SCB bị kiểm soát đặc biệt khiến doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu

Trần Anh - 15:57, 20/10/2022

TheLEADERTheo quy định tại điều kiện trái phiếu được phát hành, việc SCB (bên bảo lãnh thanh toán trái phiếu) bị kiểm soát đặc biệt dẫn đến tổ chức phát hành trái phiếu phải mua lại trái phiếu bắt buộc trước hạn khi người sở hữu trái phiếu yêu cầu.

Mới đây, một doanh nghiệp công bố Nghị quyết của HĐQT về việc mua lại trái phiếu phát hành riêng lẻ năm 2020. Theo đó, công ty mua trước hạn toàn bộ trái phiếu riêng lẻ được phát hành vào ngày 30/12/2020 và đáo hạn ngày 30/12/2022 với tổng mệnh giá đang lưu hành 500 tỷ đồng.

Thông báo cho biết lý do mua lại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đơn vị bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu, bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Đây là sự kiện dẫn đến tổ chức phát hành phải thực hiện mua lại trước hạn bắt buộc trong trường hợp người sở hữu trái phiếu có yêu cầu được quy định tại điều kiện trái phiếu.

Công ty sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu đang lưu hành từ tất cả trái chủ. Giá mua lại mỗi trái phiếu bằng tổng mệnh giá trái phiếu, lãi và mọi tiền khác đã phát sinh nhưng chưa được thanh toán trên trái phiếu đó tính đến ngày mua lại. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được tổ chức phát hành mua lại.

Nguồn tiền mua lại trái phiếu được công ty lấy từ dòng tiền hoạt động kinh doanh, dòng tiền từ hoạt động tài chính, và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) để thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua lại trái phiếu. Thời gian mua lại trái phiếu trong vòng 7 ngày làm việc từ ngày nhận được thông báo yêu cầu mua lại trai phiếu của trái chủ, dự kiến ngày mua lại là 17/10/2022.

Phương thức thanh toán tiền mua lại sẽ được chuyển khoản vào tài khoản trái chủ thông qua một công ty chứng khoán khác với vai trò đại lý đăng ký và lưu ký trái phiếu.

Đây là sự kiện hiếm có trên thị trường trái phiếu do hình thức bảo lãnh thanh toán ít được áp dụng trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong những năm qua. Trường hợp ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp càng ít hơn do các điều kiện khắt khe của ngân hàng bảo lãnh.

Trước đó, một ngân hàng khác là OCB từng bảo lãnh thanh toán cho lô trái phiếu 400 tỷ đồng phát hành năm 2020 của Tập đoàn FLC. Lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023.

Phổ biến nhất trong bảo lãnh thanh toán trái phiếu là các tập đoàn mẹ đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên phát hành trái phiếu. Đơn cử như Bamboo Capital từng xin ý kiến cổ đông về việc bảo lãnh thanh toán cho công ty BCG Energy trong năm 2020 với giá trị 220 tỷ đồng.

Tương tự, một bản công bố thông tin này 17/8/2020, Tập đoàn APEC cũng có cam kết bảo lãnh thanh toán gốc và lãi trong bất kỳ trường hợp nào đối với trái phiếu IBond do Công ty IDJ Việt Nam phát hành.