Rào cản hiện thực hóa khát vọng thu nhập cao

Phương Anh - 16:22, 05/05/2022

TheLEADERTiếp tục con đường phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đòi hỏi phải nâng cao năng suất của từng người lao động, từ đó Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia thu nhập cao.

Động lực chính duy trì tăng trưởng bền vững

Theo World Bank (Ngân hàng Thế giới), trong nửa thế kỷ qua, chỉ một số ít các nền kinh tế đang phát triển đã thành công trong bước nhảy vọt lên vị thế thu nhập cao.

Thành công này phần nào dựa vào chuyển đổi cơ cấu liên tục để chuyển sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn và hiện đại hơn. Người dân có trình độ học vấn và kỹ năng để sẵn sàng đảm nhận những công việc phức tạp hơn nhưng đem lại năng suất cao hơn, bên cạnh khả năng quản lý rủi ro hiệu quả.

Thực tế này minh chứng rằng vốn nhân lực – là sự kết hợp giữa các yếu tố giáo dục, kỹ năng và sức khỏe, về cơ bản có tính chất quyết định đến năng suất lao động – đã và đang là động lực chính để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Tiếp tục con đường phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đòi hỏi phải nâng cao năng suất của từng người lao động, Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia thu nhập cao”, World Bank nhấn mạnh trong báo cáo mới đây.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman đã tổng kết tầm quan trọng của năng suất đối với kinh tế học phát triển: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả. Liệu một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống về lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người lao động của quốc gia đó”.

a
Nguồn: World Bank.

Trong điều kiện tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn 2012 – 2018, và trong điều kiện dân số tiếp tục già hóa theo dự báo, số lượng lao động sẽ giảm. Do đó, năng suất của những người đang làm việc sẽ cần được tăng lên mới có thể duy trì tăng trưởng.

Theo tính toán, tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế từ năm 1991 đến năm 2018 là 5,6%/năm; và con số này cần được nâng lên mức 6,7% từ nay đến năm 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao.

Để đạt được mức đó, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần tăng từ 5,3% mỗi năm trong giai đoạn 2012 – 2018 – mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua – lên 6,6% mỗi năm. Điều này có nghĩa rằng Việt Nam phải duy trì mức gia tăng khoảng 20% mỗi năm.

Với tốc độ tăng được duy trì như từ năm 2012 đến 2018, Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, nhưng sẽ vẫn còn thiếu khoảng 4.000 USD so với mức thu nhập cao.

Những ‘điểm xám’

World Bank nhận định các thách thức hiện nay bao gồm tỷ lệ tốt nghiệp thấp gia tăng ở các cấp học cao hơn, tỷ lệ lao động trong khu phi chính thức vẫn còn cao, năng suất lao động còn thấp, mức lương thấp, kỹ năng thấp và dân số đang già hóa.

Đơn cử, lao động trong khu vực phi chính thức đã giảm nhưng vẫn còn phổ biến. Trong năm 2020, chỉ có 23,5% hộ gia đình có thành viên có việc làm theo hợp đồng hưởng lương chính thức.

Thách thức để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn được phản ánh trong các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Giới trẻ Việt Nam ngày nay có trình độ học vấn tốt hơn so với các thế hệ trước, nhưng một số chỉ số cho thấy hiện có những vấn đề trong quá trình chuyển sang những việc làm có kỹ năng cao hơn, nếu không tiếp tục cải cách về giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động.

Mặc dù có tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học cao hơn, nhóm dân số trẻ vẫn chủ yếu làm trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng trung bình – tỷ lệ này cao hơn so với nhóm dân số trẻ ở các quốc gia khác trong khu vực, World Bank cho biết.

Các nhà sử dụng lao động ở Việt Nam cũng cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng. Theo khảo sát doanh nghiệp về chủ đề kỹ năng và đổi mới của World Bank năm 2019 tại Việt Nam, 22% cán bộ quản lý cho biết trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là lực lược lao động có đủ trình độ.

Ngoài ra, thách thức không chỉ nằm ở cung lao động, khu vực tư nhân trong nước phải đối mặt với những thách thức về đổi mới sáng tạo và cạnh tranh.

Rào cản hiện thực hóa khát vọng thu nhập cao 1
Lợi thế của Việt Nam hiện nay là vẫn còn đủ thời gian để tái khởi động tăng năng suất lao động mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng thu nhập vào năm 2035.

So sánh giữa các thời kỳ phát triển cũng chỉ ra một số vấn đề trong năng suất của lao động Việt Nam, khi tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) – yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng năng suất lao động trong những năm 1990, đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn sau năm 2000, và tốc độ giảm ở hầu hết khu vực kinh tế.

Theo báo cáo “Việt Nam 2035”, tăng trưởng GDP từ đầu những năm 2000 đạt được nhờ các yếu tố bù đắp cho sự yếu kém và sụt giảm của mức tăng năng suất, nhưng hiện nay, các yếu tố này đã chạm tới ngưỡng giới hạn tự nhiên.

Cụ thể, mức tăng năng suất lao động vốn dĩ thấp và đang suy giảm trong toàn bộ nền kinh tế được bù đắp bởi lực lượng lao động tăng nhanh.

Trong khi đó, tăng năng suất lao động tại các ngành được bù đắp bởi sự chuyển dịch cơ cấu trên quy mô lớn; còn năng suất nhân tố tổng hợp TFP giảm và thấp được thay thế bởi sự gia tăng tích lũy vốn.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, World Bank dự báo tác động đối với tăng trưởng kinh tế nói chung của mỗi một nhân tố nêu trên sẽ giảm mạnh hơn so với tác động lên xu hướng năng suất. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ kém thuận lợi hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Lợi thế của Việt Nam hiện nay là vẫn còn đủ thời gian để tái khởi động tăng năng suất lao động mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng thu nhập vào năm 2035.

“Chương trình cải cách trong trường hợp của Việt Nam không chỉ đòi hỏi toàn diện do sự suy giảm tăng năng suất, mà còn phải phân kỳ một cách cẩn trọng với tầm nhìn sâu sắc về tăng trưởng dài hạn”, World Bank nhấn mạnh.

Nghị quyết 54 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu:

- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm.

- Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra, như hoàn thiện khung pháp luật về phát triển thị trường lao động, nhân rộng đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao, trong đó tập trung đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao từ nước ngoài.

Bộ Giáo dục và đào tạo được giao chủ trì xây dựng Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học; tăng ứng dụng công nghệ 4.0 và chú trọng kết nối giữa các trường đại học với địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.