Sữa Evermilk tìm cơ hội ở miền Tây

Trần Anh - 10:21, 22/02/2021

TheLEADEREvermilk là thương hiệu sữa tươi mới ra mắt thị trường vào giữa năm 2019 tại khu vực các tỉnh miền Tây dựa trên sự hợp tác của Hợp tác xã nông nghiệp EverGrowth và các nhà đầu tư cá nhân.

Sữa Evermilk tìm cơ hội ở miền Tây
Nhà máy EverGrowth mới đi vào hoạt động hơn 1 năm tại Sóc Trăng

Giữa năm 2019, tại khu công nghiêp An Nghiệp (Sóc Trăng) nhà máy chế biến sữa 100% EverGrowth được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là nhà máy chế biến sữa tươi nguyên chất đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà máy có công suất chế biến 80 tấn sữa tươi/ngày, tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, do Hợp tác xã Nông nghiệp EverGrowth và các cổ đông tham gia làm chủ đầu tư. Dự kiến giai đoạn 2 nhà máy sẽ mở rộng xây dựng và nâng công suất chế biến đạt 160 tấn sữa tươi/ngày

Dù là thương hiệu sữa mới lạ trên thị trường, song EverGrowth đã có hơn 18 năm kinh nghiệm trong ngành sữa tươi, với quy mô đàn bò sữa trong hợp tác xã lên tới 7.000 con và trên 2.300 nông hộ thành viên.

Trước khó khăn về nguồn tiêu thụ sữa tươi không ổn định, đồng thời nhận ra được tiềm năng phát triển của ngành sữa tươi ở thị trường miền Tây, năm 2017, Hợp tác xã đã kết hợp một nhóm nhà đầu tư cá nhân thành lập nên Công ty sữa EverGrowth, phát triển nhà máy sữa nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất sữa tươi khép kín.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy cho ra đời sản phẩm Evermilk tập trung vào sản phẩm sữa tươi 100% không chất bảo quản và được tiêu thụ chủ yếu tại khu vực miền Tây.

Bước đi của EverGrowth được xem là phù hợp với thị trường khi nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước vẫn đang ở mức cao và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước tính đạt 135.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng hơn 8% so với năm 2019.

Mặc dù vậy, kể từ khi đi vào sản xuất vào nửa cuối năm 2019, Evermilk gần như chưa có tên tuổi trên thị trường. Thị trường sữa trong nước hiện cạnh tranh rất khốc liệt với hàng loạt những thương hiệu lớn trong nước như Vinamilk, TH True Milk…

Thị trường còn chứng kiến quá trình hợp nhất trong ngành tiến triển nhanh trong đó các thương hiệu địa phương về tay các doanh nghiệp lớn như Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk, hay IDP (sữa Ba Vì) được Blue Point và VietCapital mua lại. Cạnh tranh của ngành sữa, vì thế, cũng có xu hướng ngày càng gay gắt khi các công ty lớn mở rộng quy mô qua M&A.

Kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2019 của EverGrowth cũng tỏ ra khiêm tốn khi doanh thu chỉ vỏn vẹn 23,6 tỷ đồng và chỉ có mức lợi nhuận “tượng trưng” hơn 13 triệu đồng. Công ty ghi nhận tổng tài sản 164 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tài sản cố định của nhà máy, chiếm 110 tỷ đồng.

Đánh giá về triển vọng ngành sữa trong năm 2021, các công ty phân tích cho rằng, sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhưng những doanh nghiệp sữa nhỏ vẫn sẽ khó có thể phục hồi. Nhu cầu từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do Covid-19 đã gây thiệt hại đến thu nhập của nhóm này, hoặc đối với những người tiêu dùng nhạy cảm về giá.

Theo đó, các công ty sữa lớn như Vinamilk lại ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn và khả năng phục hồi nhanh hơn, trong khi các công ty sữa quy mô nhỏ sẽ vẫn chịu thiệt hại nặng nề và chịu rủi ro thâu tm.