Rào cản quy định bủa vây điện khí

Nhật Minh - 09:18, 21/10/2022

TheLEADERMặc dù đóng vai trò chuyển tiếp quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, điện khí lại khó có thể phát triển khi vấp phải hàng loạt khó khăn trong quy định pháp lý.

Xu hướng chuyển dịch năng lượng

Hiện nay, chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng đáng chú ý trên thế giới, xuất phát từ những động lực về môi trường, như hiện tượng nóng lên toàn cầu do CO2 – phần lớn đến từ ngành năng lượng, và động lực về kinh tế - xã hội, khi các quốc gia muốn giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.

Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình này, kéo theo sự thay đổi của nhiều ngành, nghề nhằm thích ứng với sự biến đổi của thị trường, yêu cầu của xã hội.

Đơn cử, liên quan đến ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, nhu cầu cho một số loại khoáng sản tăng vì chuyển dịch năng lượng. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết kể từ năm 2010, lượng khoáng sản trung bình cần thiết cho một đơn vị công suất phát điện mới đã tăng 50% do tỷ trọng năng lượng tái tạo trong đầu tư mới tăng lên.

Nghiên cứu “Xu hướng dịch chuyển năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí tại Việt Nam” mới đây dẫn dữ liệu cho biết vào năm 2050, nhu cầu cho các loại khoáng sản phục vụ cho ngành chế tạo pin lưu trữ như than chì, lithitum, coban sẽ phải tăng gần gấp 5 lần so với mức hiện tại.

Cùng với đó là sự dịch chuyển của thị trường lao động. IEA dự báo nếu các quốc gia thực hiện đúng cam kết, tới năm 2030, năng lượng tái tạo có thể tạo ra 10,3 triệu việc làm, và con số này có thể tăng lên mức 22,7 triệu công việc.

Tại buổi công bố kết quả nghiên cứu tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), Phó giám đốc VESS Phạm Văn Long đánh giá Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới, khi đây là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ nước biển dâng.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế nhanh, cộng với tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa dựa nhiều vào than và dầu đã khiến Việt Nam tạo ra một lượng lớn phát thải khí nhà kính.

a
Mức độ sẵn sàng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam và trung bình toàn cầu, 2021. Nguồn: WEF.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn là quốc gia tiêu thụ điện hàng đầu trong khu vực và thế giới, trong khi nguồn thủy điện đã đạt tới giới hạn phát triển, điện than lại gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Bởi những lý do trên, Việt Nam cần chuyển dịch dần sang năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và lựa chọn một giải pháp xanh hơn cho ngành năng lượng, ông Long phân tích.

Nhiều nút thắt với ngành dầu khí trong bối cảnh mới

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trình bản cập nhật của Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) lên UNFCCC vào năm 2020. Ngành điện và ngành giao thông vận tải được đánh giá là hai ngành có xu hướng thay đổi nhiều nhất để đáp ứng với những cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, dầu khí – với chức năng cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các ngành trên – đối mặt với không ít thách thức trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, ông Long đánh giá.

Cụ thể, phần lớn mỏ dầu khí đã phát hiện tại Việt Nam đều là mỏ cận biên, và với tốc độ khai thác như hiện nay, các mỏ sẽ đứng trước nguy cơ cạn kiệt chỉ trong vòng vài chục năm nữa.

Do đó, việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát hiện, thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí mới đã và đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến các loại dầu khí phi truyền thống, như trong Dự thảo Luật dầu khí sửa đổi mới nhất. 

a 1
Cơ cấu nguồn điện trong tổng sản lượng điện của Việt Nam, 2020-45 (%). Nguồn: VESS.

Dự thảo cũng cho thấy luật mới chỉ quy định các hoạt động ở khâu thượng nguồn, mà không quy định các hoạt động trung và hạ nguồn. Việc này sẽ gây ra hiện tượng xung đột, chồng chéo trong quá trình quản lý chuỗi giá trị dầu khí.

Do vậy, theo ông Long, cần đưa vào dự thảo các quy định liên quan đến hoạt động dầu khí ở khâu trung và hạ nguồn.

Vấn đề tiếp theo là việc đẩy mạnh ưu đãi thuế không chắc đã giúp cải thiện thu hút đầu tư vào các dự án dầu khí.

Theo Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, đối với các dự án đặc biệt ưu đãi đãi, nhà đầu tư có thể được áp dụng mức giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% đến tối đa 50%.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm qua, mức thuế suất trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020 trong cuộc đua hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, việc giảm thuế suất của Việt Nam được cho là sẽ không hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhân tố quyết định trong lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề thứ tư là chưa có quy định pháp luật về các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, phương thức giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hợp đồng dầu khí chủ yếu thông qua cơ chế trọng tài quốc tế và các cam kết trong hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho việc giải quyết tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là đối với Việt Nam trong giai đoạn này, điện khí vẫn là nhân tố quan trọng giúp thay thế dần các nguồn nhiệt điện than, hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn khí LNG nhập khẩu không phải là giải pháp bền vững, không chỉ bởi biến động giá trên thị trường quốc tế, mà còn bởi yêu cầu về nguồn vốn lớn cho cơ sở vật chất chuyên dụng, và rủi ro cao trong khâu vận hành.

Vì vậy, “Việt Nam cần phải tăng cường khai thác các mỏ khí đốt tiềm năng của mình thay vì duy trì sản lượng hiện nay như Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang đề xuất”, kết quả nghiên cứu nhấn mạnh.