Startup Traveloka muốn lấn sân mảng dịch vụ tài chính

Việt Hưng - 15:07, 28/02/2021

TheLEADERTraveloka được cho là đang thảo luận với một số đối tác tiềm năng tại Việt Nam nhằm phát triển mảng công nghệ tài chính, nhưng không tiết lộ cụ thể.

Traveloka - startup du lịch trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á đang lên kế hoạch triển khai dịch vụ tài chính tại Việt Nam và Thái Lan, với mục tiêu có thể niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, theo nguồn tin từ Reuters.

Dù nhu cầu di chuyển của khách hàng giảm xuống đáng kể do dịch bệnh Covid-19, nhưng startup có trụ sở tại Indonesia này đang chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ.

Chủ tịch Traveloka - Caesar Indra cho biết mảng kinh doanh của công ty tại thị trường Việt Nam đã hoạt động nhộn nhịp hơn so với trước khi đại dịch bùng phát, trong khi chi nhánh tại Thái Lan cũng sắp trở lại mức hoạt động bình thường.

Ứng dụng của Traveloka hiện có 40 triệu người dùng hàng tháng và công ty đang phát triển loại hình dịch vụ "mua trước, trả sau" tại hai thị trường Việt Nam và Thái Lan.

Chủ tịch Indra cho biết công ty đang liên doanh với một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan để hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thảo luận với một số đối tác tiềm năng tại Việt Nam, nhưng không tiết lộ cụ thể.

Startup Traveloka muốn lấn sân mảng dịch vụ tài chính
Startup Traveloka muốn lấn sân mảng dịch vụ tài chính

"Du lịch nội địa đang phục hồi. Mục tiêu của chúng tôi khi đầu tư mạnh vào mảng công nghệ tài chính là để giúp nhiều khách hàng có thể đi du lịch hơn trong khu vực", ông nói.

Thực tế, Traveloka đã triển khai dịch vụ "mua trước, trả sau" ở Indonesia từ 2 năm trước. Dịch vụ này được triển khai trong bối cảnh nhiều người dùng đợi đến ngày nhận lương để có thể đặt vé du lịch. Hiện tại, dịch vụ này đã cung cấp khoảng 6 triệu khoản vay.

Năm ngoái, Traveloka tung ra thẻ tín dụng "Paylater" hợp tác cùng một số nhà băng Indonesia. Bên cạnh dịch vụ vay, Traveloka cung cấp dịch vụ bảo hiểm và quản lý tài sản.

Ông Indra thừa nhận rằng tiềm năng khổng lồ ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, khi mới chỉ 6% trong tổng số 270 triệu dân có thẻ tín dụng.

Ông Indra nhấn mạnh giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi và Traveloka đang chuẩn bị tốt cho năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu đi lại trong nước đang thúc đẩy sự phục hồi.

Kế hoạch hiện tại của công ty là đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tài chính, cho phép khách hàng đi lại nhiều hơn trong khu vực. Trong khi đó, mảng du lịch đã quay trở lại đà lợi nhuận vào cuối năm 2020.

Ở Indonesia, Traveloka còn cung cấp các dịch vụ bao gồm: voucher nhà hàng, dịch vụ giao đồ ăn và thậm chí dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19. Theo thông tin tự công bố, Traveloka đang là ứng dụng đánh giá nhà hàng lớn nhất tại quốc gia này.

Traveloka đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư bao gồm công ty Expedia (Mỹ), công ty Jingdong (Trung Quốc), quỹ GIC (Singapore) và công ty East Venture (Indonesia).

Gần đây nhất, Traveloka đã huy động thành công 250 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư, được dẫn dắt bởi Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA).