng với đó cũng là thách thức không nhỏ đối với Phú Quốc. Theo ông, cần có cơ chế chính sách như thế nào để Phú Quốc mặc dù "đi sau" nhưng không "đi theo" các mô hình thành phố biển đảo thành công trên thế giới?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đây là câu chuyện vốn đã được đưa ra và thảo luận sôi nổi trong suốt một thời gian dài. Trước đây, Chính phủ từng đề xuất phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, đây là hướng đi ưu tiên xây dựng hệ thống thể chế dựa trên nền tảng quản lý của đặc khu và đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào Đảo Ngọc.

Đáng tiếc là cuối cùng, dự luật này chưa được thông qua. Song, đó cũng là một việc có ý nghĩa để chúng ta rút kinh nghiệm.

Tôi cho rằng, đối với Phú Quốc hiện nay, tư tưởng về một thể chế thông thoáng hơn vẫn nên tiếp tục vì nó đúng đắn với mục đích phát triển. Phú Quốc cần đứng ở đẳng cấp cao nhất không chỉ về nền tảng cơ sở vật chất kĩ thuật hay hạ tầng đô thị mà cả về thể chế thì nó mới phát triển ở mức cao nhất được.

Thế nên, với khát vọng, mục tiêu đưa Phú Quốc vươn lên trở thành một trung tâm phát triển đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới, trước hết, cơ chế, thể chế quản lý đối với thành phố đảo này phải theo hướng tăng thêm tự chủ, bảo đảm phát huy năng lực chủ động sáng tạo.

Không có quyền thì không chủ động được, mà không chủ động thì khó sáng tạo lắm. Tôi cho rằng, đây là điểm mấu chốt để phát triển TP. Phú Quốc trong tương lai. Có làm được như vậy thì thành phố này mới có thể bứt lên nhanh chóng.

Phú Quốc khác tất cả các địa phương khác. Nơi đây có những điều kiện phát triển, chức năng phát triển rất đặc thù. Nó có những khát vọng to lớn phải thực hiện bằng được. Muốn làm được những việc đấy thì phải có thể chế đảm bảo cho nó phải khác thường.

Nếu không quan tâm đến yếu tố này để Phú Quốc phải đi cùng với "đồng đội" trong đất liền, cùng đi một "đội hình" cơ chế, thể chế như các địa phương khác thì đấy chính là sự cản trở rất đáng tiếc để phát triển trong tương lai.

Liệu mục tiêu phát triển sánh ngang với thế giới có quá sức với Phú Quốc không thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chúng ta không thể "một bước lên tiên" được, nhưng phải dám đặt mục tiêu. Ví dụ như 2 năm tới Phú Quốc sẽ phải có những phát triển bước đầu, 5 năm tới phải tiến xa hơn, phải tiến kịp và 10 năm sau phải vượt thế giới. 

Mọi thứ phải có bước phát triển theo lộ trình, giai đoạn cụ thể chứ không thể "một tấc lên trời". 

Hơn nữa, Phú Quốc hoàn toàn có thể vượt được nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới với lợi thế "đi sau". Rõ ràng, nơi đây có tiềm năng du lịch với vẻ đẹp thiên nhiên hạng nhất rồi, giờ thêm lợi thế đi sau nếu biết cách thì sẽ vượt lên được.

Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với thế giới nếu chúng ta tập trung và quyết tâm thực hiện. 

Theo đó, trước hết Phú Quốc có thuận lợi rất lớn là một trong những điểm đến đẹp nhất thế giới. Trên thế giới những điểm đến như vậy rất ít, hơn nữa đều đã được định hình rồi thì tại sao điểm đến này của Việt Nam không làm khác đi. 

Chúng ta phải tạo ra một thiên đường mới của thế giới, đẳng cấp hơn những điểm đến vốn đã nổi tiếng trước đây. Nếu làm được như thế, Phú Quốc sẽ phát triển rất nhanh và thành công vượt mong đợi. 

Thứ hai, ở Phú Quốc không chỉ có biển đảo, khí hậu, thời tiết mà còn có những con người hồn hậu, đàng hoàng, nghĩa khí, trung thực. Đây chính là thế mạnh của Phú Quốc trong phát triển du lịch.

Thứ ba, đối với Phú Quốc, tư duy phát triển vượt bậc đã thấm đẫm vào các tập đoàn lớn của Việt Nam như cách mà Sun Group, Vingroup... đang đầu tư vào nơi đây. Đây chính là những "đại bàng quốc tịch Việt" sẽ giúp Phú Quốc "bay" lên, sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Vấn đề còn lại nằm ở thể chế chính sách như thế nào để đừng cản trở, trói buộc, đừng đặt các tập đoàn kinh tế này vào tình thế rủi ro chính sách để họ phát triển và đưa Phú Quốc vươn lên.

Xin cám ơn ông!