Tiêu điểm
Sáu giải pháp của Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả bão Yagi
Chính phủ ban hành giải pháp khắc phục bão Yagi như giảm lãi suất, miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi).
Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng hỗ trợ gồm người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và 10/2024, nhưng một số chính sách cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp có thể kéo dài đến hết năm 2025 để phù hợp với quá trình phục hồi và yếu tố mùa vụ sản xuất kinh doanh.
Quan điểm của Chính phủ là các chính sách hỗ trợ cần được triển khai kịp thời, hiệu quả và trực tiếp đến các đối tượng chịu ảnh hưởng. Quá trình thực hiện phải đảm bảo sự đơn giản về thủ tục, dễ kiểm tra, giám sát và đánh giá. Điều này nhằm tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, tránh thất thoát, tiêu cực và lãng phí.
Chính phủ đã đề ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình người dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ khôi phục nhanh sản xuất kinh doanh
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo và có kế hoạch linh hoạt để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão.
Các biện pháp bao gồm hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và vật tư cần thiết. Đồng thời, bộ sẽ kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ chứa bị hư hỏng, đề xuất kinh phí khắc phục để đảm bảo an toàn.
Bộ Tài chính thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, và gia hạn các khoản tiền thuê đất, thuê mặt nước cho những đối tượng bị ảnh hưởng.
Các công ty bảo hiểm cũng được yêu cầu rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng. Trước mắt tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2024 về các phương án phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Các tổ chức tín dụng sẽ cơ cấu lại thời hạn, xem xét miễn giảm lãi vay và cung cấp các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi cho khách hàng khôi phục sản xuất.
Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính để bổ sung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Nếu cần, bộ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Bộ Công thương nghiên cứu các chính sách để khôi phục nhanh các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng, đồng thời xem xét việc áp dụng giá điện ưu đãi cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.
Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn các địa phương trục vớt tàu bị đắm do bão để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và hỗ trợ doanh nghiệp sửa chữa, phục hồi hoạt động du lịch.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với địa phương giảm 80% tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành bị ảnh hưởng, kéo dài đến tháng 6/2025.
Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng, rà soát thiệt hại của khách hàng và đề xuất nguồn vốn hỗ trợ vay mới.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Các bộ, ngành và địa phương rà soát, kiểm tra tình trạng công trình đang thi công, di dời hoặc sửa chữa các hư hỏng sau bão để đảm bảo an toàn cho việc thi công trở lại.
Nhóm giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, và địa phương phải nắm rõ tình hình thị trường, giá cả hàng hóa và đưa ra các biện pháp kịp thời để giữ ổn định.
Các cơ quan chức năng cần thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn cung và tăng cường giám sát quản lý giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp.
Đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhất là ở các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đảm bảo không để xảy ra thiếu hụt trong những tháng cuối năm.
Triệt để tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên, để dành nguồn lực cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, kết nối các vùng, khu vực quốc tế.
Tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đẩy mạnh ký kết các FTA mới và mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, và các sản phẩm Halal.
Bên cạnh duy trì các động lực tăng trưởng truyền thống, cần tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và các lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng sạch, hydrogen...
Giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai bị ảnh hưởng bởi các kết luận thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ.
Nhóm giải pháp nhằm bảo vệ tính mạng, an toàn và sức khỏe người dân
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ huy động tối đa các lực lượng để tìm kiếm người mất tích, tổ chức sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm và bảo đảm tiếp tế hàng hóa cứu trợ kịp thời.
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan để huy động đầy đủ lực lượng y tế, cung cấp thuốc men và vật tư y tế nhằm chữa trị cho người bị thương, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ. Công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng.
Bộ Tài chính và các địa phương đảm bảo nguồn ngân sách để hỗ trợ mai táng cho người thiệt mạng, cũng như hỗ trợ các gia đình có người mất tích hoặc bị thương. Các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao sẽ được di dời khẩn cấp, hoàn thành trước ngày 30/9/2024.
Đồng thời, bộ khẩn trương xuất cấp phát lương thực, vật tư, hóa chất và các trang thiết bị cần thiết từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt và khử trùng nguồn nước sinh hoạt.
Các địa phương cùng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ tập trung kiểm tra, rà soát và bằng mọi cách tiếp cận các khu vực còn bị chia cắt. Ưu tiên cứu trợ, cung cấp nơi ở tạm thời, lương thực, nước sạch cho người dân mất nhà do bão.
Nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ khôi phục đời sống xã hội
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đánh giá mức độ thiệt hại tại các địa phương và đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Các báo cáo sẽ được gửi đến Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và trình Thủ tướng quyết định việc phân bổ ngân sách dự phòng từ Trung ương.
Các bộ liên quan như Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Xây dựng, và các cơ quan địa phương sẽ nâng mức hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo có nhà bị sập, hư hỏng.
Nguồn ngân sách hỗ trợ đến từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, Quỹ Vì người nghèo và các nguồn xã hội hóa. Chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai nhanh chóng, kịp thời dựa trên mức độ thiệt hại cụ thể.
Các bộ như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Ngoại giao sẽ vận động các đối tác và tổ chức quốc tế để huy động nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng. Việc hỗ trợ này nhằm giúp đỡ người dân một cách kịp thời và hiệu quả.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn và doanh nghiệp dồn lực khôi phục hạ tầng quan trọng như điện, nước, viễn thông. Điều này nhằm đảm bảo người dân không gặp gián đoạn về nhu cầu sinh hoạt và liên lạc.
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để sửa chữa các công trình công cộng như trường học, bệnh viện và hệ thống thủy lợi. Các hạ tầng giao thông quan trọng sẽ được khôi phục để đảm bảo kết nối cho các khu vực bị cô lập do bão lũ.
Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp sẽ theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa tại các khu vực bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cần kiểm soát giá cả để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng và trục lợi từ thiên tai.
Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương để miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão trong năm học 2024-2025, giúp đảm bảo quyền lợi giáo dục cho các em.
Bộ Công an sẽ tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ chủ động ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình thiên tai để gây bất ổn xã hội và phát tán thông tin sai lệch trên mạng.
Nhóm giải pháp ứng phó thiên tai trong thời gian tới
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa Phương sẽ tiến hành rà soát các thôn, bản bị vùi lấp, đảm bảo tái định cư an toàn cho người dân trước ngày 31/12/2024.
Đồng thời, các công trình thủy lợi, đê kè, hồ chứa thủy lợi có nguy cơ cao cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để lập phương án sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới, nhằm đảm bảo khả năng chống chịu trước thiên tai trong thời gian tới, nhất là trong những tháng cuối năm 2024.
Các dự án ổn định dân cư vùng thiên tai cũng sẽ được tổng hợp và đề xuất trong tháng 10/2024 để Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024.
Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm điều tra và khảo sát các khu vực bị ngập lụt và sạt lở đất, từ đó xác định những vị trí có nguy cơ cao để đưa ra cảnh báo kịp thời.
Bên cạnh đó, bộ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa, cập nhật các tình huống bất thường nhằm giảm thiểu rủi ro lũ lụt cho hạ du. Ngoài ra, bộ cũng nghiên cứu phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ để tăng cường khả năng cắt giảm lũ trong các tình huống khẩn cấp.
Bộ Giao thông vận tải, cùng với các địa phương, sẽ rà soát lại toàn bộ hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cây cầu yếu trên các tuyến đường bộ, đường sắt quan trọng.
Bộ đưa ra các phương án đầu tư sửa chữa, gia cố và nâng cấp để bảo đảm hạ tầng giao thông có thể đối phó hiệu quả với thiên tai trong tương lai. Đồng thời, các khu vực đổ đất, đá bị sụt trượt cũng sẽ được bố trí hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khắc phục sự cố giao thông.
Bộ Công thương sẽ chủ trì việc điều chỉnh các quy định liên quan, cho phép các đơn vị thuộc ngành năng lượng được tăng mức dự phòng vật tư và thiết bị. Điều này giúp đảm bảo rằng các đơn vị có thể ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là trong việc sửa chữa và duy trì hệ thống năng lượng.
Bộ Giáo dục và đào tạo, phối hợp cùng các cơ quan và địa phương, sẽ tăng cường tuyên truyền và đào tạo kỹ năng cần thiết cho học sinh, sinh viên và người dân để họ có thể tự chủ và phản ứng kịp thời khi đối mặt với các thảm họa thiên tai hoặc dịch bệnh.
Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì việc kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành một cách thông suốt và hiệu quả. Cơ chế này sẽ kế thừa các hoạt động trước đây của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, nhất là khi đối phó với các tình huống mưa lũ lớn bất ngờ.
Nhóm giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.
Bộ Xây dựng cùng các cơ quan, địa phương sẽ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng. Các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ được áp dụng quy định sửa đổi từ Luật Xây dựng để nhanh chóng sửa chữa, xây dựng lại nhà xưởng, sớm khôi phục hoạt động.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục vận động nguồn lực từ các đối tác quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ các địa phương và người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ liên quan sẽ phối hợp điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ với các tỉnh khác, nhằm đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu cho học sinh và bệnh nhân tại những địa phương bị thiệt hại.
Các địa phương được phép áp dụng chỉ định thầu rút gọn cho các gói thầu khắc phục hậu quả bão lũ theo quy định. Thủ tục đầu tư các dự án khẩn cấp sẽ được thực hiện theo quy trình đặc biệt để đảm bảo xử lý kịp thời hậu quả thiên tai.
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và lãnh đạo các địa phương phải khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ một cách hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Các tỉnh, thành phố phải khẩn trương thống kê thiệt hại và phát huy tối đa nguồn lực địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời, báo cáo thiệt hại và đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương cần được gửi trước ngày 20/9/2024 để tổng hợp và trình Thủ tướng xem xét.
Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước và các Ủy ban của Quốc hội tạm ngừng kiểm toán và giám sát tại các địa phương để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, Chính phủ kêu gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội nhanh chóng thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế.
Tính đến ngày 17/9/2024, thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra rất nghiêm trọng. Có 329 người thiệt mạng và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương. Khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng khác bị hư hại hoặc sập đổ.
Đê điều gặp 726 sự cố, hơn 307.400 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, cùng với 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hư hỏng.
Thêm vào đó, gần 3 triệu gia súc, gia cầm chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ.
Ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra vượt mức 50 nghìn tỷ đồng. Thiệt hại này có thể khiến tăng trưởng GDP giảm khoảng 0,15% so với mục tiêu 6,8-7% đã đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai dự kiến giảm trên 0,5%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng và nhiều công trình thiết yếu bị hư hỏng nặng. Các vấn đề về y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch và việc làm cần được ưu tiên xử lý nhanh chóng để sớm ổn định cuộc sống người dân sau bão.
Tác động của bão Yagi đến chuỗi cung ứng
Alpha Books ưu đãi cho những cuốn sách đi qua bão Yagi
Alpha Books hy vọng sự kiện sắp tới sẽ không chỉ giúp khắc phục thiệt hại mà còn gửi đi thông điệp về sức mạnh bền bỉ của tri thức.
Bộ giải pháp tổng thể khôi phục sau bão Yagi
Thủ tướng yêu cầu nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế phí, đẩy mạnh đầu tư công nhằm khôi phục kinh tế và hướng tới tăng trưởng sau bão Yagi.
Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão Yagi
Mức giảm lãi suất từ 0,5 - 2 điểm phần trăm được áp dụng cho hàng chục nghìn khách hàng bị thiệt hại vì bão.
6 ngân hàng hỗ trợ khách vay mua nhà tại CaraWorld
Sáng ngày 20/11/2024, tại trung tâm hội nghị sự kiện Gem Center (TP.HCM) đã diễn ra lễ ký kết đối tác chiến lược phát triển dự án CaraWorld. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn đưa CaraWorld trở thành điểm đến biểu tượng của thành phố Cam Ranh.
Luật Nhà giáo: Chuyển đổi từ quản lý sang quản trị
Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực để phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo.
CT Group tri ân các thầy cô giáo
CT Group vừa tổ chức sự kiện tri ân ngày nhà giáo Việt Nam với sự góp mặt của đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trong và ngoài nước.
Hóa giải bài toán quản trị gen Z trong kỷ nguyên công nghệ
Gen Z, thế hệ lớn lên với công nghệ, mang đến phong cách làm việc linh hoạt, đa nhiệm nhưng cũng đặt ra thách thức cho nhà quản trị trong việc cân bằng giữa sáng tạo và kỷ luật.
Vingroup lập công ty sản xuất người máy
Tập đoàn Vingroup thông báo thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển và ứng dụng người máy VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Sóng gió lại nổi lên tại Eximbank
Liên tiếp những thông tin không tích cực gần đây cho thấy những vấn đề trong quản trị nội bộ của Eximbank vẫn chưa được xử lý triệt để.
Vai trò tiên phong của ngành ngân hàng trong thực hành ESG
Dù đã gặt hái thành công trong vai trò đi đầu về việc thực hành ESG thời gian qua, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt.