Sức hút hạ tầng kho cảng LNG

Nguyễn Cảnh - 10:38, 03/07/2023

TheLEADERThị trường khí LNG (gắn với phát triển nhiệt điện khí) từ nhiều năm trước đã có sức hút lớn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Theo Quy hoạch điện 8 xác định, đến 2030, nguồn nhiệt điện khí (nhiệt điện LNG chiếm khoảng 15%) chiếm tỷ trọng khoảng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Theo tính toán, những năm sắp tới nguồn cung khí nội địa sẽ suy giảm, các mỏ khí mới được đưa vào vẫn chưa đủ bù đắp lượng khí thiếu hụt. Do đó, việc nhập khẩu LNG để bổ sung nguồn, đáp ứng nhu cầu trong nước là xu hướng tất yếu và cấp thiết.

Do đó, để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách (trong đó có xây dựng hạ tầng kho cảng LNG theo tiêu chuẩn, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu chở LNG kích thước lớn, hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, khí tái hóa từ LNG để cung cấp khí LNG cho các khách hàng điện, khu công nghiệp cũng như hộ tiêu thụ…)

Cũng theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW. Việc xác định địa điểm xây dựng các nhà máy này căn cứ theo nhu cầu, cân đối nội vùng ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực phía Nam.

Theo thông tin từ PVN, quy định hiện nay về xây dựng, đầu tư yêu cầu phải đáp ứng tính khả thi của phương án cấp khí cho nhà máy điện khí LNG. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư nhà máy điện khí LNG sẽ đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình: “1 trung tâm điện lực (nhà máy điện) + 1 kho cảng nhập LNG và tái hóa khí (hoặc FSRU)”. Đồng nghĩa với việc có bao nhiêu nhà máy điện thì sẽ xuất hiện bấy nhiêu kho cảng nhập LNG và tái hóa khí xuất hiện phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam.

Việc phát triển riêng lẻ các kho cảng LNG với quy mô công suất nhỏ đi kèm với từng nhà máy điện khí thực chất là lợi bất cập hại và vô hình trung khiến giá điện cao hơn do phải “gánh” chi phí đầu tư hạ tầng LNG, PVN luận giải.

Còn theo PVGas, trên cơ sở quy hoạch địa điểm các nhà máy điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII và nhu cầu nhập khẩu LNG (dự báo đến năm 2030 sẽ nhập khẩu khoảng 14,5 triệu tấn LNG/năm, đến năm 2035 nhập khẩu tăng thêm khoảng 1,9 triệu tấn LNG/năm), để thúc đẩy sự phát triển bền vững thì hệ thống hạ tầng điện khí LNG của Việt Nam cần được phát triển theo mô hình kho LNG trung tâm (LNG Hub).

Với mô hình này, dự kiến chỉ cần 3 kho cảng LNG trung tâm công suất từ 3-6 triệu tấn/năm/kho (có khả năng nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm để dự phòng mở rộng), đặt tại 3 khu vực chính là: Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Sơn Mỹ tỉnh Bình Thuận và khu vực phía Bắc/Bắc Trung Bộ.

Đến hiện tại, dự án kho cảng LNG Thị Vải và kho cảng LNG Sơn Mỹ đã được xác định chủ đầu tư. Trong đó kho cảng LNG Thị Vải đã sẵn sàng chạy thử để đưa vào vận hành chính thức. Kho cảng LNG Sơn Mỹ đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị để triển khai đầu tư.

Như vậy, với những thông tin từ PVN và PVGAS công bố nêu trên, có thể tạm hình dung hệ thống hạ tầng kho cảng LNG được định hình ở 3 dự án gồm: Thị Vải, Sơn Mỹ và khu vực phía Bắc/Bắc Trung Bộ. Trong số này, bên cạnh kho Thị Vải và Sơn Mỹ đã có ‘chủ’, kho LNG miền Bắc cũng được chăm sóc rất kỹ nhiều năm qua bởi thương hiệu ITECO.

Đầu năm 2022, Công ty TNHH Thăm dò dầu khí Nhật Bản (JAPEX) công bố sẽ tham gia vào dự án xây dựng một kho cảng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) tại Việt Nam. Theo đó, JAPEX đã ký hợp đồng với Công ty CP ITECO để triển khai dự án tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng.

