Sửa luật để tránh kiểu cải cách 'ném đá ao bèo'

An Chi - 19:45, 20/02/2019

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi tư duy làm luật trong việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để phù hợp với những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế, tránh bỏ lỡ cơ hội.

Sửa luật để tránh kiểu cải cách 'ném đá ao bèo'
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp còn chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp

Tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, sau hơn ba năm thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này.

Theo đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp ban hành từ năm 2014 trong quá trình thực thi vẫn còn không ít vướng mắc phát sinh như sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với quy định của các luật chuyên ngành khác.

Ngoài ra, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của các luật chuyên ngành mới chỉ là những phát hiện mang tính hình thức, chưa xác định được nội dung cụ thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, qua rà soát cho thấy cần phải thay đổi tư duy làm luật. Nếu một luật cứ thi hành 4 - 5 năm rồi mới tổng kết, sửa đổi thì sẽ lỡ hết cơ hội của nền kinh tế.

Với những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế, cũng như những mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới, các động lực phát triển tiếp tục đòi hỏi các quy định pháp luật phải cải cách hơn nữa, và bắt đầu từ việc nhìn lại hai văn bản luật quan trọng này.

Theo ông Lộc, có rất nhiều việc cần phải làm, nhiều vướng mắc cần phải giải quyết và nhiều quy định cần phải sửa đổi từ hai đạo luật này, ví dụ như thủ tục đăng ký doanh nghiệp được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, như: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp trên thực tế với quy định của Luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết (thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh).

Những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này. Lưu ý rằng theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới trong Doing Business, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Lộc cho hay.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. 

Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động) nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Ông Lộc cho rằng, đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? 

"Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh. Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. 

Tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh như “đá ném ao bèo”

Về Luật đầu tư, mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề. 

Mỗi khi có đợt rà soát lớn nào, như năm 2018 vừa qua với sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì đã các bộ, ngành đều hoàn thành mục tiêu đơn giản hoá và ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có như Chính phủ giao. 

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, vẫn còn nguyên đó câu hỏi về tính bền vững của việc cắt giảm này, cách thức kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới. Đây là vấn đề mà Luật Đầu tư cần giải quyết nhằm tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh hiện nay như “đá ném ao bèo”.

Thủ tục đầu tư đã có nhiều tiến bộ, cởi mở, tuy nhiên vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản có liên quan với nhau, chẳng hạn như thời điểm nào đánh giá tác động môi trường (trước hay sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư?); thủ tục đầu tư của Luật Đầu tư có phải được áp dụng thống nhất không, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có được quyền yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác trong hồ sơ không?

Ông Lộc đề nghị phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh. Các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, giao dịch dân sự không được quy định mâu thuẫn hoặc trái với các nguyên tắc chung đó. Có như vậy, hành trình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp mới bớt rủi ro.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng khẳng định, sẽ sửa đổi căn bản Luật Doanh nghiệp, cái gì vướng mắc sẽ phải sửa đổi. 

Theo ông Hiếu, còn rất nhiều dư địa để cải cách Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm giúp giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp.