Sức nóng từ cuộc đua số hóa ngành giáo dục

Việt Hưng - 15:08, 27/03/2023

TheLEADERGiai đoạn 2016 - 2021, ngành giáo dục đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt khi có hơn 2.900 trường được thành lập mới, hơn 4.000 đơn vị giáo dục ngoài công lập, cùng hàng trăm công ty công nghệ giáo dục (Edtech) đang chạy đua tìm kiếm học viên.

Theo Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Việt Nam, nhìn chung về mặt tài chính mức độ đầu tư cho giáo dục của Việt Nam có xu hướng tăng đều trong vòng 10 năm qua (2011-2020) với 18% tổng chi ngân sách nhà nước. Mỗi gia đình sẵn sàng chi 30% thu nhập đầu tư cho việc học của con cái.

Không chỉ các bậc phụ huynh, mà Chính phủ vẫn luôn dành sự ưu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu hiện nay chiếm 13% tổng dân số, tỷ lệ gia tăng thu nhập cũng cao hơn với 12,4% nên phụ huynh càng sẵn sàng đầu tư cho con học các trường tư thục, quốc tế với mức học phí cao gấp 4-5 lần so với trường công lập.

Ngoài nhu cầu về mặt tài chính, mong muốn của học sinh và phụ huynh cũng được thể hiện rõ thông qua việc chọn trường, đơn vị đào tạo. Theo khảo sát của British Council 2022, có đến 64% học viên lựa chọn ngành học do có hứng thú và chỉ 31% là vì có cơ hội việc làm tốt.

Điều này cho thấy, học viên lựa chọn trường phần lớn là vì sở thích, có cảm tình với ngành/trường học, mong muốn khám phá đời sống sinh viên sẽ như thế nào, nếu học ngành đó họ sẽ được trải nghiệm những gì…

Vì vậy, trước bối cảnh các trường hiện nay không có nhiều sự khác biệt về chương trình đào tạo, điều khiến thương hiệu lấy trọn niềm tin của khách hàng chính là mang đến trải nghiệm mới mẻ, thú vị và mang tính thực tế.

Sức nóng từ cuộc đua số hóa ngành giáo dục
Mức độ đầu tư cho giáo dục của Việt Nam có xu hướng tăng đều trong vòng 10 năm qua

Giai đoạn 2016 - 2021, ngành giáo dục đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt khi có hơn 2.900 trường được thành lập mới, hơn 4.000 đơn vị giáo dục ngoài công lập, cùng hàng trăm công ty công nghệ giáo dục (Edtech) đang chạy đua tìm kiếm học viên.

Xuất phát từ nhu cầu học và trải nghiệm của học sinh, các trường ngày nay không chỉ hướng đến việc cung cấp kiến thức, mà còn tập trung gia tăng mức độ khám phá, tìm tòi những cái mới, giúp học viên bắt kịp xu hướng, linh hoạt và sáng tạo.

Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường công lập tại Việt Nam (2021) cho thấy, 30% học sinh chọn trường qua Internet, 26% nhờ ý kiến phụ huynh, bạn bè.

Có thể nói, mức độ ảnh hưởng của cha mẹ đối với quyết định chọn trường của con cái đang dần ít hơn so với sự tiếp nhận, tham chiếu thông tin từ Internet. Vì vậy, để thu hút học viên trước hết các trường cần nắm vững sự dịch chuyển trong hành vi, tâm lý khách hàng thời đại số.

Theo các số liệu cụ thể về thị trường, ông Đặng Phú Vinh - CEO Công ty CP Adsota đã đưa ra nhận định về mối liên hệ giữa cung và cầu trong ngành giáo dục: "Trong thực tế, nhu cầu học tập, chọn trường hiện nay là rất lớn nhưng khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường không quá xa như chúng ta tưởng tượng".

Thị trường nhộn nhịp là vậy, nếu doanh nghiệp không chủ động bước vào cuộc đua chắc chắn sẽ bị thụt lùi trước các đơn vị có thế mạnh về công nghệ, thậm chí là cả trường công, trường tư.

Ông Vinh nhấn mạnh thêm: "Không lúc nào hơn lúc này, đây chính là thời điểm các đơn vị giáo dục phải mạnh mẽ thay đổi cách làm để tuyển sinh được hiệu quả hơn, tạo sự thu hút và để phụ huynh, học sinh hiểu về những giá trị mà họ nhận được khi đồng hành phát triển cùng nhà trường".

Sức nóng từ cuộc đua số hóa ngành giáo dục 1
Sự khác biệt của thương hiệu nằm ở việc nắm giữ sợi dây liên kết giữa Cái ta là và Cái ta làm

Với phương châm đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu hướng thị trường đa sắc màu, các trường hiện nay cũng đang nỗ lực chuyển mình cho thương hiệu từ những bước đầu tiên: thay đổi định hướng, bộ nhận diện, tuyên ngôn, khẩu hiệu…Tuy nhiên không phải đơn vị vào cũng sẵn sàng "làm mới" những thứ vốn đã gắn bó lâu đời thương hiệu. 

Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập Elite Pr School, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số DTSI chia sẻ: "Sự khác biệt của thương hiệu nằm ở việc nắm giữ sợi dây liên kết giữa Cái ta là và Cái ta làm".

Theo ông Thành, "Cái ta là" là gốc rễ, giá trị thực mà các trường đem lại cho người học và phụ huynh thông qua tên gọi, tầm nhìn, sứ mệnh và lời hứa thương hiệu. "Cái ta làm" là hành động thực thi để làm nổi bật, khác biệt và sáng tạo dựa "Cái ta là" vốn có.

Hành động đó được thể hiện qua màu sắc, logo, tagline, đồng phục, nội dung, hình ảnh, hoặc từ những câu chuyện, giai thoại, lịch sử, truyền thống được nhà trường truyền tải khéo léo thông qua các kênh tiếp cận trên nền tảng số nhằm làm nét hơn những thế mạnh vốn có của nhà trường.

Marketing giáo dục hay bất cứ ngành nghề nào hiện nay cũng dần chuyển hướng công nghệ hóa trong sản phẩm, dịch vụ và kể cả cách làm marketing. Với lĩnh vực mà đối tượng khách hàng tập trung vào học sinh, phụ huynh thì việc kết hợp các công cụ trong việc hỗ trợ tìm kiếm insights, tối ưu trải nghiệm người dùng, quản lý và chăm sóc khách hàng là điều cần thiết.

Theo Ông Đặng Quang Bão - CEO Công ty CP giải pháp công nghệ LHP cho biết: "Những công cụ kinh điển được ứng dụng thường xuyên khi làm marketing đó là Social Listening, Landing page và CRM (Customer Relationship Management)".

Hiện nay, một số trường có đội ngũ vận hành riêng, nhưng bài toán thu hút học viên vẫn đang gặp nhiều khó khăn và cần tối ưu nhiều hơn. Do vậy, việc biết và vận dụng đúng, hiệu quả các công cụ đòi hỏi nhà trường đầu tư nhân sự chuyên trách hoặc tham khảo cách làm của các đơn vị tư vấn, sau đó mới tính đến việc tự vận hành.