Tái chế vẫn khó đủ đường

Phạm Sơn - 11:43, 15/10/2023

TheLEADERNgành công nghiệp tái chế đang mở ra nhiều cơ hội mới nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại đang khó tận dụng được cơ hội, dẫn đến nguy cơ “mất sân chơi” ngay trên chính sân nhà.

Tái chế vẫn khó đủ đường
Bãi phế liệu của một doanh nghiệp tái chế nhựa

Trên thế giới, nhiều nhà nhập khẩu các mặt hàng quần áo, thời trang đã đưa ra yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ từ 30 – 60% là nguyên liệu tái chế. Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu tái chế từ Trung Quốc.

Lý giải về điều này, ông Hồ Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, hoạt động tái chế ở Việt Nam vẫn còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng điều kiện chất lượng để sử dụng trong sản xuất hàng nhập khẩu.

Thực tế, không chỉ may mặc mà còn nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang đứng trước yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng và tăng cường sử dụng nguyên liệu tái sinh.

Tuy nhiên, ngành tái chế Việt Nam suốt hơn 40 năm qua vẫn rất manh mún và chỉ tập trung ở một số nguyên liệu nhất định, vừa không đáp ứng nhu cầu vật liệu tái sinh cho nền kinh tế, vừa lãng phí một lượng lớn rác thải có giá trị.

“Một số mảng như chất thải điện tử hay thủy tinh vẫn còn rất ít doanh nghiệp tham gia vào tái chế”, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lấy ví dụ tại Hội nghị và Triển lãm về công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và công nghiệp môi trường Việt Nam do Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức.

Sự manh mún, nhỏ lẻ của ngành công nghiệp tái chế, theo ông Kiên, đến từ việc các chính sách từ phía nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của ngành, bao gồm các chính sách về tiếp cận vốn, thúc đẩy xã hội hóa, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia vào ngành tái chế nhưng lại vướng phải rào cản đến từ chính quy hoạch của địa phương.

Thời gian qua, cùng với các chính sách nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, ngành công nghiệp tái chế đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình. Đặc biệt trong đó phải kể đến công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đặt ra yêu cầu nhà sản xuất chịu trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm của mình thông qua việc tự tổ chức, thuê bên thứ ba hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Ông Kiên cho biết, cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế khiến rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước lại đang khó đủ đường khi đầu tư vào ngành tái chế. Nói cách khác, doanh nghiệp tái chế Việt Nam đứng trước nguy cơ bị “mất sân chơi” ngay trên chính sân nhà.

Khẳng định sự cần thiết của việc kêu gọi doanh nghiệp Việt đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp tái chế, đặc biệt là đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến hướng đến “khép kín vòng lặp tuần hoàn”, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, đề nghị cần tạo thêm điều kiện để mở đường cho các công ty tái chế phát triển.

Ông Đặng Hữu Bình, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, thông tin, hiện cả nước có hơn 1,3 nghìn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có gần 400 lò đốt, hơn 900 bãi chôn lấp và chỉ có chưa đến 40 cơ sở sản xuất phân compost.

Công nghệ xử lý rác thải phổ biến nhất là đốt, chỉ có số ít địa phương có nhà máy đốt rác phát điện.

Ông Kiên nhìn nhận, hạn chế việc đốt rác cũng là một giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bởi 80% lượng chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng.

“Đốt rác là đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho hàng hóa xuất khẩu, đốt đi tín chỉ carbon được hưởng từ tái chế, tái sử dụng”, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh.