Startup ngoại rời bỏ thị trường mua trước trả sau Việt Nam

Việt Hưng - 13:49, 10/07/2023

TheLEADERĐiều này cho thấy, mua trước trả sau tại Việt Nam không phải là thị trường "dễ chơi", ngay cả khi Atome được hậu thuẫn mạnh mẽ về nguồn vốn bởi tập đoàn tỷ đô Advance Intelligence Group.

Tháng 5 vừa qua, Atome - một startup mua trước trả sau (BNPL) có trụ sở tại Singapore đã tuyên bố dừng tất cả các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau hơn 1 năm thâm nhập thị trường.

Lý do được phía công ty đưa ra, đó là đóng góp vào hoạt động kinh doanh chung của Atome Việt Nam còn nhiều hạn chế, dù tại đây startup này đã có hơn 100 đối tác.

Điều này cho thấy, mua trước trả sau tại Việt Nam không phải là thị trường "dễ chơi", ngay cả khi Atome được hậu thuẫn mạnh mẽ về nguồn vốn bởi tập đoàn tỷ đô Advance Intelligence Group.

Gần đây nhất, Advance Intelligence Group đã huy động được 80 triệu USD từ Warburg Pincus và Northstar Group.

Sau khi rút khỏi Việt Nam, Atome vẫn hoạt động ở một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Công ty tiếp tục tập trung xây dựng trên nền tảng công nghệ AI và dữ liệu hành vi để cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa cho người dùng.

Bên cạnh Atome, một startup BNPL khác có trụ sở tại Việt Nam là Ree-pay cũng nhận được nhiều sự quan tâm, sau khi website của công ty này không thể truy cập được.

Một đối tác của Ree-Pay nói với TheLEADER là đã nhiều tháng qua startup này không có nhiều cập nhật về hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, Ree-Pay tuyên bố trở thành đối tác quan trọng của các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử như: Maison, Haravan, MoMo...

Startup ngoại rời bỏ thị trường mua trước trả sau Việt Nam
Startup BNPL Atome phải rời Việt Nam ngay cả khi được hậu thuẫn mạnh mẽ về nguồn vốn bởi tập đoàn tỷ đô Advance Intelligence Group

Thành lập vào năm 2020, Ree-Pay mong muốn mang đến một cuộc cách mạng hóa trong việc trải nghiệm thanh toán của người tiêu dùng và nhà bán lẻ.

Ông Dragan Bozic - Nhà sáng lập và CEO Ree-Pay tin rằng, nhu cầu trong khu vực với các giải pháp mua trước - trả sau đang tăng vọt. Công ty kỳ vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ mua trước - trả sau số 1 tại Việt Nam và top 3 tại Đông Nam Á trong năm 2023.

Tuy nhiên, tham vọng của CEO Ree-Pay sẽ khó thành hiện thực, khi số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam đang ngày một nhiều lên.

Theo báo cáo của Research and Markets, tổng thanh toán BNPL dự kiến đạt 1,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 và có tốc độ tăng 126,4% hằng năm. Tăng trưởng của thanh toán BNPL tăng mạnh nhờ hoạt động TMĐT gia tăng và nhiều người gặp các khó khăn về tài chính thúc đẩy nhu cầu tín dụng.

Xét về nền kinh tế số, theo nghiên cứu của Bain, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế Internet lớn thứ 2 tại Đông Nam Á ở thời điểm năm 2025 với GMV có thể đạt mốc 57 tỷ USD (tăng trưởng kép hàng năm 29% mỗi năm từ năm 2020). Con số này chỉ xếp sau GMV của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á là Indonesia với 146 tỷ USD.

Hầu hết người mua hàng cho biết, hình thức này có thể thay thế phương thức thanh toán truyền thống như thẻ tín dụng. Với BNPL, khách hàng chỉ cần đăng ký tài khoản qua ứng dụng, cung cấp thông tin cá nhân và khoản vay mà không cần chứng minh thu nhập.

Bên cạnh Atome và Ree-Pay, thị trường BNPL trong nước là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, ZaloPay, hay Wowmelo, Movi và Lit.

Rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: LotteFinance, Home Credit, FE Credit… thông qua liên kết với các ví điện tử.

Chẳng hạn, FE Credit liên kết với Viettel Pay để cấp hạn mức chi tiêu cho khách hàng. Sau khi được phê duyệt, khách hàng chỉ mất chưa đến 2 phút để ký hợp đồng điện tử và nhận ngay hạn mức 2 triệu đồng. Tương tự, Home Credit cũng đã đầu tư 200 tỷ đồng vào Home Pay Later và liên kết với Tiki.

Ngoài ra, một đối tượng khác cũng muốn gia nhập sân chơi hấp dẫn này là các công ty thương mại điện tử. Gần đây, Shopee đã cung cấp dịch vụ BNPL "SPay Later" tại Việt Nam, cho phép người dùng thanh toán trả góp các sản phẩm với kỳ hạn linh hoạt.