Đây là kết quả JAPEX đạt được sau 18 tháng thương thảo với ITECO để tiến tới thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa 2 bên, đồng thời cũng là minh chứng rõ nét cho mức độ quan tâm của các doanh nghiệp ngoại (Nhật Bản, Hoa Kỳ…) đối với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam nói chung, thị trường khí LNG nói riêng.

Trước đó 1 năm, doanh nghiệp (thành lập năm 1955, trụ sở chính tại Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp) nước ngoài này cũng đã ký hợp đồng mua cổ phần Công ty CP ITECO để triển khai dự án.

Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên tập trung vào những hạng mục, gồm: thiết kế và thi công dự án; vận hành và bảo trì; mua sắm LNG; tài chính; bán hàng và tiếp thị khâu hạ nguồn; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương trong lĩnh vực LNG... Trong bối cảnh nguồn cung khí tự nhiên tại khu vực phía Bắc, Việt Nam đang có xu hướng giảm và dự báo thị trường có thể thiếu nguồn cung trong tương lai, nên cái bắt tay giữa JAPEX và ITECO được kỳ vọng sẽ tăng nguồn cung khí tự nhiên cho thị trường khu vực này.

Ngoài ra, mô hình kinh doanh chung của 2 bên là nhập khẩu LNG, lưu trữ, phân phối và cung cấp LNG bằng cả đường ống và xe bồn. Dự án dự kiến hoạt động vào quý IV/2024, gồm: bể chứa LNG 50.000m3; 10 trạm nạp xe bồn LNG; hệ thống thiết bị tái hóa khí có công suất nạp 70m3 LNG/h; cầu cảng (tiếp nhận tàu LNG có kích cỡ lên đến 45.000m3)...

Cập nhật tới cuối tháng 3/2023, thông tin công bố từ JAPEX cho thấy doanh nghiệp này vẫn đang xem xét quyết định đầu tư cuối cùng dự án kho cảng LNG với ITECO.

2 năm trước khi được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (năm 2020), dự án Kho LNG quy mô 80.000m3 (giai đoạn 1 là 35.000m3) tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đã được ITECO đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch “địa điểm kho chứa LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định 3029 năm 2015 của Bộ Công thương.

Nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ITECO cho biết, để đáp ứng nhu cầu khách hàng vào đầu năm 2020, dự án kho LNG miền Bắc sẽ được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Với tổng mức đầu tư khoảng 118 triệu USD, dự án có nguồn vốn tự có của doanh nghiệp là 30%, còn lại là vốn vay. ITECO cho biết sẽ huy động vốn từ các tổ chức tài chính/ngân hàng thương mại trong nước với hạn mức đến 70% nhu cầu vốn dự án.

Dự kiến, thời gian trả nợ là 9 năm, trong đó 2 năm ân hạn (tương ứng với thời gian xây dựng dự án). Dự án được đánh giá là phù hợp với nhu cầu thị trường của khu vực Bắc Bộ, rất cần thiết và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển các KCN, sản phẩm công nghiệp khu vực này, do sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, giá cạnh tranh…

Thậm chí, ITECO cũng cho thấy quyết tâm đầu tư vào dự án này, với việc ký ‘hợp đồng giữ đất’ (diện tích 3,4ha tại KCN Nam Đình Vũ) với Công ty CP Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ (chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ) từ trước đó.

Đứng tên trong hợp đồng này, bên thuê là Công ty CP Công nghệ năng lượng Đông Dương (Tổng giám đốc là ông Nguyễn Minh Tú, cũng là đại diện pháp luật của Công ty ITECO thời điểm hiện tại).

Hợp đồng ký kết giữa 2 bên, ghi nhận một vài chi tiết nổi bật như: bên thuê sẽ thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án sản xuất/kinh doanh kho dịch vụ dầu khí tại lô đất; khu đất được cho thuê với thời hạn tới năm 2059, đúng bằng thời hạn sử dụng của KCN Nam Đình Vũ (đơn giá khoảng 2,2 triệu đồng/m2) với tổng giá trị gần 84 tỷ đồng…