Sóng đầu tư bất động sản đổ về Thanh Hoá

Phương Linh - 16:35, 21/12/2021

TheLEADERHai năm trở lại đây, Thanh Hoá nổi lên như một điểm đến mới đầy hấp dẫn đối với cả các doanh nghiệp địa ốc lớn và nhà đầu tư.

Sóng đầu tư bất động sản đổ về Thanh Hoá
FLC mang đến diện mạo mới cho đô thị Sầm Sơn

Hàng loạt ông lớn đổ bộ

Không giống như 6 năm trước, thời điểm Tập đoàn FLC “đơn phương độc mã” về Thanh Hoá và tiên phong đưa du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đến Sầm Sơn khi khánh thành quần thể 5 sao đầu tiên với tổng vốn hơn 12 nghìn tỷ đồng, thời gian gần đây, thị trường bất động sản Thanh Hóa dấy lên cơn sốt chưa từng có khi các 'ông lớn" liên tiếp đổ bộ.

Mới xuất hiện ở xứ Thanh từ cuối năm ngoái nhưng Sun Group đã thể hiện tham vọng rất lớn. Tập đoàn này dự kiến sẽ xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện từ du lịch, giải trí, thương mại đến nghỉ dưỡng, với nhiều loại hình du lịch biển, sông, khoáng nóng... trải dài từ thành phố Sầm Sơn đến huyện Quảng Xương.

Dự án lớn nhất mà tập đoàn này triển khai tại đây là khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Sun Grand Boulevard có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD. Trong tổng thể một tổ hợp dự án có diện tích lên tới 310ha, ngay mặt đường Hồ Xuân Hương huyết mạch của Sầm Sơn, dự án hội tụ đầy đủ quảng trường biển 2ha, đại lộ lớn nhất Việt Nam, hệ thống shophouse, thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí hấp dẫn.

Bên cạnh đại đô thị Sun Grand Boulevard, Sun Group sẽ xây dựng khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sun Riverside Village ven Sông Đơ. Dự án có quy mô 29ha bao gồm biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại.

Một dự án đáng chú ý khác của Sun Group tại Thanh Hoá lài công viên giải trí Sun World. Sau khi đi vào hoạt động, dự án được kỳ vọng sẽ hút du một lượng lớn khách du lịch đến với Thanh Hóa như một điểm đến vui chơi giải trí lớn của khu vực.

Đầu tháng 12 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần Mặt trời Thanh Hóa thực hiện dự án khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương.

Dự án có diện tích gần 100 ha, quy mô gồm khoảng 2.461 sản phẩm, trong đó có 231 căn liền kề, 464 căn biệt thự xây thô và khoảng 1.766 căn hộ chung cư. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.848,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nếu như thời gian trước Sầm Sơn được xem là trung tâm của bất động sản Thanh Hoá thì hiện nay những dự án mới đã được phân bổ đều từ Sầm Sơn, thành phố Thanh Hoá, bãi biển Hải Tiến đến cả các huyện như Quảng Xương, Hoằng Hóa...

Đầu tháng 10/2021, Tập đoàn Flamingo bắt đầu triển khai dự án Flamingo Hải Tiến theo mô hình của Ibiza - Hòn đảo tiệc tùng lớn nhất trên thế giới - với những tuyến phố mua sắm - giải trí - ẩm thực dài hàng cây số.

Tại huyện Hoằng Hóa, Flamingo cũng đang xúc tiến để triển khai một siêu dự án 1.300 ha với tổng mức đầu tư 3 tỷ USD. Siêu dự án này phát triển theo mô hình thành phố du lịch với các khu nghỉ dưỡng chủ đề, công viên chủ đề, các thiên đường giải trí xuyên đêm, trung tâm biểu diễn văn hoá thực cảnh và công nghệ ánh sáng, vườn thú.

Dự án được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo du lịch của Hải Tiến với kỳ vọng sẽ thu hút hơn 5 triệu du khách đến Hải Tiến mỗi năm.

Sau thời gian dài hơn 16 năm "án binh bất động", mới đây, dự án Vlasta - Sầm Sơn của Văn Phú - Invest cũng đã rục rịch khởi công và mở bán ra nhằm đón sóng thị trường.

Nằm bên bờ biển phía Nam Sầm Sơn, dự án Vlasta Sầm Sơn thuộc địa giới hai xã Quảng Hùng và Quảng Đại, huyện Quảng Xương. Đây là tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng, với chuỗi các biệt thự, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ đa dạng tiện ích, có tổng số vốn đầu tư khoảng 210 tỉ đồng.

Hàng loạt ông lớn địa ốc khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Thanh Hoá. Có thể kể đến như T&T Group vừa khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân (thị xã Nghi Sơn) có quy mô lên tới 84,8 ha, tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng. BRG xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án sân golf quốc tế 73ha tại huyện Quảng Xương.

Không chỉ bất động sản nghỉ dưỡng, Thanh Hoá còn có sức hút đặc biệt đối với các dự án nhà ở đô thị. Với ý tưởng mang cả “hệ sinh thái” của mình về xứ Thanh, các thương hiệu Vincom, Vinschool, Vinhomes của Vingroup sẽ giúp Thanh Hóa từng bước chuyển định hướng từ du lịch bình dân sang tạo những “điểm nhấn cao cấp”. Đặc biệt, khu đô thị Vinhomes Star City quy mô gần 150ha đang dần trở thành biểu tượng của quá trình đô thị hóa tại Thanh Hóa.

Một doanh nghiệp địa ốc khác là Eurowindow Holding cũng đang lên kế hoạch rục rịch phát triển đô thị Eurowindow Light City quy mô 176 ha trên khu vực đất đấu thầu thành công, bên bờ sông Mã. Với vốn đầu tư lên tới 20.000 tỉ đồng, dự án sẽ trở thành khu đô thị thông minh hiện đại, biểu tượng mới xứ Thanh sau khi hoàn thiện.

Trước đó, doanh nghiệp này đã phát triển dự án Eurowindow Garden City tại Thanh Hóa với quy mô 6,7ha bao gồm khu nhà phố thương mại và chung cư cao cấp.

Công ty CP Tập đoàn Sao Mai cũng đang là doanh nghiệp đầu tư rất nhiều dự án tại Thanh Hoá. UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định giao hơn 60,4 ha đất đợt 1 cho để thực hiện dự án số 2 Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân cho doanh nghiệp này. Trong hơn 60 ha này, 15,7 ha là đất ở tại đô thị, còn lại 44,6 ha là đất xây dựng nhà cao tầng, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, trường học...

Ngoài dự án số 2 khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng, Tập đoàn Sao Mai còn là chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 100 ha, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 3/2019, Tập đoàn Sao Mai và UBND huyện Triệu Sơn cũng đã ký kết hợp đồng đầu tư khu đô thị Minh Sơn – thị trấn Triệu Sơn có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 500 tỷ đồng trên diện tích 45ha. Năm 2016, Tập đoàn Sao Mai đã đầu tư khu đô thị Sao Mai xã Xuân Thịnh và xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích 52 ha. 

Ngay trong tháng 12, liên danh Ngọc Sao Thủy - Tasco vừa trúng thầu dự án khu dân cư và thương mại dịch vụ phường Quảng Phú, TP. Thanh Hóa. Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 39,6 ha, với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.

Sunshine Group cũng cho biết sẽ phát triển một chuỗi dự án lớn tại Thanh Hóa, Theo những thông tin được hé lộ ban đầu, dự án đầu tiên sẽ là khu đô thị đẳng cấp bên bờ Nam sông Mã, Sunshine Capital Thanh Hóa có quy mô 40 ha bao gồm 2 tháp chung cư 25 tầng, 110 căn shophouse 5 tầng, 501 căn liền kề 5 tầng, 54 căn biệt thự đơn lập 3 tầng mang kiến trúc châu Âu hoa lệ.

Liên danh Công ty CP Đầu tư bất động sản Taseco – Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long – Công ty CP Đầu tư bất động sản Phú Mỹ cũng đầu tư một khu đô thị mới thuộc dự án số 4, Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hóa, tổng chi phí thực hiện dự kiến khoảng gần 1.200 tỉ đồng.

Sức nóng của vùng đất mới

Theo ông Nguyễn Trọng Quý, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Địa ốc Gia Địa, Thanh Hóa đang có có một sức hút rất lớn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản. Tuy đi sau nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, nhưng Thanh Hoá đang cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ, không hề thua kém.

Theo đó, về điều kiện phát triển kinh tế xã hội, thời gian gần đây, Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc. GRDP trên địa bàn tăng 12,1%/năm; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Thanh Hóa đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm GRDP đạt 11% trở lên và đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Việt Nam.

Đặc biệt, bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch, với bờ biển dài, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, Thanh Hoá còn hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản nhờ ăn theo các khu công nghiệp lớn.

Thời gian vừa qua, địa phương này đã thu hút rất nhiều tập đoàn lớn tìm đến phát triển các dự án khu công nghiệp tỷ đô. Đơn cử như Tập đoàn Foxconn Việt Nam với đề xuất đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Thanh Hóa với quy mô khoảng 150ha.

Công ty WHA Industrial Development PLC ( Thái Lan) cũng nghiên cứu 2 dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại thị xã Nghi Sơn và huyện Hoằng Hoá với tổng chi phí hoảng 335 triệu USD.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến phải đến thời gian gần đây, các nhà đầu tư mới nhận ra tiềm năng to lớn của bất động sản Thanh hoá là do sức bật lớn từ hạ tầng giao thông.

Giao thông được xem là yếu tố đòn bẩy, thu hút các nhà đầu tư đổ về những vùng đất mới như Thanh Hoá. Nếu như trước đây, từ Hà Nội đến Thanh Hoá phải mất 3,4-5 tiếng trên xe ô tô thì hiện nay với các dự án đường cao tốc khoảng cách đi lại sẽ được rút ngắn rất nhiều. 

Đáng chú ý là cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, được khởi công vào đầu năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Thanh Hoá sẽ chỉ còn 2 - 2.5 tiếng. 

Với sự ảnh hưởng của dịch bệnh, các thị trường du lịch di chuyển bằng máy bay bị giảm tính hấp dẫn, người dân ưu tiên di chuyển bằng ô tô cá nhân, các điểm đến cách Hà Nội 1-2 giờ đi như Thanh Hoá sẽ rất tiềm năng trong phát triển du lịch, kéo theo đó là thị trường bất động sản.

Những lý do này đã khiến nhà đầu tư đổ bộ về Thanh Hóa để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đón đầu tư phát triển của thị trường bất động sản, du lịch, ông Quý nhìn nhận.

Không chỉ có hệ thống các đường cao tốc kết nối Thanh Hoá với các địa phương khác, giao thông nội tỉnh của địa phương này cũng đang rất phát triển. Đặc biệt phải kể đến là tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hoá - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia, tổng chiều dài 25 km.

Ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Ban Kinh doanh Hải Phát Invest cho rằng, hai tuyến đường bộ ven biển này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch, kinh tế xã hội và thị trường bất động sản Thanh Hoá.

Bên cạnh đó, theo ông Duy, Thanh Hoá còn có lợi thế rất lớn về dân số đông. Dân số đứng thứ 3 toàn quốc với gần 4 triệu người. Đây cũng là lý do khiến hai phân khúc bất động sản đang phát triển nhất ở Thanh Hoá hiện nay là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản đô thị. 

Trong khi đó, các bất động sản khu công nghiệp tại địa phương này chưa có nhiều tiềm năng do phân bổ quy hoạch đất cho các khu công nghiệp không nhiều như Bắc Giang, Bắc Ninh. Hơn nữa,Thanh Hoá cũng nằm xa các cảng biển và trung tâm thành phố lớn như Hà Nội.

Tiềm năng còn rất lớn trong tương lai

Sóng đầu tư bất động sản đổ về Thanh Hoá 1
Dự án Eurowindow Garden City nằm cạnh trung tâm hành chính mới

Sự đổ bộ của các ông lớn địa ốc, nhà đầu tư và hạ tầng không ngừng được đẩy mạnh đã khiến bất động sản Thanh Hoá liên tục sốt nóng trong thời gian vừa qua. Theo ông Quý, Thanh Hoá đang trở thành một trong những tâm điểm của thị trường bất động sản Bắc Trung Bộ khi nguồn cung và thanh khoản của các dự án luôn đạt mức cao. 

Đơn cử như sự xuất hiện của Sun Grand Boulevard đã nhanh chóng thu hút nhà đầu tư. Mặc dù mức giá không hề rẻ, từ 12 - 25 tỷ đồng/căn, nhưng chỉ sau hơn một tháng ra mắt, 97% số căn shophouse Sun Grand Boulevard đã được đặt chỗ, bất chấp bối cảnh thị trường chung đang gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19.

Một dự án khác là Flamingo Hải Tiến cũng có giao dịch rất sôi động. 300 sản phẩm shophouse tại dự án này đã được khách hàng đặt mua hết chỉ trong vòng 10 ngày ra hàng. 

Mới đây nhất, việc mở bán dự án TNR Stars Bỉm Sơn với diện tích 29,5ha, quy mô 1.032 sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc nhà phố, biệt thự, shophouse cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các khách hàng, nhà đầu tư. Trước đó, dự án đất nền Green Park Thanh Hóa đã cháy hàng ngay trong đợt mở bán đầu tiên, 100% sản phẩm ra hàng đã hết sạch chỉ sau 2 giờ công bố.

Cùng với thanh khoản, mức giá của bất động sản Thanh Hoá cũng đang được đẩy lên rất cao. Đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, dự án của FLC Sầm Sơn trước đây chỉ có giá dao động từ 10 - 20 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 40 triệu đồng/m2, hiện nay đã giá tăng hơn gấp đôi lên 30 - 40 triệu đồng/m2. Những lô có vị trí đẹp thậm chí còn lên đến 200 triệu đồng/m2.

Các bất động sản của Sun Group vừa mở bán tại Thanh Hoá hiện cũng đã tăng giá mạnh lên mức hơn 50 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, ông Quý cho rằng, sự hiện diện và tăng giá bất động sản tại những dự án lớn đã kéo theo sự tăng giá chung của toàn thị trường. Cách đây 2 năm, đất nền Sầm Sơn chỉ có giá từ 5 - 10 triệu đồng/m2, hiện nay đã lên đến 15 - 20 triệu đồng/m2. Mức tăng giá trung bình lên đến 50 - 70%, có những nơi đột biến tăng đến 100% - 200%.

Tương tự, đối với đất nền tại các huyện cũng tăng từ 4 - 5 triệu đồng/m2 đến 9 - 19 triệu đồng/m2.

"Trước khi có sự phát triển mạnh mẽ, giá bất động sản Thanh Hoá còn rất rẻ, thị trường bất động sản rất sơ khai. Đây chính là lý do khiến thị trường này thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư và liên tục tăng giá mạnh mẽ trong thời vừa qua", ông Quý nhận định và cho rằng, dư địa tăng giá của bất động sản Thanh Hoá còn rất lớn trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư tại đây đang kỳ vọng có thể "nhân nhiều lần tài khoản".

Có lẽ cũng vì vậy mà ông Quý ước tính, có đến 50% nhà đầu tư cá nhân đến Thanh Hóa với mục đích sinh lời từ sự gia tăng giá đất. 50% còn lại người dân có nhu cầu xây dựng cơ sở kinh doanh nương theo sự phát triển của kinh tế, du lịch.

Đồng quan điểm ông Duy cũng dự báo, tiềm năng của tăng trưởng của thị trường bất động sản Thanh Hoá còn rất lớn trong thời gian tới, có thể nói là tốt nhất trong số các tỉnh phía Bắc. Ông Duy cho rằng, bất động sản Thanh Hoá hiện nay rất giống với Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2019, khi hạ tầng giao thông còn chưa hoàn thiện, thị trường bất động sản tăng trưởng theo những đợt sốt nóng.

Tuy nhiên trong 2 năm tới, khi toàn bộ hạ tầng giao thông trong nội tỉnh và liên tỉnh đã xong, việc đi lại của các nhà đầu tư trở nên dễ dàng hơn, thị trường bất động sản Thanh Hoá sẽ tăng giá đồng loạt và thanh khoản tốt hơn rất nhiều thời điểm hiện tại. 

Khi đó, thị trường sẽ có sự phân hoá rất rõ về sản phẩm đầu tư. Bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị sẽ là hai phân khúc phát triển nhất của thị trường bất động sản Thanh Hoá. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường sẽ xuôi về phía Nam chứ không phải phía Bắc. Hiện rất nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn đều được phát triển ở Nam Thanh Hoá. Ở đó, có khu kinh tế Nghi Sơn và gần Nghệ An hơn, nơi có điều kiện kinh tế và dân cư phát triển tốt hơn. Trong khi đó, phía Bắc Thanh Hoá giáp Ninh Bình, không nhiều tiềm năng phát triển do thị trường bất động sản còn khá yếu.

Về bất động sản nghỉ dưỡng, phía Nam Thanh Hoá cũng nhiều ưu điểm hơn hẳn với bãi biển đẹp, trong xanh hơn biển Sầm Sơn tại phía Bắc. Ông Duy cho rằng, trước khi đầu tư tại Thanh Hoá, nhà đầu tư cần tìm rõ thị trường, nắm được các xu hướng, sản phẩm đầu tư phù hợp để đầu tư đúng hướng và nhanh chóng gia tăng lợi nhuận.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Quý cũng cho rằng, trong quý IV/2021 và quý I/2022, Thanh Hoá đang đưa ra đấu giá khoảng gần 10.000 lô đất nền, cả nguồn cung và giao dịch đều đang rất nhộn nhịp. Song, trong năm 2022, nguồn cung đất nền sẽ bị hạn chế rất nhiều. Lúc đó, giá bất động sản có thể thêm tăng 10 - 20% tuỳ từng khu vực, có những nơi có thể tăng cao hơn.

Ngoài các bất động sản tại các dự án, có đến 80% đất nền tại Thanh Hoá là đất đấu giá, pháp lý rất minh bạch, rõ ràng, do đó, rủi ro cho các nhà đầu tư về vấn đề pháp lý là rất hạn chế. Nhưng, với một thị trường đang phát triển nóng như Thanh Hoá, các nhà đầu tư rất dễ bị cuốn vào các khu vực tăng giá ảo, môi giới tạo khan hàng, đẩy giá lên cao.

Chính vì vậy, trước khi xuống tiền, các nhà đầu tư cần phải cân nhắc thật kỹ các yếu tố về pháp lý dự án, tiềm năng tăng giá, sinh lợi trong tương lai. Nhà đầu tư nên chọn những dự án của các chủ đầu tư uy tín, đơn vị môi giới bất động sản chuyên nghiệp, tránh lao vào các cơn sốt đất ảo nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro về lợi nhuận, ông Quý khuyến cáo.